hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Năm, 18/05/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Cắt bảo hiểm y tế hộ gia đình khi đi làm công ty như thế nào?

Rất nhiều người lao động tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình trong thời gian thất nghiệp. Vậy người đó có phải cắt bảo hiểm y tế hộ gia đình khi tìm được việc mới không? Thủ tục cắt thế nào?

Mục lục bài viết
  • Đã đi làm rồi thì có bị cắt bảo hiểm y tế hộ gia đình không?
  • Cắt bảo hiểm y tế hộ gia đình khi đi làm công ty như thế nào?
  • Nghỉ việc rồi có thể tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình không?
Câu hỏi: Tôi đã mua bảo hiểm y tế hộ gia đình nhưng sau khi đi làm trở lại, công ty yêu cầu tôi tham gia bảo hiểm y tế theo doanh nghiệp. Tôi phải làm gì để cắt bảo hiểm y tế hộ gia đình cũ? Nếu sau này nghỉ việc thì tôi có thể tham gia lại bảo hiểm hộ gia đình mà trước đó đã hủy không? (Mai Hoa – Tp.HCM)

Đã đi làm rồi thì có bị cắt bảo hiểm y tế hộ gia đình không?

Về nguyên tắc, mỗi người chỉ được cấp duy nhất 01 thẻ bảo hiểm y tế. Đồng thời theo khoản 2 Điều 13 Luật Bảo hiểm y tế 2008 sửa đổi năm 2014, người nào thuộc nhiều nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm y tế thì sẽ đóng theo nhóm đầu tiên được xác định.

Cụ thể, tại Điều 12 Luật này thì các đối tượng tham gia bảo hiểm y tế bắt buộc được xếp theo thứ tự sau:

- Nhóm do người lao động, người sử dụng lao động cùng đóng (Nhóm 1);

- Nhóm được tổ chức bảo hiểm xã hội đóng bảo hiểm (Nhóm 2);

- Nhóm được Ngân sách Nhà nước trích đóng thẻ bảo hiểm y tế (Nhóm 3);

- Nhóm tham gia bảo hiểm y tế được Nhà nước hỗ trợ mức đóng (Nhóm 4);

- Nhóm đóng bảo hiểm theo hộ gia đình (Nhóm 5).

Như vậy, khi người đã mua bảo hiểm y tế theo hộ gia đình (Nhóm 5) ký hợp đồng lao động với doanh nghiệp (Nhóm 1), người này phải tiến hành cắt bảo hiểm y tế hộ gia đình. Theo Điều 20 Quyết định 595/QĐ-BHXH, những công dân được cấp thẻ bảo hiểm y tế theo nhóm đối tượng mới sẽ được hoàn tiền lại.

Cắt bảo hiểm y tế hộ gia đình khi đi làm công ty như thế nào?

Về nguyên tắc, mỗi người chỉ được cấp duy nhất 01 thẻ bảo hiểm y tế (Căn cứ: khoản 2 Điều 16 Luật Bảo hiểm y tế 2008). Như vậy, người lao động cần cắt bảo hiểm y tế hộ gia đình rồi tham gia bảo hiểm theo doanh nghiệp để đảm bảo tối đa quyền lợi y tế của mình. Quy trình cơ bản diễn ra như sau:

Bước 1. Cắt bảo hiểm y tế hộ gia đình

Người lao động cần đến cơ quan bảo hiểm xã hội tại địa phương thông báo cắt thẻ bằng cách xuất trình mã số bảo hiểm y tế hộ gia đình của mình.

Đồng thời có thể mang Hợp đồng lao động (bản gốc, bản sao công chứng hoặc bản photocopy kèm bản gốc) để cán bộ của cơ quan bảo hiểm kiểm tra, xác minh (tuy nhiên, đây là yêu cầu của từng địa phương chứ không bắt buộc áp dụng trên toàn quốc).

Cần cắt bảo hiểm y tế hộ gia đình trước khi tham gia bảo hiểm tại doanh nghiệp
Cần cắt bảo hiểm y tế hộ gia đình trước khi tham gia bảo hiểm tại doanh nghiệp

Bước 2. Tham gia bảo hiểm y tế theo doanh nghiệp

Sau khi cắt bảo hiểm y tế hộ gia đình xong, người lao động tiến hành đăng ký cấp mới thẻ bằng cách kê khai và nộp:

- Mẫu tờ khai TK1-TS về việc khai tham gia bảo hiểm y tế (mẫu sửa đổi, bổ sung mới nhất 2023 tại Quyết định 490/QĐ-BHXH).

- Giấy tờ chứng minh trong trường hợp có mức hưởng quyền lợi bảo hiểm y tế cao hơn (nếu có) Trường hợp người lao động được hưởng quyền lợi BHYT cao hơn: bổ sung Giấy tờ chứng minh (nếu có) theo Phụ lục 03 – Quyết định 595/QĐ-BHXH.

Bước 3. Chờ cấp thẻ mới

Căn cứ khoản 1 Điều 30 tại Quyết định 595/QĐ-BHXH năm 2017, người lao động chờ tối đa 05 ngày làm việc để có thẻ mới.

Nghỉ việc rồi có thể tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình không?

Rất nhiều người lao động thắc mắc không biết đã nghỉ việc có được hưởng BHYT không, trong đó có cả những người đã từng cắt bảo hiểm y tế hộ gia đình để đóng theo nơi mình làm việc. Họ lo sợ rằng khi đã hủy thẻ cũ thì không còn được tham gia hình thức bảo hiểm này nữa.

Để giải đáp thắc mắc này, ta xem xét các quy định pháp luật sau:

Thứ nhất, khoản 1 Điều 168 Bộ Luật Lao động 2019 khẳng định: khi có quan hệ lao động, cả người lao động và người sử dụng lao động đều phải có trách nhiệm tham gia bảo hiểm theo quy định pháp luật (trong đó có bảo hiểm y tế).

Khi mối quan hệ giữa 02 bên chấm dứt, doanh nghiệp/tổ chức sẽ tiến hành thủ tục báo giảm bảo hiểm. Thẻ bảo hiểm y tế của người lao động sẽ chấm dứt kể từ thời điểm nghỉ việc.

Thứ hai, trường hợp người lao động nghỉ việc và không thuộc các nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm nêu tại Điều 12 Luật Bảo hiểm y tế 2008 (sửa đổi năm 2014) thì đủ điều kiện đóng bảo hiểm y tế tự nguyện theo hình thức hộ gia đình:

- Nhóm được tổ chức bảo hiểm xã hội đóng bảo hiểm (Nhóm 2);

- Nhóm được Ngân sách Nhà nước trích đóng thẻ bảo hiểm y tế (Nhóm 3);

- Nhóm tham gia bảo hiểm y tế được Nhà nước hỗ trợ mức đóng (Nhóm 4);

Bảo hiểm y tế tự nguyện là hình thức bảo hiểm do Nhà nước tổ chức thực hiện với mục đích chăm sóc sức khỏe người dân không vì mục đích lợi nhuận. Cho nên, dù đã cắt bảo hiểm y tế trước đó thì người lao động đã nghỉ việc vẫn có thể tham gia trở lại.

Trên đây là một số nội dung về cắt bảo hiểm y tế hộ gia đình. Nếu còn thắc mắc, xin mời quý độc giả liên hệ 19006199 để được hỗ trợ.

Nguyễn Đức Hùng

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Đức Hùng

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X