Cấp sổ đỏ cho đất xen kẹt được không? Đất xen kẹt là đất gì? … Cùng HieuLuat giải đáp những vướng mắc pháp lý về đất xen kẹt trong bài viết dưới đây.
Qua nhiều năm, bố mẹ tôi đi làm ăn ở nơi khác nên căn nhà nhỏ này bị bỏ hoang, diện tích đất trồng rau cũng không còn được sử dụng.
Tôi băn khoăn không rõ, liệu rằng diện tích đất xen kẹt kia của gia đình tôi có được cấp sổ đỏ không?
Trường hợp được cấp sổ đỏ cho đất xen kẹt thì hồ sơ tôi cần chuẩn bị gồm những giấy tờ, tài liệu gì?
Chào bạn, với vướng mắc liên quan đến cấp sổ đỏ cho đất xen kẹt của bạn, HieuLuat giải đáp chi tiết cho bạn như sau:
Đất xen kẹt là đất gì? Quy định thế nào?
Hiện nay, pháp luật về đất đai không định nghĩa về đất xen kẹt. Thực tế, đất xen kẹt là từ dùng để chỉ diện tích đất nông nghiệp nằm cùng thửa với đất ở hoặc đất nông nghiệp sử dụng với mục đích trồng cây hàng năm, làm vườn… nằm xen lẫn trong khu dân cư.
Nói cách khác, đất xen kẹt thường là những phần diện tích đất chưa xây dựng nhà ở, nằm trong quy hoạch đất ở, xung quanh diện tích đất xen kẹt là nhà dân, khu dân cư.
Đất xen kẹt cũng là loại đất được sử dụng với một trong số những mục đích được quy định tại khoản 1 Điều 10 Luật Đất đai 2013, ví dụ trồng ngô, đậu, khoai,...làm ao nuôi cá,...
Đất xen kẹt xuất hiện nhiều hơn ở các thành phố, nơi có mật độ dân số, mức độ xây dựng cao.
Tóm lại, pháp luật đất đai không định nghĩa đất xen kẹt mà đất xen kẹt thường được hiểu là phần diện tích nằm xen lẫn giữa khu dân cư và thường là đất nông nghiệp.
Đất xen kẹt xuất hiện nhiều ở khu vực thành phố nhưng hiện nay loại đất này gần như không còn tồn tại do diện tích đất đã được quy hoạch rõ ràng.
Hồ sơ cấp sổ đỏ cho đất xen kẹt gồm giấy tờ gì?
Cũng giống các loại đất khác, khi cấp sổ đỏ lần đầu cho đất xen kẹt, người yêu cầu phải chuẩn bị hồ sơ theo quy định tại Điều 8 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT, hồ sơ cấp sổ đỏ lần đầu cho đất xen kẹt gồm:
Đơn đăng ký cấp sổ đỏ lần đầu, mẫu 04a/ĐK;
Giấy tờ, tài liệu về nguồn gốc đất theo quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013, Điều 18 Nghị định 43/2014/NĐ-CP (nếu có);
Giấy tờ chứng minh việc hoàn thành nghĩa vụ tài chính (đóng nộp thuế, phí sử dụng đất) qua quá trình sử dụng đất;
Giấy tờ nhân thân của người sử dụng (căn cước công dân/chứng minh nhân dân/hộ chiếu);
Giấy tờ chứng minh nơi ở hợp pháp của người sử dụng đất (sổ hộ khẩu/văn bản xác nhận nơi cư trú);
Giấy tờ, tài liệu về quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất theo quy định tại Điều 31, Điều 32, Điều 33, Điều 34 Nghị định 43/2014/NĐ-CP (nếu có);
Giấy tờ, tài liệu chứng minh thuộc trường hợp được miễn, giảm nghĩa vụ tài chính (nếu có): Ví dụ giấy tờ chứng minh là thương binh, bệnh binh, người thuộc khu vực địa bàn có kinh tế đặc biệt khó khăn,...
Kết luận: Giấy tờ mà người sử dụng đất cần phải chuẩn bị để cấp giấy chứng nhận cho đất xen kẹt trong khu dân cư gồm đơn đề nghị cấp sổ đỏ lần đầu, giấy tờ tùy thân… như chúng tôi đã nêu trên.
Thủ tục cấp sổ đỏ cho đất xen kẹt như thế nào?
Thủ tục cấp sổ đỏ lần đầu cho đất xen kẹt được thực hiện theo Điều 70 Nghị định 43/2014/NĐ-CP.
Các bước cấp sổ đỏ lần đầu cho đất xen kẹt như sau:
Bước 1: Nộp hồ sơ xin cấp sổ đỏ lần đầu
Người yêu cầu cấp sổ đỏ lần đầu chuẩn bị hồ sơ như chúng tôi đã nêu ở trên.
Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ tài liệu, hồ sơ, người yêu cầu nộp hồ sơ xin cấp sổ đỏ lần đầu cho đất xen kẹt tại một trong những cơ quan sau:
Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất;
Văn phòng đăng ký đất đai nơi có đất;
Bộ phận 1 cửa cấp huyện nơi có đất (nếu đã thành lập);
Bước 2: Cơ quan có thẩm quyền thực hiện các công việc chuyên môn
Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện các công việc như xác nhận về tình trạng tranh chấp, thời điểm sử dụng đất, … của người sử dụng đất;
Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện các công việc chuyên môn như kiểm tra hồ sơ, trích đo địa chính, kiểm tra thực địa, cập nhật thông tin trong cơ sở dữ liệu đất đai,...
Cơ quan có thẩm quyền dựa trên hồ sơ, tờ trình của cơ quan Tài nguyên và Môi trường để quyết định cấp sổ đỏ cho người yêu cầu;
Bước 3: Người yêu cầu cấp sổ đỏ đóng nộp thuế, phí
Theo thông báo đóng nộp thuế, phí từ cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, người yêu cầu đóng thuế, phí đúng hạn, đầy đủ.
Tiền thuế, phí mà người yêu cầu cần phải đóng nộp là tiền sử dụng đất, lệ phí trước bạ, phí thẩm định hồ sơ, lệ phí cấp sổ đỏ.
Bước 4: Người yêu cầu cấp sổ đỏ nhận kết quả
Sau khi hoàn thành nghĩa vụ tài chính, người yêu cầu cấp sổ đỏ nộp biên lai, giấy tờ chứng minh đã nộp thuế, phí tới cơ quan tiếp nhận hồ sơ ban đầu.
Người sử dụng đất nhận sổ đỏ theo giấy hẹn trả kết quả.
Kết luận: Việc cấp sổ đỏ cho đất xen kẹt được thực hiện theo trình tự các bước như chúng tôi đã nêu trên.