hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Năm, 01/06/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Chế độ thai sản 2023: Sinh con được nhận bao nhiêu tiền? Thủ tục nhận?

Chế độ thai sản áp dụng cho năm 2023 quy định mức hưởng của người lao động thế nào? Để nhận tiền thì cần chuẩn bị những giấy tờ gì? Cùng tìm ra câu trả lời qua nội dung bài viết dưới đây.

Mục lục bài viết
  • Chế độ thai sản là gì?
  • Điều kiện hưởng chế độ thai sản 2023?
  • Là đối tượng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc
  • Đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản
  • Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản của lao động nữ

Chế độ thai sản là gì?

Theo nội dung khoản 2 Điều 4 Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành, chế độ thai sản là một trong những quyền lợi căn bản dành cho người đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Chế độ này không chỉ dành cho lao động nữ và còn dành cho lao động nam có vợ sinh con, tuy nhiên không phải cứ tham gia loại hình bảo hiểm này là người lao động nghiễm nhiên được hưởng thai sản.

Điều kiện hưởng chế độ thai sản 2023?

Để được hưởng chế độ thai sản, người tham gia phải thuộc nhóm đối tượng bắt buộc và tích lũy đủ thời gian tham gia loại bảo hiểm này. Cụ thể, khoản 1 Điều 2 và Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội quy định:

Là đối tượng đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc

Bao gồm:

  • Người lao động ký kết hợp đồng với bên sử dụng lao động: hợp đồng từ đủ 01 tháng – dưới 03 tháng, hợp đồng xác định thời hạn, hợp đồng không xác định thời hạn, hợp đồng từ đủ 03 – dưới 12 tháng…
  • Cán bộ, công chức, viên chức;
  • Công nhân cơ yếu hoặc công tác trong lực lượng quân đội, công an;
  • Công an, bộ đội, người làm công tác cơ yếu nhận lương như quân nhân; học viên quân đội, công an hoặc cơ yếu đang học và được hưởng sinh hoạt phí…
  • Người đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;
  • Người quản lý doanh nghiệp, hợp tác xã được trả lương hằng tháng;
  • Người hoạt động không chuyên trách cấp xã.

Đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản

Người lao động thuộc một trong các trường hợp dưới đây thì được coi là đủ điều kiện hưởng thai sản:

(1) - Mang thai;

(2) - Sinh con;

(3) - Mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;

(4) - Nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi;

(5) - Đặt vòng tránh thai,

(6) - Tiến hành triệt sản;

(7) - Lao động nam đang đóng bảo hiểm bắt buộc mà có vợ sinh con.

Trong đó:

- Người lao động tại trường hợp (2), (3), (4) phải có tối thiểu 06 tháng đóng bảo hiểm trong vòng 12 tháng trước khi sinh hoặc nhận nuôi con nuôi;

- Nếu người lao động tại trường hợp (2) đã có từ đủ 12 tháng đóng bảo hiểm trở lên mà khi mang thai phải nghỉ dưỡng thai theo chỉ định thì phải đóng bảo hiểm từ đủ 03 tháng trở lên trong 12 tháng trước khi sinh con.

Thời gian nghỉ hưởng chế độ thai sản của lao động nữ

Thời gian được nghỉ đi khám thai

Trong suốt thời gian mang thai, người lao động sẽ được nghỉ để đi khám thai. Theo Điều 32 Luật Bảo hiểm xã hội, thời gian nghỉ khám thai là:

  • 05 lần (mỗi lần 01 ngày): tương đương với 05 ngày làm việc trong trường hợp thông thường;
  • 05 lần (mỗi lần 02 ngày): tương đương 10 ngày làm việc nếu lao động nữ ở xa nơi khám, đang có bệnh lý trong người hoặc thai không bình thường.

Thời gian nghỉ sinh của lao động nữ

Lao động nữ sinh con được cho phép nghỉ thai sản để chăm sóc con mới sinh.

