hieuluat
Chia sẻ email

Được cấp sổ đỏ khi không có đường đi không? Điều kiện là gì?

Cấp sổ đỏ khi không có đường đi được không? Việc cấp sổ đỏ khi không có đường đi được thực hiện như thế nào? … Bài viết dưới đây của HieuLuat sẽ cùng bạn đọc giải đáp vấn đề pháp lý về vấn đề cấp sổ đỏ này.

 
Câu hỏi: Chào Luật sư, gia đình tôi có thửa đất nông nghiệp nằm ở phía trong cùng của khu đất nông nghiệp được Nhà nước giao, công nhận quyền sử dụng.

Trải qua gần 30 năm sử dụng, sau một vài lần thu hồi đất để thực hiện các dự án tái định cư, dự án về điểm dân cư đã được phê duyệt, phần diện tích đất nông nghiệp của tôi đã bị bịt kín lối đi.

Hiện tại, do một gia đình gần sát phần diện tích đất của chúng tôi chưa thực hiện xây dựng nhà ở nên chúng tôi đi nhờ qua phần diện tích đất của họ để vào thửa đất của mình.

Tôi muốn hỏi với phần diện tích đất như vậy của gia đình tôi thì có được cấp sổ đỏ không?

Nếu được cấp thì việc sử dụng đất sẽ được thực hiện như thế nào?

Gia đình tôi đã đề nghị một gia đình liền kề thửa đất được mở một lối đi vào thửa đất của mình nhưng gia đình đó không chấp nhận. Hiện nay, gia đình cho gia đình tôi đi nhờ đã chuẩn bị khởi công xây dựng nhà ở và đề nghị gia đình tôi tìm lối đi khác hợp lý hơn.

Xin hỏi Luật sư, trong trường hợp này, gia đình tôi cần phải làm gì để có đường đi?

Chào bạn, xoay quanh vấn đề giải quyết tranh chấp trong trường hợp cấp sổ đỏ khi không có lối đi được chúng tôi giải đáp như sau:

Được phép cấp sổ đỏ không có lối đi không?

Với thông tin bạn cung cấp, có thể phát sinh 2 tình huống sau đây:

Tình huống 1: Thửa đất nông nghiệp của gia đình bạn đang sử dụng là thửa đất được Nhà nước giao hoặc có giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định pháp luật

Lúc này, việc cấp sổ đỏ được căn cứ theo quyết định giao hoặc giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định pháp luật.

Gia đình bạn được cấp sổ đỏ theo diện tích, kích thước mà quyết định giao, giấy tờ về quyền sử dụng đất.

Theo quy định tại Điều 254 Bộ luật Dân sự 2015, thửa đất của bạn bị vây bọc bởi các bất động sản liền kề mà không thể có lối đi ra đường chung thì bạn có quyền yêu cầu một chủ sử dụng đất liền kề thửa đất của bạn phải dành cho bạn một lối đi phù hợp.

Lối đi này phải đảm bảo có khoảng cách ngắn nhất để đi ra lối đi chung của cộng đồng.

Đồng thời, gia đình bạn phải chi trả cho bất động sản liền kề đó một khoản phí tương ứng.

Đây chính là quyền sử dụng hạn chế một phần diện tích của bất động sản liền kề. Theo Điều 171 Luật Đất đai 2013, Thông tư 23/2014/TT-BTNMT, việc sử dụng này phải được lập thành biên bản và phải được nộp cùng hồ sơ cấp sổ đỏ lần đầu.

Thời hạn, diện tích đất của bất động sản liền kề được sử dụng làm đường đi cho thửa đất của bạn được ghi nhận rõ trong sổ đỏ tại phần thời hạn sử dụng đất, ghi chú và sơ đồ thửa đất.

Tình huống 2: Thửa đất nông nghiệp của gia đình bạn đang sử dụng không có giấy tờ về quyền sử dụng đất và không phải là đất được Nhà nước giao, cho thuê

Trong trường hợp thửa đất nông nghiệp mà bạn đang sử dụng không có một trong những giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định pháp luật thì bạn được cấp sổ đỏ khi đảm bảo các điều kiện của Luật Đất đai 2013, gồm:

  • Gia đình bạn có hộ khẩu thường trú là nơi đang sử dụng đất;

  • Việc sử dụng đất là xuyên suốt, ổn định, không có tranh chấp, không vi phạm pháp luật đất đai;

  • Người sử dụng đất thực hiện thủ tục xin cấp sổ đỏ theo trình tự luật định;

  • Hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo thông báo của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền;

  • Không thuộc trường hợp không được cấp sổ đỏ;

Đây là những điều kiện cơ bản nhất để người sử dụng đất được cấp sổ đỏ cho thửa đất nông nghiệp của mình.

