Cấp sổ đỏ ông bà để lại có mất phí không? Mất bao nhiêu? Được thế chấp không? … Những câu hỏi liên quan đến cấp sổ đỏ đất ông bà để lại được HieuLuat giải đáp trong bài viết dưới đây.
Câu hỏi: Chào Luật sư, nhà tôi có thửa đất được ông bà để lại. Đến nay vẫn chưa cấp sổ đỏ.
Hiện nay, do muốn sử dụng tiền để xoay vòng vốn kinh doanh nên tôi muốn thế chấp thửa đất này tại ngân hàng (đã được bố tôi cùng các cô chú đồng ý).
Xin hỏi Luật sư, tôi có thể thực hiện được không?
Chào bạn, với những vướng mắc xoay quanh vấn đề cấp sổ đỏ cho diện tích đất ông bà để lại thừa kế của bạn, chúng tôi xin được giải đáp như sau:
Đất ông bà để lại chưa có sổ, được thế chấp không?
Trước hết, điều kiện để được thế chấp quyền sử dụng đất được thực hiện theo quy định tại Điều 188 Luật Đất đai 2013.
Theo đó, các điều kiện để được thế chấp quyền sử dụng đất gồm:
Đất đã được cấp sổ đỏ: Đây là điều kiện bắt buộc để người sử dụng đất có thể thực hiện các giao dịch như thế chấp, tặng cho, chuyển nhượng, thế chấp…;
Đất không có tranh chấp/hoặc khiếu nại, khiếu kiện; Không thuộc trường hợp bị kê biên để đảm bảo thi hành theo bản án/quyết định của tòa án nhân dân đã có hiệu lực pháp luật;
Đất còn trong thời hạn sử dụng;
Đối chiếu với trường hợp của bạn, thửa đất mà ông bà bạn để lại chưa được cấp giấy chứng nhận nên chưa đủ điều kiện để được thế chấp.
Nói cách khác, thửa đất chưa được cấp sổ đỏ thì không được thế chấp tại ngân hàng.
Tóm lại, đất được nhận thừa kế từ ông bà nhưng chưa được cấp sổ đỏ thì không được thế chấp tại ngân hàng để vay vốn.
Để được vay vốn, thế chấp bằng tài sản là quyền sử dụng đất thì thửa đất này phải được cấp sổ đỏ cho người được hưởng tài sản thừa kế từ ông bà bạn để lại.
Thủ tục cấp sổ đỏ ông bà để lại ra sao?
Dựa trên thông tin bạn cung cấp, căn cứ quy định pháp luật hiện hành, gia đình bạn thực hiện cấp sổ đỏ cho thửa đất là di sản thừa kế ông bà để lại theo trình tự sau đây:
Bước 1: Họp mặt gia đình
Đây là bước đầu tiên và rất quan trọng trong quá trình cấp sổ đỏ cho đất thừa kế nhận thừa kế từ ông bà.
Họp mặt gia đình cần có biên bản họp mặt. Nội dung của biên bản họp mặt gia đình có các nội dung như tài sản thừa kế được phân chia cụ thể như thế nào, ai có trách nhiệm quản lý di sản, chi phí cấp sổ đỏ/trách nhiệm chịu chi phí cấp sổ đỏ/sang tên sổ..
Thỏa thuận cử một trong những người được nhận thừa kế làm người đại diện thực hiện cấp sổ đỏ lần đầu, đứng tên trên giấy chứng nhận;
Các vấn đề khác liên quan đến tài sản thừa kế là đất đai do ông bà để lại.
Bước 2: Công chứng/chứng thực văn bản thỏa thuận cử người đại diện cấp sổ đỏ, đứng tên trên giấy chứng nhận
Căn cứ vào biên bản họp mặt gia đình, công chứng viên/người có thẩm quyền chứng thực sẽ thực hiện chứng nhận/chứng thực văn bản thỏa thuận cử người đại diện cấp sổ đỏ cho thửa đất ông bà để lại và đứng tên trên sổ đỏ.
Theo đó, người được ủy quyền sẽ thực hiện các công việc để được cấp sổ đỏ như nộp hồ sơ, chỉnh sửa, bổ sung hồ sơ,... làm việc với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền…
Sổ đỏ được cấp sẽ ghi tên của người đại diện thực hiện cấp sổ đỏ và toàn bộ những người thừa kế khác.
Bước 3: Công chứng/chứng thực văn bản nhận di sản thừa kế
Sau khi đã được cấp sổ đỏ, những người thừa kế thực hiện lập văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế hoặc khai nhận di sản thừa kế có công chứng hoặc chứng thực (Luật Công chứng 2014, Nghị định 23/2015/NĐ-CP).
Nếu muốn sổ đỏ chỉ mang tên riêng của bố bạn thì tại đây, những người thừa kế còn lại thực hiện một trong hai cách sau:
Lập văn bản từ chối nhận di sản thừa kế. Văn bản từ chối này phải được công chứng/chứng thực theo quy định pháp luật;
Hoặc những người thừa kế còn lại tặng cho bố bạn quyền sử dụng thửa đất của họ trong khối tài sản chung đã được cấp sổ;
Công chứng viên/người có thẩm quyền chứng thực thực hiện công chứng/chứng thực văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế/khai nhận di sản thừa kế theo yêu cầu.
Bước 4: Sang tên sổ đỏ nhận thừa kế
Sau khi đã có văn bản thỏa thuận phân chia di sản hoặc khai nhận di sản thừa kế, người được nhận tài sản thừa kế thực hiện đăng ký biến động/đăng ký sang tên tại cơ quan có thẩm quyền.
Lưu ý: Bố bạn chỉ được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất hợp pháp khi đã được ghi nhận tại Sổ địa chính và giấy chứng nhận.
Kết luận: Thủ tục cấp sổ đỏ ông bà để lại được thực hiện theo trình tự các bước như chúng tôi đã nêu trên.