Theo Điều 34 của Luật trên, tổng thời gian nghỉ sinh của lao động nữ là 06 tháng trong trường hợp sinh 01 con; nếu sinh đôi trở lên thì từ con thứ 2 thì mẹ sẽ được nghỉ thêm 01 tháng/con.

Ngoài ra, người lao động được quyền nghỉ tối đa 02 tháng trước khi sinh. Tuy nhiên, nếu chọn phương án này thì mẹ phải quay trở lại làm việc khi con 04 tháng tuổi, do vậy người lao động cần cân nhắc đưa ra lựa chọn phù hợp để đảm bảo công việc và chăm sóc gia đình.

Khi sẩy thai, thời gian hưởng chế độ thai sản thế nào?

Liên quan đến thời gian nghỉ thai sản khi sẩy thai, Điều 33 Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành có quy định:

Số ngày nghỉ của lao động nữ sẽ thực hiện theo chỉ định, nhưng không vượt quá:

  • 10 ngày nghỉ: thai dưới 05 tuần tuổi;
  • 20 ngày nghỉ: thai từ 05 – dưới 13 tuần tuổi;
  • 40 ngày nghỉ: thai từ 13 – dưới 25 tuần tuổi;
  • 50 ngày nghỉ: thai từ 25 tuần tuổi trở lên.

(Đã bao gồm ngày nghỉ mỗi tuần, ngày lễ, Tết).

Thời gian hưởng chế độ thai sản khi triệt sản?

Căn cứ quy định tại Điều 37 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014, khi triệt sản thì người lao động được nghỉ tối đa:

  • Đặt vòng tránh thai: 07 ngày;
  • Người lao động tiến hành triệt sản: 15 ngày.

(Bao gồm cả ngày nghỉ mỗi tuần, ngày lễ, Tết)

Các khoản tiền thai sản lao động nữ được nhận khi sinh con

Tiền trợ cấp một lần

Tại Điều 38 Luật này, lao động nữ khi sinh con sẽ có tiền trợ cấp một lần, mức hưởng được tính bằng 02 lần lương cơ sở tính cho mỗi con sinh ra.

Trong năm 2023, mức trợ cấp một lần lao động nữ được hưởng là:

  • 2,98 triệu đồng nếu sinh trong khoảng thời gian từ 01/01 – 30/6;
  • 3,6 triệu đồng nếu sinh con từ ngày 01/7 trở đi.

Tiền thai sản

Tiền thai sản dành cho lao động nữ sinh con được áp dụng theo Điều 39 Luật này, cụ thể:

Mức hưởng

=

100%

x

Mức bình quân 06 tháng tiền lương đóng bảo hiểm xã hội liền kề trước khi nghỉ

x

Số tháng nghỉ thai sản

Như vậy, tiền thai sản mà người lao động được nhận là bình quân 06 tháng tiền lương trích đóng bảo hiểm liền kề trước khi nghỉ nhân với số tháng được nghỉ thai sản (sinh 01 con: nghỉ 06 tháng, sinh đôi 02 con: nghỉ 07 tháng…)

Tiền dưỡng sức

Theo Điều 41 Luật Bảo hiểm xã hội, người lao động trong vòng 30 ngày kể từ ngày quay trở lại làm việc mà thấy sức khỏe của mình chưa ổn định thì có thể nghỉ dưỡng sức tối đa 10 ngày.

Khi nghỉ dưỡng sức, người đó vẫn được nhận tiền dưỡng sức bằng 30% mức lương cơ sở x tổng số ngày nghỉ.

Đáng chú ý, đây là một trong hai khoản tiền bảo hiểm thai sản sẽ tăng từ 01/7/2023.

