hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 18/09/2024
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Chế độ thai sản từ 01/7/2025 thay đổi thế nào?

Luật Bảo hiểm xã hội 2024 có hiệu lực từ ngày 01/7/2025 sẽ có một số thay đổi liên quan đến chế độ thai sản. Cùng theo dõi thông tin trong bài viết dưới đây để biết chi tiết.

Câu hỏi: Tôi dự định kết hôn vào cuối năm 2024 và kế hoạch có con vào năm 2025. Tôi đang tìm hiểu chế độ thai sản theo Luật BHXH mới, mong thông tin giúp tôi!

Chế độ thai sản đối với người tham gia BHXH bắt buộc từ 01/07/2025

Đối tượng hưởng chế độ thai sản:

- Viên chức quốc phòng

- Kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp theo quy định của pháp luật; thành viên Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc, Giám đốc, thành viên Ban kiểm soát hoặc kiểm soát viên và các chức danh quản lý khác được bầu của liên hiệp hợp tác xã theo quy định của Luật Hợp tác xã 2023 có hưởng tiền lương hoặc không hưởng tiền lương;

- Người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố;

- Người làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn, hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ đủ 01 tháng trở lên làm việc không trọn thời gian, có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất;

- Chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh tham gia theo quy định của Chính phủ.

- Vợ hoặc chồng không hưởng lương từ ngân sách nhà nước được cử đi công tác nhiệm kỳ cùng thành viên cơ quan đại diện nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam ở nước ngoài được hưởng chế độ sinh hoạt phí.

- Người lao động nước ngoài làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên với người sử dụng lao động tại Việt Nam, trừ các trường hợp sau:

+ Di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp theo quy định của pháp luật về người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam;

+ Tại thời điểm giao kết hợp đồng lao động đã đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 2 Điều 169 Bộ luật Lao động 2019;

+ Điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác.

Như vậy Luật mới đã mở rộng đối tượng được hưởng chế độ thai sản.

độ thai sản từ 01/7/2025 thay đổi thế nàoChế độ thai sản từ 01/7/2025 thay đổi thế nào? (Ảnh minh họa)

* Điều kiện hưởng chế độ thai sản:

Điều 50 Luật Bảo hiểm xã hội 2024 bổ sung trường hợp được hưởng chế độ thai sản so với Luật hiện hành gồm:

- Lao động nữ mang thai hộ đã đóng BHXH bắt buộc từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh thuộc cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì phải đóng BHXH bắt buộc từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng liền kề trước khi sinh con mới được hưởng chế độ thai sản.

- Lao động nữ sinh con đã đóng BHXH bắt buộc từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng liền kề trước khi sinh con đối với trường hợp phải nghỉ việc để điều trị vô sinh.

* Lao động nữ được tăng số ngày nghỉ việc để đi khám thai:

Từ 01/7/2025 số ngày mà mỗi lần lao động nữ được nghỉ việc để đi khám thai tăng lên 02 ngày (tối đa) trong mọi trường hợp (Điều 51 Luật Bảo hiểm xã hội 2024) thay vì mỗi lần 01 ngày như hiện nay (Điều 32 Luật Bảo hiểm xã hội 2014).

Theo quy định hiện hành, lao động nữ được nghỉ việc mỗi lần 2 ngày chỉ được áp dụng khi ở xa cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc người mang thai có bệnh lý hoặc thai không bình thường.

* Lao động nữ phá thai sẽ được hưởng chế độ thai sản trong mọi trường hợp:

Từ 01/7/2025 sẽ áp dụng chế độ thai sản cho mọi trường hợp phá thai (gồm phá thai bệnh lý và phá thai ngoài ý muốn) theo Điều 52 Luật Bảo hiểm xã hội 2024.

Hiện hành, chỉ có trường hợp phá thai bệnh lý mới được hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 33 Luật Bảo hiểm xã hội 2014.

* Thay đổi số tuần tuổi của thai để tính thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản khi sảy thai, phá thai, thai chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ, thai ngoài tử cung (Điều 52 Luật Bảo hiểm xã hội 2024):

- Trường hợp được nghỉ việc 40 ngày nếu thai từ đủ 13 tuần tuổi đến dưới 22 tuần tuổi (hiện nay là từ 13 tuần tuổi đến dưới 25 tuần tuổi);

- Trường hợp được nghĩ việc 50 ngày nếu thai từ đủ 22 tuần tuổi trở lên (hiện nay là từ 25 tuần tuổi trở lên).

* Dùng mức tham chiếu để tính trợ cấp một lần khi sinh con, nhận con nuôi và mức hưởng cho một ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản:

+ Mức trợ cấp một lần khi sinh con, nhận con nuôi = 2 x Mức tham chiếu (Điều 58 Luật Bảo hiểm xã hội 2024).

+ Mức hưởng cho một ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản = 30% x Mức tham chiếu (Điều 60 Luật Bảo hiểm xã hội 2024).

Chế độ thai sản đối với người tham gia BHXH tự nguyện từ 01/01/2025

Căn cứ theo Điều 4 Luật Bảo hiểm xã hội 2024, từ 1/7/2025 người tham gia BHXH tự nguyện được hưởng tiền trợ cấp thai sản.

Theo Điều 95 Luật này thì mức trợ cấp thai sản là 2.000.000 đồng cho mỗi con được sinh ra và mỗi thai từ 22 tuần tuổi trở lên chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ.

Quy định hiện hành, tại Điều 4 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 chỉ có người tham gia BHXH bắt buộc mới được hưởng chế độ thai sản.

Trên đây là thông tin về Chế độ thai sản từ 01/7/2025 thay đổi thế nào?

Bài viết vẫn chưa giải quyết hết thắc mắc của bạn? Đừng ngần ngại, hãy gọi ngay cho chúng tôi theo số  1900.6199 để hỗ trợ, giải đáp

Nguyễn Đức Hùng

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Đức Hùng

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X