Trường hợp của bạn, khi không có đường đi/lối đi ra đường chung của cộng đồng, bạn có quyền đề nghị chủ sử dụng đất liền kề mở cho mình một lối đi theo quy định tại Điều 254 Bộ luật Dân sự 2015 như chúng tôi đã nêu ở trên.

Kết luận: Pháp luật về đất đai cho phép cấp sổ đỏ không có lối đi cho những thửa đất đủ điều kiện. Chủ sử dụng đất có quyền đề nghị chủ sử dụng đất liền kề mở cho mình một lối đi đến lối đi chung của cộng đồng theo quy định pháp luật.

cap so do khi khong co duong di


Giải quyết trường hợp cấp sổ đỏ khi không có đường đi thế nào?

Trong trường hợp của bạn, việc xử lý trường hợp sổ đỏ không có đường đi được thực hiện như sau:

Bước 1: Thương lượng, thỏa thuận với chủ sử dụng đất liền kề

Bạn có thể thương lượng, thỏa thuận với chủ sử dụng đất liền kề thửa đất của mình để họ mở cho bạn một lối đi phù hợp tới lối đi chung của cộng đồng.

Việc thỏa thuận phải được lập thành văn bản và phải được công chứng, chứng thực theo quy định.

Biên bản thỏa thuận này phải được nộp cùng hồ sơ xin cấp sổ đỏ lần đầu của bạn.

Việc lựa chọn thửa đất để đề nghị mở đường đi tới lối đi chung của cộng đồng được tuân thủ quy định tại Điều 254 Bộ luật Dân sự 2015:

Điều 254. Quyền về lối đi qua

1. Chủ sở hữu có bất động sản bị vây bọc bởi các bất động sản của các chủ sở hữu khác mà không có hoặc không đủ lối đi ra đường công cộng, có quyền yêu cầu chủ sở hữu bất động sản vây bọc dành cho mình một lối đi hợp lý trên phần đất của họ.

Lối đi được mở trên bất động sản liền kề nào mà được coi là thuận tiện và hợp lý nhất, có tính đến đặc điểm cụ thể của địa điểm, lợi ích của bất động sản bị vây bọc và thiệt hại gây ra là ít nhất cho bất động sản có mở lối đi.

Chủ sở hữu bất động sản hưởng quyền về lối đi qua phải đền bù cho chủ sở hữu bất động sản chịu hưởng quyền, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Vị trí, giới hạn chiều dài, chiều rộng, chiều cao của lối đi do các bên thỏa thuận, bảo đảm thuận tiện cho việc đi lại và ít gây phiền hà cho các bên; nếu có tranh chấp về lối đi thì có quyền yêu cầu Tòa án, cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác xác định.

3. Trường hợp bất động sản được chia thành nhiều phần cho các chủ sở hữu, chủ sử dụng khác nhau thì khi chia phải dành lối đi cần thiết cho người phía trong theo quy định tại khoản 2 Điều này mà không có đền bù.

Đồng thời, nhà hàng xóm (có diện tích đất liền kề) cũng phải đăng ký biến động đất đai theo Điều 95 Luật Đất đai 2013.

Bước 2: Đề nghị cơ quan Nhà nước tại địa phương thực hiện hòa giải

Trong trường hợp bạn cùng gia đình liền kề thỏa mãn điều kiện pháp luật không đồng ý để một phần diện tích làm đường đi cho bạn thì bạn có thể đề nghị các cơ quan quản lý Nhà nước tại địa phương thực hiện hòa giải, xử lý trường hợp cho mình.

Các cơ quan, cá nhân có quyền thực hiện hòa giải, hỗ trợ bạn thực hiện thủ tục này gồm trưởng thôn/tổ trưởng tổ dân phố, Ủy ban nhân dân cấp xã, các tổ chức xã hội tại địa phương, người có tiếng nói/được nhiều người kính trọng tại địa phương,...

Bước 3: Khởi kiện

Trường hợp bạn đã thực hiện mọi cách để hòa giải, thương lượng nhưng không đạt hiệu quả mong muốn thì bạn có thể lựa chọn cách giải quyết trực tiếp, triệt để là khởi kiện tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền.

Trong hồ sơ khởi kiện bạn cần có những tài liệu để mô tả vị trí, ranh giới thửa đất của gia đình mình trên thực địa.

Sau khi đã giải quyết xong tranh chấp, việc cấp sổ đỏ tiếp tục được thực hiện theo trình tự luật định.

Kết luận: Giải quyết tranh chấp về việc cấp sổ đỏ khi không có đường đi, người sử dụng đất được tiếp tục giải quyết đề nghị cấp sổ đỏ cho thửa đất của mình.

Trên đây là giải đáp về cấp sổ đỏ khi không có đường đi, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006192 để được hỗ trợ.
Nguyễn Văn Việt

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Việt

Công ty Luật TNHH I&J - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X