Cụ thể, mức lương tối thiểu vùng đang từ 1,49 triệu đồng/tháng sẽ tăng lên thành 1,8 triệu đồng/tháng (Căn cứ: khoản 2 Điều 3 Nghị định 24/2023/NĐ-CP). Do đó, mức hưởng chế độ dưỡng sức năm 2023 như sau:

Từ 01/01/2023 – hết 30/6/2023

Từ 01/7/2023 – 31/12/2023

1,49 triệu đồng/tháng x 30% = 447.000 đồng/ngày

1,8 triệu đồng/tháng x 30% = 540.000 đồng/ngày

Chế độ thai sản cho lao động nữ quy định thời gian nghỉ và mức tiền hưởng thai sảnChế độ thai sản cho lao động nữ quy định thời gian nghỉ và mức tiền hưởng thai sản

Chế độ thai sản cho nam được quy định như thế nào?

Số ngày được nghỉ khi vợ sinh con

Dựa vào nội dung khoản 2 Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con được nghỉ thai sản trong:

  • 05 ngày làm việc: vợ sinh thường;
  • 07 ngày làm việc: vợ sinh mổ, sinh non (dưới 32 tuần tuổi);
  • 10 ngày làm việc: vợ sinh đôi;
  • 13 ngày làm việc: vợ sinh ba (sinh cùng lúc từ ba con trở lên thì nghỉ thêm 03 ngày làm việc trên mỗi con tính từ con thứ ba trở đi);
  • 14 ngày trở lên: vợ sinh đôi phải phẫu thuật.

Các khoản tiền được nhận khi vợ sinh con

(1) - Tiền thai sản

Căn cứ khoản 1 Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội, mức hưởng thai sản của lao động nam có vợ sinh con là:

Mức hưởng

=

Số ngày nghỉ

x

Mức bình quân 06 tháng lương liền kề đóng bảo hiểm xã hội trước khi nghỉ

:

24

Trường hợp lao động nam có tổng thời gian đóng bảo hiểm ít hơn 06 tháng, mức hưởng thai sản sẽ được tính trên tất cả những tháng đã tham gia bảo hiểm.

*Lưu ý: Khi nghỉ thai sản và nhận tiền thai sản thì lao động nam sẽ không được trả lương trong thời gian nghỉ (trừ khi dùng ngày nghỉ phép năm theo Điều 113 và 144 Bộ luật Lao động 2019).

(2) - Hưởng trợ cấp một lần

Căn cứ nội dung Điều 38 tại Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định, lao động nam đáp ứng đủ điều kiện sẽ được nhận trợ cấp một lần khi sinh con nếu vợ không tham gia bảo hiểm xã hội.

Lúc này, tiền trợ cấp một lần = 2 x Mức lương cơ sở tính theo thời điểm con sinh ra.

*Lưu ý: Mức trợ cấp này chỉ tính cho 01 con.

Hồ sơ, thủ tục hưởng chế độ thai sản 2023

Theo Điều 4 Quyết định 166/QĐ-BHXH ban hành năm 2019 thì người lao động sau khi quay trở lại làm việc muốn hưởng chế độ thai sản thì phải nộp giấy tờ cho doanh nghiệp. Đối với từng trường hợp thì hồ sơ cũng yêu cầu khác nhau, cụ thể:

- Trường hợp thông thường: Bản sao của Giấy khai sinh/Trích lục khai sinh hoặc Giấy chứng sinh của con (Bản sao);

- Khi mang thai phải nghỉ dưỡng thai:

  • Nếu điều trị nội trú: Bản sao Giấy ra viện/Tóm tắt hồ sơ bệnh án;
  • Nếu điều trị ngoại trú: Giấy chứng nhận nghỉ việc hưởng bảo hiểm;
  • Trường hợp cần giám định sức khỏe: Biên bản Giám định.

- Trường hợp nhận con nuôi dưới 06 tháng tuổi: Giấy chứng nhận nuôi con nuôi (Bản sao);

- Lao động nam nhận trợ cấp một lần: Giấy chứng sinh/Giấy khai sinh hoặc trích lục khai sinh của con (Bản sao).

