hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Năm, 11/05/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Chế độ đối với công chức biệt phái thế nào? Có được bổ nhiệm không?

Có lẽ nhiều người từng nghe đến từ biệt phái. Vậy công chức biệt phái là gì? Chế độ đối với công chức biệt phái như thế nào? Nội dung bài viết dưới đây sẽ giải đáp về vấn đề này.

Mục lục bài viết
  • Hiểu thế nào về biệt phái?
  • Chế độ đối với công chức biệt phái như thế nào?
  • Công chức biệt phái có được bổ nhiệm không?
Câu hỏi: Tôi chưa hiểu lắm về công chức biệt phái là gì, chế độ của đối tượng này ra sao và nếu là công chức biệt phái thì có được bổ nhiệm lên chức vụ lãnh đạo, quản lý hay không?

HieuLuat xin thông tin về vướng mắc của bạn như sau:

Hiểu thế nào về biệt phái?

Theo quy định tại khoản 12 Điều 7 Luật Cán bộ, công chức 2008, biệt phái là việc cử công chức của cơ quan, tổ chức, đơn vị này đến làm việc tại cơ quan, tổ chức, đơn vị khác theo yêu cầu nhiệm vụ.

Biệt phái công chức được thực hiện theo khoản 1 Điều 27 Nghị định 138/2020/NĐ-CP trong các trường hợp:

Thứ nhất là theo nhiệm vụ đột xuất, cấp bách;

Thứ hai là để thực hiện công việc cần giải quyết trong một thời gian nhất định.

Theo khoản 2 Điều luật này cũng quy định thời hạn biệt phái công chức không quá 03 năm, ngoại trừ trường hợp thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành.

Về trách nhiệm của công chức được biệt phái thì công chức được cử biệt phái chịu sự phân công, bố trí, đánh giá, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, tổ chức nơi được cử đến biệt phái, nhưng vẫn thuộc biên chế của cơ quan, tổ chức cử biệt phái.

Chế độ đối với công chức biệt phái như thế nào?

chế độ đối với công chức biệt phái như thế nàoChế độ đối với công chức biệt phái hiện nay quy định ra sao?

Chế độ đối với công chức được biệt phái được quy định tại Điều 28 Nghị định 138/2020/NĐ-CP.

Theo đó, công chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý được biệt phái đến vị trí công tác khác mà phụ cấp chức vụ mới thấp hơn phụ cấp chức vụ hiện đang đảm nhiệm thì được bảo lưu phụ cấp chức vụ trong thời gian 06 tháng.

- Cơ quan, tổ chức cử công chức biệt phái có trách nhiệm trả lương và bảo đảm các quyền lợi khác của công chức trong thời gian được cử biệt phái, bố trí công việc phù hợp cho công chức khi hết thời hạn biệt phái.

- Trường hợp công chức được biệt phái đến làm việc ở miền núi, biên giới, hải đảo, vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được hưởng các chế độ, chính sách ưu đãi theo quy định của pháp luật.

Công chức biệt phái có được bổ nhiệm không?

Tại Điều 41 Nghị định 138/2020/NĐ-CP quy định rõ về các tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm công chức lãnh đạo, quản lý như sau:

Thứ nhất là bảo đảm tiêu chuẩn chung, tiêu chuẩn chức danh theo quy định của Đảng, Nhà nước và tiêu chuẩn cụ thể của chức vụ bổ nhiệm theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.

Thứ hai là phải được quy hoạch chức vụ bổ nhiệm nếu là nguồn nhân sự tại chỗ hoặc được quy hoạch chức vụ tương đương nếu là nguồn nhân sự từ nơi khác. Trường hợp cơ quan, tổ chức mới thành lập chưa thực hiện việc phê duyệt quy hoạch thì do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Thứ ba là có hồ sơ, lý lịch cá nhân được xác minh, có bản kê khai tài sản, thu nhập theo quy định.

Thứ tư là đáp ứng về điều kiện về độ tuổi bổ nhiệm:

Theo đó, công chức được đề nghị bổ nhiệm lần đầu giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý hoặc đề nghị bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý cao hơn thì tuổi bổ nhiệm phải còn đủ 05 năm công tác tính từ khi thực hiện quy trình bổ nhiệm. Trong trường hợp đặc biệt thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Đối với công chức được đề nghị bổ nhiệm vào chức vụ lãnh đạo, quản lý mà thời hạn mỗi lần bổ nhiệm dưới 05 năm theo quy định của pháp luật chuyên ngành và của cơ quan có thẩm quyền thì tuổi bổ nhiệm phải đủ một nhiệm kỳ;

Công chức được điều động, bổ nhiệm giữ chức vụ mới tương đương hoặc thấp hơn chức vụ đang giữ thì không tính tuổi bổ nhiệm theo quy định trên.

Thứ sáu là có đủ sức khoẻ để hoàn thành nhiệm vụ và chức trách được giao.

Thứ bảy là không thuộc các trường hợp bị cấm đảm nhiệm chức vụ theo quy định của Đảng và của pháp luật; không đang trong thời hạn xử lý kỷ luật, không trong thời gian thực hiện các quy định liên quan đến kỷ luật.

Như vậy, có thể thấy hiện nay không có quy định cấm bổ nhiệm chức vụ đối với công chức biệt phái. Khi công chức được biệt phái thì cơ quan tiếp nhận sẽ có trách nhiệm phân công, bố trí công việc cho công chức. Việc có bổ nhiệm công chức biệt phái chức vụ lãnh đạo, quản lý hay không là do cơ quan tiếp nhận quyết định căn cứ vào nhu cầu, nhiệm vụ cụ thể.

HieuLuat vừa thông tin về chế độ đối với công chức biệt phái. Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006199 để được hỗ trợ.

Lê Ngọc Khánh

Tham vấn bởi: Luật sư Lê Ngọc Khánh

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X