hieuluat
Chia sẻ email

Chi phí ly hôn thuận tình là bao nhiêu?

Ly hôn thuận tình là một trong hai hình thức ly hôn theo quy định pháp luật. Khi ly hôn thuận tình, vợ chồng phải nộp tiền tạm ứng giải quyết việc ly hôn (tạm ứng lệ phí Tòa án). Số tiền phải nộp đối với ly hôn thuận tình để Tòa án giải quyết vụ việc ly hôn có thể được miễn trong một số trường hợp.

 

Câu hỏi: Chào Luật sư, vợ chồng tôi sau thời gian chung sống hơn 05 năm mà không thể hòa hợp, có quá nhiều lần mâu thuẫn, phát sinh xung đột, thậm chí là đã ly thân được hơn 02 năm. Nay, để cả hai có cuộc sống mới, chúng tôi quyết định ly hôn. Việc ly hôn được cả hai cùng đồng thuận, không có tranh chấp nào về tài sản. Chúng tôi chưa có con chung, do đó, không có nhu cầu phân chia quyền nuôi dưỡng.

Tôi muốn Luật sư giải đáp giúp tôi mức án phí khi ly hôn thuận tình là bao nhiêu? Chúng tôi phải đóng mức tạm ứng chi phí này là bao nhiêu? Ai là người phải đóng nộp?

Chào bạn, liên quan đến chi phí khi ly hôn thuận tình mà bạn đang quan tâm, chúng tôi xin được giải đáp như sau:

Chi phí khi ly hôn thuận tình là bao nhiêu?

Chi phí khi ly hôn thuận tình chính là lệ phí giải quyết việc dân sự theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự. Điều 35 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 quy định lệ phí Tòa án này gồm lệ phí sơ thẩm và lệ phí phúc thẩm việc dân sự.

Tuy nhiên, Quyết định công nhận thuận tình ly hôn không được kháng cáo phúc thẩm theo quy định pháp luật (Điều 371 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015) nên vợ chồng bạn chỉ cần đóng khoản lệ phí sơ thẩm giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn (hay chính là yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn).

Căn cứ Mục B về danh mục lệ phí Tòa án tại phần Danh mục án phí, lệ phí Tòa án ban hành kèm theo Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 thì lệ phí Tòa án khi giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn là 300.000 đồng.

Căn cứ Điều 37 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14, người yêu cầu Tòa án công nhận thuận tình ly hôn phải có nghĩa vụ chịu lệ phí Tòa án, không phụ thuộc Tòa án có chấp thuận yêu cầu của họ hay không. Vợ chồng có quyền thỏa thuận về việc nộp lệ phí Tòa án, nếu không thể thỏa thuận được thì mỗi người chịu 50% (tức mỗi người phải nộp 150.000 đồng).

Ngoại lệ, một số trường hợp được miễn hoặc không phải nộp lệ phí Tòa án thì người yêu cầu không phải nộp. Trong đó, các trường hợp được miễn hoặc không phải nộp lệ phí Tòa án như sau:

Trường hợp không phải nộp lệ phí Tòa án

Trường hợp được miễn lệ phí Tòa án

Căn cứ pháp lý

Khoản 2 Điều 11 Nghị quyết 326/2016/NQ-UBTVQH14

Khoản 1, khoản 2 Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14

Một là, người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã quy định tại khoản 2 Điều 5 (gồm người lao động, công đoàn cơ sở, công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở ở những nơi chưa thành lập công đoàn cơ sở), điểm a khoản 1 Điều 105 (người nộp đơn yêu cầu phá sản mà doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán không còn tiền, tài sản khác để nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản) Luật phá sản 2014;

Hai là, ban chấp hành công đoàn cơ sở nộp đơn yêu cầu Tòa án xét tính hợp pháp của cuộc đình công cũng là đối tượng không phải nộp lệ phí Tòa án;

Ba là, trường hợp đại diện tập thể người lao động yêu cầu Tòa án xét tính hợp pháp của cuộc đình công cũng thuộc trường hợp không phải nộp lệ phí Tòa án;

