hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 02/03/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Bị phạt vi phạm giao thông cao hơn quy định, tôi phải làm gì?

Việc bị phạt vi phạm giao thông cao hơn quy định diễn ra khá phổ biến. Điều này có thể ảnh hưởng đến phần quyền lợi của người dân. Vậy, trong trường hợp này người dân cần giải quyết thế nào?

Mục lục bài viết
  • Mức phạt sử dụng tai nghe, điện thoại khi đang đi xe bị phạt bao nhiêu?
  • Phải làm gì khi CSGT phạt cao hơn quy định?
  • Có cần phải nộp phạt trước rồi mới khiếu nại không?
Câu hỏi: Xin hỏi, ngày 25/02 tôi vừa điều khiển xe vừa sử dụng tai nghe nên đã bị Cảnh sát giao thông lập biên bản và xử phạt với mức phạt 1,5 triệu đồng. Sau đó về nhà tôi cũng có tìm hiểu lại luật thì thấy mức phạt này cao hơn quy định. Vậy tôi cần phải làm gì trong trường hợp này? Tôi cảm ơn!

Mức phạt sử dụng tai nghe, điện thoại khi đang đi xe bị phạt bao nhiêu?

Có thể thấy, đây là một trong những lỗi vi phạm gia thông khá phổ biến. Với hành vi vi phạm này, mức tiền phạt quy định như sau:

Theo điểm h khoản 4 Điều 6 Nghị định 100/2019/NĐ-CP quy định:

Phạt tiền từ 600.000 đồng - 01 triệu đồng đối với người điều khiển xe thực hiện hành vi sử dụng thiết bị âm thanh, trừ thiết bị trợ thính.

Như vậy, trong quá trình lái xe, người điều khiển xe máy hoặc các loại xe tương tự sử dụng tai nghe, kể cả tai nghe không dây (trừ thiết bị trợ thính) đều có thể bị phạt với mức phạt lên tới 01 triệu đồng.

Việc cảnh sát giao thông xử phạt bạn 1,5 triệu đồng là không đúng theo quy định nêu trên.

Bị cảnh sát giao thông phạt sai quy định, tôi phải làm gì? (Ảnh minh họa)


Phải làm gì khi CSGT phạt cao hơn quy định?

Khi bị phạt tiền cao hơn so với mức quy định, bạn có thể khiếu nại quyết định xử phạt của cảnh sát giao thông đến cấp trên trực tiếp. Cụ thể:

Theo Điều 7 Luật Khiếu nại 2011 quy định về trình tự khiếu nại quyết định hành chính như sau:

- Khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính là trái pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp của mình thì người khiếu nại khiếu nại lần đầu đến người đã ra quyết định hành chính hoặc cơ quan có người có hành vi hành chính hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật Tố tụng hành chính.

- Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc quá thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại lần hai đến Thủ trưởng cấp trên trực tiếp của người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần đầu hoặc khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật Tố tụng hành chính.

- Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại lần hai hoặc hết thời hạn quy định mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện vụ án hành chính tại Tòa án theo quy định của Luật Tố tụng hành chính.

Lưu ý: bạn có thể khiếu nại theo 02 hình thức sau:

- Khiếu nại bằng đơn;

- Khiếu nại trực tiếp.

Đồng thời, theo Điều 9 Luật Khiếu nại 2011 quy định thời hiệu khiếu nại quyết định xử phạt vi phạm là 90 ngày được tính từ ngày nhận được quyết định hành chính hoặc biết được quyết định hành chính, hành vi hành chính.

Trường hợp người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hiệu vì ốm đau, thiên tai, đi công tác, học tập ở nơi xa hoặc vì những trở ngại khách quan khác thì thời gian có trở ngại đó không tính vào thời hiệu khiếu nại.

Có cần phải nộp phạt trước rồi mới khiếu nại không?

Theo khoản 1 Điều 73 Luật Xử lý vi phạm hành chính 2012, trường hợp bạn bị xử phạt vi phạm hành chính phải chấp hành quyết định xử phạt trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày nhận quyết định xử phạt vi phạm hành chính (nếu quyết định xử phạt vi phạm hành chính có ghi thời hạn thi hành nhiều hơn 10 ngày thì thực hiện theo thời hạn đó).

Trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định xử phạt vi phạm hành chính thì vẫn phải chấp hành quyết định xử phạt, trừ trường hợp người giải quyết khiếu nại, khởi kiện đã ra quyết định tạm đình chỉ việc thi hành quyết định xử phạt.

Như vậy, khi thấy quyết định xử phạt của CSGT không đúng, người vi phạm tới trụ sở Đội, Phòng CSGT nơi lập biên bản để đưa ra căn cứ chứng minh mình không vi phạm.

Trường hợp người vi phạm có đầy đủ chứng cứ thì cán bộ, chiến sỹ CSGT lập biên bản phải chịu trách nhiệm, xin lỗi người vi phạm.

Trên đây hướng giải quyết khi bị cảnh sát giao thông phạt sai quy định. Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.

>> Tôi có thể nộp phạt vi phạm giao thông online bằng cách nào?

Có thể bạn quan tâm

X