Khi hủy kết hôn trái pháp luật, vấn đề về tài sản, con cái được đặt ra. Chia tài sản khi hủy kết hôn trái pháp luật thế nào?
Chia tài sản khi hủy kết hôn trái pháp luật thế nào?
Chào bạn. Như trình bày của bạn, bạn kết hôn do bị lừa dối nên đây thuộc trường hợp được hủy kết hôn trái pháp luật.
Điều 12 Luật Hôn nhân và Gia đình quy định hậu quả pháp lý của việc hủy kết hôn trái pháp luật như sau:
- Nếu đã có con thì quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con được giải quyết theo quy định về quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con khi ly hôn. Nghĩa là một người nuôi dưỡng thì bên kia có nghĩa vụ cấp dưỡng nếu con chưa thành niên hoặc con thành niên nhưng không có khả năng lao động.
Đối chiều với quy định tại Điều 16 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014:
1. Quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng của nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên; trong trường hợp không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Nghĩa là, khi việc kết hôn trái pháp luật bị hủy, pháp luật tôn trọng sự thỏa thuận giữa các bên trong việc chia tài sản. Nếu hai bên không thể thỏa thuận được thì không sử dụng quy định chia tài sản khi ly hôn của Luật Hôn nhân và Gia đình mà sử dụng Bộ luật Dân sự để giải quyết. Tuy nhiên, việc giải quyết quan hệ tài sản phải bảo đảm quyền cũng như lợi ích hợp pháp của phụ nữ và con. Với những công việc như nội trợ, công việc khác có liên quan nhằm duy trì đời sống chung được coi như lao động có thu nhập.
Nguyên tắc chia tài sản trong trường hợp hủy kết hôn trái pháp luật gồm:
- Tài sản riêng của ai thuộc về người đó. Nếu không chứng minh được thì coi là tài sản chung.
- Nếu là tài sản chung của hai bên thì được chia căn cứ vào công sức đóng góp của mỗi bên.
Việc chia tài sản nếu không thỏa thuận được thì một trong hai bên có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án phân chia.
Hủy kết hôn trái luật, con cái phân chia thế nào?
Chào bạn. Theo Luật Hôn nhân và Gia đình, khi hủy kết hôn trái pháp luật thì quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con được giải quyết theo quy định về quyền, nghĩa vụ của cha, mẹ, con khi ly hôn.
Điều 68 Luật Hôn nhân và Gia đình cũng khẳng định, con sinh ra không phụ thuộc vào tình trạng hôn nhân của cha mẹ đều có quyền và nghĩa vụ như nhau đối với cha mẹ của mình được quy định tại Luật này, Bộ luật dân sự và các luật khác có liên quan.
Căn cứ Điều 81, 82 Luật Hôn nhân và Gia đình, quan hệ cha mẹ với con khi hủy kết hôn trái pháp luật như sau:
- Sau khi hủy kết hôn trái luật, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
- Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.
- Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con có nghĩa vụ tôn trọng quyền của con được sống chung với người trực tiếp nuôi.
- Sau khi hủy kết hôn trái pháp luật, người không trực tiếp nuôi con có quyền, nghĩa vụ thăm nom con mà không ai được cản trở.
Cha, mẹ không trực tiếp nuôi con lạm dụng việc thăm nom để cản trở hoặc gây ảnh hưởng xấu đến việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con thì người trực tiếp nuôi con có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền thăm nom con của người đó.
Trên đây là giải đáp chia tài sản khi hủy kết hôn trái pháp luật thế nào? Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.