Bốn là, đối tượng là cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật/hoặc thay đổi người trực tiếp nuôi con/hoặc hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên/hoặc buộc người không tự nguyện thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng phải thực hiện nghĩa vụ đó (quy định tại khoản 2 Điều 10, khoản 5 Điều 84, khoản 2 Điều 86, khoản 2 Điều 119 Luật hôn nhân và gia đình 2014) cũng thuộc diện không phải nộp lệ phí Tòa án;

Hoặc cơ quan nhà nước yêu cầu Tòa án cung cấp bản sao, trích lục bản án thì không phải nộp lệ phí Tòa án;

Năm là, Viện kiểm sát kháng nghị quyết định của Tòa án theo thủ tục phúc thẩm;

Sáu là, các trường hợp khác không phải nộp tiền lệ phí Tòa án mà pháp luật có quy định.

Một là, trẻ em;

Hai là, cá nhân thuộc hộ nghèo, cận nghèo;

Ba là, người cao tuổi;

Bốn là, người khuyết tật;

Năm là, người có công với cách mạng;

Sáu là, đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn;

Bảy là, thân nhân liệt sĩ được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận gia đình liệt sĩ.

Lưu ý: Những người thuộc đối tượng được miễn lệ phí Tòa án cần có đơn cùng tài liệu chứng minh thuộc diện được miễn lệ phí Tòa án gửi tới Tòa án nhân dân có thẩm quyền theo quy định (thường các bên nên gửi kèm với hồ sơ yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn/yêu cầu giải quyết việc dân sự).

Như vậy, khi giải quyết ly hôn thuận tình, vợ chồng phải nộp 300.000 đồng là lệ phí tòa án. Trong đó, vợ chồng có quyền thỏa thuận về việc chịu lệ phí Tòa án, nếu không thỏa thuận được thì mỗi người chịu một nửa (tức mỗi người phải nộp 150.000 đồng).

chi phi ly hon thuan tinh


Tiền tạm ứng án phí ly hôn là bao nhiêu?

Tạm ứng án phí ly hôn là khoản chi phí mà đương sự phải nộp khi ly hôn đơn phương. Còn đối với ly hôn thuận tình được gọi là tạm ứng lệ phí Tòa án. Trong trường hợp của bạn, khoản tiền mà vợ chồng bạn phải nộp là tạm ứng lệ phí Tòa án.

Xem thêm: Án phí ly hôn năm 2022 

Khoản tạm ứng lệ phí Tòa án sẽ được Tòa án thông báo tới vợ chồng bạn sau khi đơn yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn được Tòa án tiếp nhận. Trong thời hạn không quá 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo nộp tạm ứng lệ phí sơ thẩm, vợ chồng bạn phải hoàn thành việc đóng nộp khoản phí này và nộp biên lai cho Tòa án để được giải quyết vụ việc của mình.

Khoản 5 Điều 7 Quyết định 326/2016/NQ-UBTVQH14, mức tạm ứng lệ phí sơ thẩm giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn bằng với mức lệ phí sơ thẩm giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn và là 300.000 đồng.

Khoản 1 Điều 36 Quyết định 326/2016/NQ-UBTVQH14 cho phép vợ chồng bạn được thỏa thuận về việc nộp khoản tạm ứng lệ phí Tòa án này, nếu không thỏa thuận được thì mỗi người phải chịu 50% (tức 150.000 đồng).

Như vậy, mức tạm ứng lệ phí giải quyết việc ly hôn thuận tình (tạm ứng lệ phí giải quyết yêu cầu công nhận thuận tình ly hôn, thỏa thuận nuôi con, chia tài sản khi ly hôn) là 300.000 đồng. Vợ chồng có thể thỏa thuận về người phải nộp khoản phí này, nếu không thỏa thuận được thì mỗi người chịu một nửa.

Trên đây là giải đáp thắc mắc về Chi phí ly hôn thuận tình, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006192 để được hỗ trợ.

>> Ly hôn có yếu tố nước ngoài mất bao lâu?

>> Ly hôn, tòa triệu tập mấy lần rồi mới xét xử?

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X