hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Sáu, 30/06/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Được cấp sổ đỏ khi không còn hộ khẩu tại địa phương không?

Được cấp sổ đỏ khi không còn hộ khẩu tại địa phương không? Quy định của pháp luật về vấn đề cấp sổ đỏ trong trường hợp này như thế nào? Cùng tìm hiểu nhé.

 
Câu hỏi: Chào Luật sư, tôi có vấn đề về cấp sổ đỏ lần đầu cho đất mong được giải đáp như sau:

Thửa đất mà gia đình tôi sử dụng có nguồn gốc là do ông bà nội tôi khai hoang mà có.

Đất được sử dụng với mục đích để ở trong suốt quá trình từ lúc ông bà nội tôi khai hoang cho đến hiện tại.

Trên đất đã xây dựng 3 căn nhà cấp 4, trong đó 1 căn được xây dựng từ khoảng năm 1970, sau này có tu sửa lại.

2 căn còn lại thì xây dựng vào khoảng những năm 1990.

Tới khoảng năm 2004, chúng tôi chuyển từ Bắc vào Nam sinh sống, cũng đã chuyển hộ khẩu khỏi địa phương.

3 căn nhà cấp 4 và thửa đất hiện đang được cho người em của tôi mượn để ở và trồng rau ở vườn.

Gần đây có chương trình làm sổ đỏ cho các hộ gia đình, cá nhân tại khu vực tôi sinh sống.

Tôi nghe nhiều người nói rằng với trường hợp của gia đình tôi thì không được cấp sổ đỏ.

Xin hỏi nếu không còn sổ hộ khẩu tại địa phương thì chúng tôi có được cấp sổ đỏ không?

Chúng tôi cần chuẩn bị giấy tờ gì để được cấp sổ đỏ?

Cảm ơn Luật sư đã hỗ trợ.

Chào bạn, được cấp sổ đỏ khi không còn hộ khẩu tại địa phương hay không và cần hồ sơ gì để được cấp sổ đỏ là những vướng mắc được chúng tôi giải đáp như dưới đây.

Được cấp sổ đỏ khi không còn hộ khẩu tại địa phương không?

Với thông tin bạn cung cấp, đối chiếu quy định pháp luật hiện hành, trường hợp của bạn là đề nghị cấp sổ đỏ cho đất ở khi không có một trong số những giấy tờ quy định tại Điều 100 Luật Đất đai, Điều 18 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, khoản 16, 17 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP.

Căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 101 Luật Đất đai, dù không còn hộ khẩu thường trú tại nơi có đất thì bạn vẫn có thể được cấp sổ đỏ.

Lý do là bởi, từ khoản 2 Điều 101 Luật Đất đai 2013, để được cấp sổ đỏ thì thửa đất phải đảm bảo các điều kiện sau:

Điều kiện 1, sử dụng ổn định từ trước 1/7/2004, cụ thể:

  • Được hiểu là sử dụng đất với 1 mục đích chính kể từ thời điểm bắt đầu đến thời điểm cấp sổ theo khoản 1 Điều 21 Nghị định 43/2014/NĐ-CP;

  • Thời điểm bắt đầu sử dụng đất ổn định được căn cứ vào một trong những giấy tờ, tài liệu quy định tại khoản 2 Điều 21 như căn cước công dân, giấy khai sinh, giấy tờ xác nhận việc nộp tiền điện, nước…; nếu không có giấy tờ theo khoản 2 thì phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về thời điểm bắt đầu sử dụng đất dựa trên việc thu thập ý kiến của người đã từng cư trú cùng thời điểm bắt đầu sử dụng đất;

  • Nhấn mạnh rằng, bạn là người xin cấp sổ đỏ lần đầu thì phải là người sử dụng đất ổn định từ trước 1/7/2004 mà không thể tính thời điểm sử dụng đất ổn định của ông bà bạn để xét điều kiện cấp sổ đỏ lần đầu cho bạn;

  • Ngoại lệ, nếu việc sử dụng đất của bạn là do nhận tặng cho hoặc nhận thừa kế thì thời điểm bắt đầu sử dụng đất ổn định được tính tương ứng là trước 1/1/2008 hoặc trước 1/7/2014 thay vì tính từ thời điểm trước 1/7/2004 theo quy định tại khoản 54 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP;

Điều kiện 2, không vi phạm pháp luật về đất đai: Thường được hiểu là không có quyết định xử phạt vi phạm về đất đai;

Điều kiện 3, được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất xác nhận là đất không có tranh chấp: Đất không có tranh chấp có thể được hiểu là không có khiếu kiện, khiếu nại được cơ quan có thẩm quyền thụ lý, giải quyết;

Được cấp sổ đỏ khi không còn hộ khẩu tại địa phương không?Được cấp sổ đỏ khi không còn hộ khẩu tại địa phương không?

