hieuluat
Chia sẻ email
Chủ Nhật, 15/10/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Chế độ làm việc của giáo viên kiêm nhiệm phổ cập

Pháp luật quy định giáo viên có nhiệm vụ thực hiện phổ cập giáo dục. Như vậy, trong trường hợp giáo viên kiêm nhiệm phổ cập giáo dục thì chế độ làm việc được quy định thế nào? Cùng tìm hiểu nội dung liên quan tại bài viết này.

 
Mục lục bài viết
  • Kiêm nhiệm phổ cập là gì?
  • Chế độ đối với giáo viên kiêm nhiệm phổ cập
  • Giáo viên có bắt buộc làm công tác phổ cập giáo dục không?
Câu hỏi: Tôi hiện tại là giáo viên tại một trường tiểu học. Tôi được phân công thực hiện việc phổ cập giáo dục tại địa phương, nội dung này tốn nhiều thời gian của tôi. Cho tôi hỏi làm công tác phổ cập giáo dục có được giảm định mức tiết dạy ở trường không?

Kiêm nhiệm phổ cập là gì?

Để hiểu kiêm nhiệm phổ cập là gì chúng ta cần hiểu hai thuật ngữ kiêm nhiệm và phổ cập giáo dục là gì.

Theo quy định tại Khoản 8 Điều 5 Luật Giáo dục 2019, phổ cập giáo dục việc tổ chức hoạt động giáo dục đến mọi công dân thuộc mọi độ tuổi giúp họ được học tập và đạt đến một trình độ học vấn nhất định theo quy định của pháp luật.

Kiêm nhiệm phổ cập giáo dục

Kiêm nhiệm phổ cập giáo dục

Điều 14 Luật Giáo dục 2019 quy định về phổ cập giáo dục như sau:

  • Nhà nước sẽ thực hiện việc phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 05 tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở.

  • Công dân trong độ tuổi được pháp luật quy định có nghĩa vụ học tập, thực hiện phổ cập giáo dục và hoàn thành giáo dục bắt buộc.

  • Các gia đình, người giám hộ phải tạo điều kiện cho các thành viên trong gia đình thuộc độ tuổi quy định được học tập để thực hiện phổ cập giáo dục và hoàn thành giáo dục bắt buộc.

Kiêm nhiệm được hiểu một cách đơn giản là việc một cá nhân đồng thời giữ nhiều chức vụ tại một cơ quan, tổ chức.

Như vậy, có thể hiểu giáo viên kiêm nhiệm giáo dục là việc giáo viên ngoài việc thực hiện công tác giáo dục tại nhà trường, giáo viên còn tham gia công tác phổ cập giáo dục. 

Chế độ đối với giáo viên kiêm nhiệm phổ cập

Khi giáo viên kiêm nhiệm hoặc thực hiện các nhiệm vụ khác thì giáo viên sẽ được giảm định mức tiết dạy. Việc kiêm nhiệm sẽ được xác định theo các vị trí công việc có trong danh mục việc làm được liệt kê tại Thông tư 16/2017/TT-BGDĐT.

Chế độ đối với giáo viên kiêm nhiệm phổ cập

Chế độ đối với giáo viên kiêm nhiệm phổ cập

Theo đó, Thông tư 16/2017/TT-BGDĐT liệt kê danh mục khung vị trí việc làm gồm các vị trí sau:

  • Hiệu trưởng;

  • Phó hiệu trưởng;

  • Giáo viên;

  • Thư viện;

  • Thiết bị, thí nghiệm;

  • Công nghệ thông tin;

  • Kế toán;

  • Thủ quỹ;

  • Văn thư;

  • Y tế;

  • Hỗ trợ giáo dục người khuyết tật;

  • Giáo vụ.

Từ quy định trên có thể thấy, không có danh mục vị trí việc làm phổ cập giáo dục. Như vậy, giáo viên kiêm nhiệm công tác phổ cập không tính chế độ kiêm nhiệm mà chỉ đơn giản là việc giáo viên thực hiện một nhiệm vụ khác của mình bên cạnh việc thực hiện công tác giáo dục tại nhà trường.

Đồng thời, Chương II Thông tư 28/2009/TT-BGDĐT (được bổ sung bởi Thông tư 15/2017/TT-BGDĐT) quy định trong những trường hợp sau đây, giáo viên sẽ được giảm định mức tiết dạy. Cụ thể giáo viên sẽ được giảm định mức tiết dạy trong các trường hợp sau:

  • Giáo viên kiêm nhiệm các công việc chuyên môn;

  • Giáo viên kiêm nhiệm công tác Đảng, đoàn thể và các tổ chức khác trong nhà trường;

  • Giáo viên thuộc các trường hợp đặc biệt;

  • Giáo viên hoạt động chuyên môn khác và được quy đổi ra tiết dạy.

Theo như quy định trên, không có quy định về việc giảm tiết định mức tiết dạy đối với giáo viên khi kiêm nhiệm công tác phổ cập giáo dục. 

Như vậy, giáo viên có trách nhiệm tham gia phổ cập giáo dục theo sự phân công và khi tham gia phổ cập giáo dục, giáo viên sẽ không được giảm định mức tiết dạy.

Giáo viên có bắt buộc làm công tác phổ cập giáo dục không?

Theo quy định tại Nghị định 20/2014/NĐ-CP, việc phổ cập giáo dục sẽ áp dụng đối với các đối tượng sau:

  • Phổ cập giáo dục mầm non thực hiện đối với trẻ em 05 tuổi chưa hoàn thành chương trình giáo dục mầm non;

  • Phổ cập giáo dục tiểu học thực hiện đối với trẻ em từ 6 - 14 chưa hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học;

  • Phổ cập giáo dục trung học cơ sở thực hiện đối với thanh niên, thiếu niên từ 11 - 18 đã hoàn thành chương trình giáo dục tiểu học nhưng chưa tốt nghiệp trung học cơ sở.

Điều 3 Thông tư 52/2020/TT-BGDĐT quy định trường mầm non có trách nhiệm thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 05 tuổi trong phạm vi được phân công.  

Đồng thời Khoản 5 Điều 27 Thông tư 32/2020/TT-BGDĐT và Khoản 1 Thông tư 28/2020/TT-BGDĐT quy định giáo viên trung học phổ thông, giáo viên trung học cơ sở và giáo viên tiểu học có nhiệm vụ tham gia phổ cập giáo dục tại địa phương. 

Như vậy, giáo viên mầm non, giáo viên tiểu học và giáo viên trung học cơ sở, trung học phổ thông có trách nhiệm phải thực hiện công tác phổ cập giáo dục theo sự phân công. Nhà trường sẽ tham gia chỉ đạo, xây dựng và thực hiện kế hoạch phổ cập giáo dục tại địa phương.

Trên đây là nội dung chế độ làm việc của giáo viên kiêm nhiệm phổ cập. Nếu bạn có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến nội dung bài viết vui lòng liên hệ đến tổng đài: 1900.6199 để được tư vấn.

 
Nguyễn Đức Hùng

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Đức Hùng

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X