Chấm dứt giám hộ khi nào? Điều kiện để chấm dứt là gì? Thủ tục chấm dứt giám hộ được thực hiện như thế nào? … Một vài vấn đề vướng mắc pháp luật liên quan đến chấm dứt giám hộ sẽ được HieuLuat giải đáp trong bài viết dưới đây.
Câu hỏi: Xin chào Luật sư, tôi muốn hỏi việc chấm dứt giám hộ được thực hiện khi nào? Điều kiện để chấm dứt là gì? Khi chấm dứt giám hộ thì người giám hộ phải làm thủ tục như thế nào vậy Luật sư?
Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi về cho HieuLuat, nội dung chấm dứt giám hộ là vấn đề được nhiều người quan tâm nhưng có thể chưa hiểu rõ. Chúng tôi giải đáp cụ thể cho bạn về vấn đề chấm dứt giám hộ như sau:
Chấm dứt giám hộ khi nào? Điều kiện chấm dứt là gì?
Chấm dứt giám hộ có thể được hiểu là việc người giám hộ không còn thực hiện quyền, nghĩa vụ giám hộ của mình đối với người được giám hộ hoặc người được giám hộ không cần có người giám hộ theo quy định pháp luật.
Điều 62 quy định về các trường hợp chấm dứt giám hộ, theo đó, khi phát sinh một trong những trường hợp này thì việc giám hộ được chấm dứt. Các trường hợp này bao gồm:
Một là, người được giám hộ đã có năng lực hành vi dân sự đầy đủ
Đây là trường hợp phát sinh khi người được giám hộ là người chưa thành niên nay đã thành niên và có đầy đủ năng lực hành vi dân sự. Hoặc người được giám hộ là người mất năng lực hành vi dân sự /hoặc có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi, hiện nay đã không còn căn cứ để xác định là người mất năng lực hành vi dân sự, có khó khăn trong việc nhận thức, làm chủ hành vi.
Hai là, người được giám hộ chết
Người được giám hộ chết thì đối tượng giám hộ cũng không còn, do đó, không có căn cứ để người giám hộ thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình.
Ba là, cha, mẹ của người được giám hộ là người chưa thành niên đã có đủ điều kiện để thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình theo quy định pháp luật
Đây là trường hợp mà cha mẹ của người được giám hộ là người chưa thành niên có đủ điều kiện về kinh tế, nơi ở, đầy đủ năng lực hành vi dân sự để chăm lo, giáo dục, nuôi dưỡng và bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho con.
Bốn là, người được giám hộ được nhận làm con nuôi
Khi người được giám hộ được nhận làm con nuôi thì cha mẹ nuôi của người được giám hộ là người thực hiện các công việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục, chăm lo, bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người được giám hộ. Do đó, người giám hộ của những người được giám hộ lúc này là của cha mẹ nuôi của họ, người giám hộ đã đăng ký trước khi được nhận nuôi sẽ chấm dứt quyền, nghĩa vụ của mình.
Như vậy, khi phát sinh một trong 4 điều kiện cũng là một trong 4 trường hợp Bộ luật Dân sự 2015 quy định như trên thì việc giám hộ sẽ chấm dứt. Người giám hộ hoặc người được giám hộ có trách nhiệm thực hiện thủ tục chấm dứt giám hộ theo trình tự luật định.
Thủ tục chấm dứt giám hộ như thế nào?
Chấm dứt giám hộ phải thực hiện đăng ký tại cơ quan có thẩm quyền. Cơ quan có thẩm quyền ghi nhận việc chấm dứt giám hộ là Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thực hiện đăng ký giám hộ cho người giám hộ.
Căn cứ Điều 22 Luật Hộ tịch 2014, việc chấm dứt giám hộ được thực hiện theo trình tự các bước như sau:
Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ và nộp hồ sơ yêu cầu chấm dứt việc giám hộ
Hồ sơ gồm:
- Đơn đề nghị chấm dứt giám hộ theo mẫu ban hành tại Thông tư 04/2020/TT-BTP;
- Một trong số những giấy tờ, tài liệu chứng minh thuộc trường hợp chấm dứt giám hộ theo quy định, ví dụ như:
+ Giấy tờ chứng minh người được giám hộ đã được nhận nuôi con nuôi (văn bản xác nhận đã đăng ký con nuôi hợp pháp);
+ Quyết định của Tòa án tuyên bố một người không còn là người bị mất năng lực hành vi dân sự hoặc có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi;
+ Giấy tờ chứng minh cha mẹ của người được giám hộ là người chưa thành niên đã có đủ điều kiện để thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình đối với con, ví dụ như sao kê tài khoản lương ngân hàng, giấy tờ chứng minh nơi ở, chứng minh thu nhập khác, quyết định của tòa án tuyên bố không là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự/khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi/…;
+ Trích lục khai tử của người được giám hộ (nếu người được giám hộ chết);
+ Giấy tờ tùy thân của người được giám hộ;
- Ngoài ra, người giám hộ nên chuẩn bị thêm giấy tờ tùy thân, giấy tờ chứng minh nơi ở hợp pháp của mình để nộp cùng hồ sơ yêu cầu chấm dứt giám hộ.
- Nơi tiếp nhận và giải quyết hồ sơ yêu cầu chấm dứt giám hộ: Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đăng ký giám hộ.
Bước 2: Xử lý hồ sơ
- Công chức tư pháp - hộ tịch nếu xét thấy yêu cầu chấm dứt hộ tịch đảm bảo các điều kiện chấm dứt theo quy định pháp luật thì ghi nhận việc chấm dứt vào sổ hộ tịch;
- Hướng dẫn người yêu cầu chấm dứt giám hộ ký vào sổ hộ tịch;
- Công chức tư pháp - hộ tịch báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã cấp trích lục hộ tịch cho người yêu cầu;
Bước 3: Nhận kết quả
Người yêu cầu chấm dứt giám hộ nhận kết quả là trích lục chấm dứt hộ tịch trong thời hạn 02 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ hợp lệ của người yêu cầu.
Như vậy, việc chấm dứt hộ tịch phải được đăng ký tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo trình tự, thủ tục như chúng tôi đã nêu trên.
Trên đây là giải đáp về chấm dứt giám hộ khi nào? Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.>> Người giám hộ có quyền gì theo Bộ luật Dân sự 2015?
>> Ai có thể trở thành người giám hộ cho con chưa thành niên?