hieuluat
Chia sẻ email

Trường hợp nào được chấm dứt hôn nhân theo pháp luật Việt Nam?

Trường hợp nào được chấm dứt hôn nhân theo pháp luật Việt Nam? Thủ tục chấm dứt hôn nhân theo pháp luật Việt Nam thế nào?... Xoay quanh câu hỏi về việc chấm dứt hôn nhân theo quy định pháp luật hiện nay, chúng tôi giải đáp cho bạn đọc chi tiết trong bài viết phía dưới.

 

Câu hỏi: Chào Luật sư, tôi đang tìm hiểu vấn đề ly hôn theo quy định của pháp luật Việt Nam, tôi muốn Luật sư giải đáp cho tôi được biết chấm dứt hôn nhân theo pháp luật Việt Nam gồm những trường hợp nào? Thủ tục để chấm dứt hôn nhân ra sao?

Chào bạn, với câu hỏi về chấm dứt hôn nhân theo pháp luật Việt Nam hiện nay cùng thủ tục giải quyết mà bạn quan tâm, chúng tôi giải đáp cho bạn như sau:

Trường hợp nào được chấm dứt hôn nhân theo pháp luật Việt Nam?

Chấm dứt hôn nhân chính là việc nam nữ kết thúc cuộc sống hôn nhân theo quy định pháp luật về hôn nhân gia đình. Thời điểm chấm dứt hôn nhân cũng là thời điểm nam, nữ trở về trạng thái độc thân.

Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 đang có hiệu lực thi hành quy định các trường hợp chấm dứt hôn nhân hiện nay gồm có:

Một là, khi vợ hoặc chồng chết

Điều 65 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định, thời điểm vợ hoặc chồng chết theo giấy chứng tử/trích lục khai tử hoặc theo quyết định/bản án có hiệu lực của tòa án nhân dân có thẩm quyền về việc tuyên bố vợ/chồng chết.

Kể từ thời điểm này, quan hệ hôn nhân giữa vợ và chồng sẽ chính thức chấm dứt.

Hai là, khi ly hôn thuận tình

Điều 55 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014 quy định, ly hôn thuận tình chính là thủ tục vợ chồng thực hiện thủ tục yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn tại tòa án nhân dân có thẩm quyền.

Thời điểm hôn nhân chấm dứt là thời điểm quyết định công nhận thuận tình ly hôn và thỏa thuận của đương sự của tòa án nhân dân có thẩm quyền có hiệu lực thi hành.

Ba là, khi ly hôn đơn phương (ly hôn theo yêu cầu của một bên)

Vợ hoặc chồng hoặc người thân thích của một trong hai bên (áp dụng trong trường hợp vợ/chồng là nạn nhân của bạo lực gia đình và họ bị tâm thần hoặc không thể nhận thức, làm chủ hành vi của mình) được quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn.

Thời điểm chấm dứt quan hệ hôn nhân được xác định theo bản án ly hôn của tòa án nhân dân có thẩm quyền.

Lưu ý: Điều kiện để vợ/chồng đề nghị tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết vụ việc ly hôn của mình là khi có căn cứ xác định vợ/chồng có hành vi bạo lực gia đình hoặc vi phạm nghiêm trọng quyền, nghĩa vụ của vợ, chồng làm cho hôn nhân lâm vào tình trạng trầm trọng, đời sống chung không thể kéo dài, mục đích của hôn nhân không đạt được (Điều 55 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014).

Nếu người yêu cầu không thể chứng minh được hoặc không có đủ căn cứ/không có căn cứ để chứng minh hành vi vi phạm của bên còn lại thì tòa án sẽ không giải quyết cho ly hôn.

Như vậy, có 3 thời điểm/trường hợp chấm dứt hôn nhân theo quy định của pháp luật Việt Nam là theo yêu cầu của một bên, do hai bên thỏa thuận hoặc do một trong hai người chết.

cham dut hon nhan theo phap luat viet nam

Thủ tục chấm dứt hôn nhân theo pháp luật Việt Nam thế nào?

Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015 hiện nay quy định thẩm quyền giải quyết vụ việc ly hôn là của Tòa án nhân dân cấp huyện hoặc cấp tỉnh (Điều 28, Điều 29). Để được giải quyết ly hôn thì vợ/chồng phải thực hiện theo trình tự, thủ tục tố tụng luật định, cụ thể có thể tiến hành theo các bước như sau:

Bước 1: Nộp hồ sơ ly hôn

Hồ sơ yêu cầu giải quyết ly hôn gồm:

- Đơn xin ly hôn/đơn ly hôn đơn phương/đơn khởi kiện…nếu là ly hôn theo yêu cầu của một bên; Hoặc đơn thỏa thuận công nhận thuận tình ly hôn nếu là ly hôn thuận tình;

- Kèm theo đơn, người nộp đơn còn phải chuẩn bị giấy chứng nhận kết hôn (bản chính), trích lục kết hôn (nếu bị mất giấy chứng nhận kết hôn) và cam kết về việc không còn bản chính nào khác; Giấy tờ chứng minh nhân thân (căn cước công dân/hộ chiếu/chứng minh nhân dân)/giấy tờ chứng minh nơi ở hợp pháp của cả hai bên còn thời hạn;

Nơi tiếp nhận hồ sơ: Bộ phận tiếp nhận hồ sơ của tòa án nhân dân có thẩm quyền.

Bước 2: Nộp tạm ứng án phí giải quyết vụ việc ly hôn

Tạm ứng án phí ly hôn được tính toán theo quy định tại Nghị quyết 326/2016/NQ-UBTVQH14. Tùy thuộc yêu cầu giải quyết ly hôn mà mức tạm ứng án phí có thể được áp dụng là tạm ứng án phí không có giá ngạch hoặc có giá ngạch; nếu thuộc trường hợp được miễn án phí/miễn tạm ứng án phí thì vợ/chồng không cần phải nộp tạm ứng án phí.

Bước 3: Tham gia phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải

Dù là ly hôn thuận tình hay đơn phương thì phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và hòa giải là buổi làm việc bắt buộc cả hai phải tham gia.

Tòa án thực hiện các công việc khác theo luật định trong thời gian chuẩn bị xét xử như lập hồ sơ vụ án, xác minh vụ việc, làm rõ tình tiết khách quan của vụ việc, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời…

Bước 4: Đưa vụ việc ra xét xử

Tòa án có quyết định đưa vụ việc ra xét xử sau khi hết thời hạn chuẩn bị.

Bước 5: Nhận kết quả

Bản án/quyết định của tòa án được gửi đến cho đương sự theo quy định pháp luật.

Nếu là bản án ly hôn thì không quá 10 ngày làm việc, kể từ ngày ra bản án, đương sự sẽ được tòa án gửi bản chính. Nếu là quyết định công nhận thuận tình ly hôn và thỏa thuận của các đương sự thì vợ/chồng sẽ được tòa án bản chính trong khoảng thời gian không quá 05 ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định.

Như vậy, thông thường khi giải quyết vụ việc ly hôn, vợ/chồng sẽ thực hiện tại tòa án có thẩm quyền theo trình tự các bước như chúng tôi đã nêu trên.

Trên đây là giải đáp về chấm dứt hôn nhân theo pháp luật việt nam, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.

>> Năm 2022, án phí ly hôn là bao nhiêu?

>> Lý do ly hôn thế nào hợp lý và dễ được Tòa chấp nhận?

Có thể bạn quan tâm

X