Điều kiện 4, được Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất xác nhận là phù hợp quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị/hoặc quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được phê duyệt;

Đối chiếu với trường hợp của bạn, có thể thấy, việc không còn hộ khẩu tại địa phương không phải là một trong những căn cứ để xác định bạn có được cấp sổ đỏ cho thửa đất đang sử dụng hay không.

Nói cách khác, kể cả khi bạn không còn hộ khẩu thường trú tại địa phương nơi có đất nhưng thỏa mãn các điều kiện nêu trên thì vẫn được cấp sổ đỏ đối với thửa đất như bình thường.

Như vậy, người sử dụng đất vẫn được cấp sổ đỏ khi không còn hộ khẩu tại địa phương nếu đảm bảo các điều kiện như không có tranh chấp, sử dụng ổn định từ trước 1/7/2004, phù hợp quy hoạch, không có vi phạm pháp luật về đất đai.

Ngoài ra, nếu việc cấp sổ đỏ là thuộc trường hợp có giấy tờ về quyền sử dụng đất theo Điều 100 Luật Đất đai, Điều 18 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, khoản 16, 17 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP thì không cần xét tới điều kiện về nơi thường trú của người sử dụng đất tại thời điểm cấp sổ.

Hay, tại thời điểm cấp sổ mà người sử dụng đất có một trong số những giấy tờ về quyền sử dụng đất thì dù không còn hộ khẩu thường trú tại địa phương vẫn có thể được cấp sổ đỏ như bình thường.

Hồ sơ xin cấp sổ đỏ khi không còn hộ khẩu tại địa phương có gì?

Theo thông tin bạn cung cấp, căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 101 Luật Đất đai 2013, Điều 8 Thông tư 24/2014/TT-BTNMT, Điều 31 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, giấy tờ cần có khi thực hiện xin cấp sổ đỏ lần đầu trong trường hợp của bạn gồm:

  • Đơn đăng ký, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu, mẫu 04a/ĐK;

  • Một trong số giấy tờ chứng minh thời điểm bắt đầu sử dụng đất ổn định như: Căn cước công dân của người sử dụng đất, giấy khai sinh, đăng ký thường trú, hóa đơn tiền điện nước, biên lai đóng thuế…. hoặc xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất về thời điểm bắt đầu sử dụng đất;

  • Một trong số những giấy tờ để chứng minh quyền sở hữu nhà ở như:

    • Giấy phép xây dựng…;

    • Văn bản xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về việc xây dựng nhà ở trước 1/7/2006 và được xây dựng trước khi có quy hoạch hoặc phù hợp với quy hoạch nếu xây dựng sau khi có quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch điểm dân cư nông thôn;

    • Văn bản xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã về việc nhà ở không phải xin cấp giấy phép xây dựng, phù hợp quy hoạch nếu nhà ở hoàn thành xây dựng sau 1/7/2006;

    • Văn bản/giấy tờ của cơ quan quản lý về xây dựng cấp huyện chấp thuận cho tồn tại nhà ở nếu nhà ở hoàn thành xây dựng sau 1/7/2006 mà thuộc trường hợp phải xin cấp giấy phép xây dựng mà không có giấy phép;

    • …;

  • Văn bản về thừa kế, văn bản chuyển quyền sử dụng đất (tặng cho, chuyển nhượng…) (nếu có);

  • Văn bản ủy quyền (nếu có);

  • Giấy tờ, chứng từ thực hiện nghĩa vụ tài chính;

  • Giấy tờ, tài liệu chứng minh được miễn, giảm nghĩa vụ tài chính (nếu có);

Hồ sơ xin cấp sổ đỏ khi không còn hộ khẩu tại địa phươngHồ sơ xin cấp sổ đỏ khi không còn hộ khẩu tại địa phương

Như vậy, hồ sơ cần chuẩn bị khi xin cấp sổ đỏ khi không còn hộ khẩu tại địa phương trong trường hợp của bạn bao gồm những giấy tờ, tài liệu mà chúng tôi nêu trên.

Do chưa được tiếp cận vụ việc cụ thể nên chúng tôi chỉ có thể hướng dẫn chung cho bạn các loại giấy tờ cần phải có, tùy thuộc tình huống của mình mà có thể phải cần thêm hoặc bớt một số loại tài liệu, giấy tờ.

Bạn có thể liên hệ trực tiếp tới Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất để được hướng dẫn cụ thể.

Trên đây là giải đáp thắc mắc về vấn đề cấp sổ đỏ khi không còn hộ khẩu tại địa phương, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.

Lê Ngọc Khánh

Tham vấn bởi: Luật sư Lê Ngọc Khánh

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X