>>> Xem tiếp: Hồ sơ hưởng chế độ thai sản 2023 cần những gì?

Sau khi nộp đủ giấy tờ theo yêu cầu, người lao động chờ thêm tối đa 20 ngày để cơ quan bảo hiểm giải quyết hồ sơ và chi trả tiền thai sản.

(Căn cứ: Điều 102 Bảo hiểm xã hội 2014).

Giải đáp một số thắc mắc khác về chế độ thai sản năm 2023?

Tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện có được hưởng chế độ thai sản?

Theo khoản 2 Điều 4 Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành, bảo hiểm xã hội bắt buộc gồm các chế độ:

  • Ốm đau;
  • Thai sản;
  • Tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp;
  • Hưu trí;
  • Tử tuất.

Song đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, họ chỉ được hưởng 2/5 chế độ so với bảo hiểm bắt buộc là hưu trí và tử tuất.

Như vậy, người nào mang thai, sinh con, nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi trong thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện thì sẽ không được nghỉ phép và chi trả tiền thai sản theo quy định.

Để được hưởng chế độ thai sản đối với nữ, cần phải ký hợp đồng lao động tối thiểu 01 tháng và tích lũy đủ thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định, cụ thể:

- Lao động nữ sinh con, mang thai hộ cùng người mẹ nhờ mang thai hộ, nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi: Tham gia bảo hiểm từ đủ 06 tháng trở lên trong 12 tháng trước sinh hoặc trước khi nhận con nuôi.

- Lao động nữ sinh con đã có từ 12 tháng đóng bảo hiểm xã hội mà phải nghỉ dưỡng thai: phải đóng đủ từ 03 tháng bảo hiểm trong 12 tháng trước sinh.

(Căn cứ: Điều 31 Luật Bảo hiểm xã hội 2014).

Chế độ thai sản cho chồng khi vợ không tham gia bảo hiểm xã hội như thế nào?

Chế độ thai sản của chồng khi vợ không đóng bảo hiểm liên quan đến ngày nghỉ và số tiền được nhận. Cụ thể:

*Số ngày được nghỉ

Theo Điều 34 Luật bảo hiểm xã hội 2014, khi vợ sinh con thì chồng sẽ được nghỉ:

  • 05 ngày làm việc: sinh thường;
  • 07 ngày làm việc: sinh mổ, sinh non (dưới 32 tuần tuổi);
  • 10 ngày làm việc: sinh đôi;
  • 13 ngày làm việc: sinh ba (sinh cùng lúc từ ba con trở lên thì nghỉ thêm 03 ngày làm việc trên mỗi con tính từ con thứ ba trở đi);
  • 14 ngày trở lên: sinh đôi phải phẫu thuật.

Cần chú ý: Thời gian nghỉ thai sản của nam giới được tính trong 30 ngày đầu kể từ ngày vợ sinh con.

*Khoản tiền được hưởng

Trường hợp vợ sinh con mà không tham gia bảo hiểm xã hội thì người chồng sẽ được nhận những khoản sau:

- Tiền trợ cấp một lần = 2 x lương cơ sở (tính theo thời điểm vợ sinh con);

- Tiền thai sản của chồng = Mức bình quân 6 tháng tiền lương đóng bảo hiểm : 24 x số ngày nghỉ.

(Nếu chồng chưa tích lũy đủ từ 06 tháng đóng bảo hiểm thì mức bình quân trong công thức này là bình quân tiền lương của tất các các tháng đã tham gia bảo hiểm).

Chế độ nghỉ thai sản khi xin con nuôi có gì khác?

Ngoài sinh con, người lao động cũng được nghỉ thai sản khi nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi.

Theo đó, khi nhận nuôi con nuôi thì người mẹ hoặc người cha có quyền nghỉ chăm con cho đến khi con nuôi tròn 06 tháng tuổi.

(Căn cứ: Điều 36 Luật Bảo hiểm xã hội 2014).

Khi nuôi con nuôi thì người lao động cũng được hưởng các khoản tiền như:

- Tiền tã lót thai sản (Trợ cấp một lần) = 2 x lương cơ sở áp dụng vào thời điểm nhận con nuôi;

- Tiền trợ cấp thai sản = Bình quân 06 tháng tiền lương đóng bảo hiểm trước khi nghỉ x số tháng nghỉ;

Song cần lưu ý:

- Trường hợp cả người mẹ và người cha nhận con nuôi đều đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản nhưng quyết định không nghỉ việc, cơ quan bảo hiểm sẽ chỉ thanh toán tiền trợ cấp một lần.

- Chế độ thai sản khi nhận con nuôi chỉ áp dụng cho cha hoặc mẹ khi cả 02 người đều đủ điều kiện.

Sinh đôi thì tiền thai sản có gấp đôi?

Khi sinh đôi, các khoản tiền hưởng thai sản được nhận cao hơn trường hợp thông thường, thậm chí là gấp đôi. Cụ thể:

Đối với tiền trợ cấp một lần

Theo Điều 38 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, lao động nữ sinh con được nhận trợ cấp một lần tương đương 02 lần mức lương cơ sở cho mỗi con.

Cho nên, khi sinh đôi thì khoản tiền này người cũng được hưởng với mức gấp đôi, tức là bằng 04 lần lương cơ sở.

Mức lương cơ sở để tính trợ cấp một lần được áp dụng theo thời điểm người đó sinh đôi:

- Người mẹ sinh đôi vào thời điểm trước 01/7/2023: Trợ cấp 1 lần = 1,49 triệu đồng x 4 = 5,96 triệu đồng;

- Người mẹ sinh đôi từ 01/7/2023 trở đi: Trợ cấp 1 lần = 1,8 triệu đồng x 4 = 7,2 triệu đồng.

*Lưu ý: Trong trường hợp mẹ không đủ điều kiện để hưởng chế độ thai sản, khoản tiền trợ cấp này sẽ thanh toán cho người cha đang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Đối với khoản tiền thai sản

Căn cứ nội dung Điều 34 Luật Bảo hiểm xã hội quy định về thời gian nghỉ thai sản, lao động nữ trong trường hợp sinh đôi sẽ được nghỉ 07 tháng.

Tương ứng với thời gian nghỉ dài hơn, khoản tiền thai sản cũng nhiều hơn bình thường Theo Điều 39 Luật Bảo hiểm xã hội, tiền thai sản của mẹ sinh đôi được hưởng sẽ tính theo công thức:

Mức hưởng

=

Mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm trong 6 tháng trước khi nghỉ

x

07 tháng

Đối với khoản tiền dưỡng sức

Liên quan đến nghỉ dưỡng sức dành cho người lao động sau sinh, Điều 41 Luật Bảo hiểm xã hội có quy định: trường hợp mẹ sinh đôi mà sức khỏe chưa hồi phục thì có thể nghỉ dưỡng sức tối đa 10 ngày (bao gồm ngày nghỉ hằng tuần, lễ Tết).

Như vậy tổng số tiền nghỉ dưỡng sức trong 10 ngày mà người đó được nhận trong năm 2023 là:

- Từ 01/01 - 30/6/2023: Tiền dưỡng sức = 30% x 1,49 triệu đồng x 10 ngày = 4,47 triệu đồng.

- Từ 01/7/2023 trở đi: Tiền dưỡng sức = 30% x 1,8 triệu đồng x 10 ngày = 5,4 triệu đồng.

Trên đây là một số nội dung tổng quát về chế độ thai sản năm 2023. Nếu còn thắc mắc, xin mời độc giả liên hệ  19006192 để nhận được sự hỗ trợ chi tiết hơn.

Nguyễn Đức Hùng

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Đức Hùng

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X