Ly hôn là điều mà không cặp vợ chồng nào mong muốn. Ly hôn gắn với chia tài sản, giành quyền nuôi con. Vậy chia tài sản sau ly hôn có phải nộp thuế không? Pháp luật hiện hành quy định về vấn đề này như sau, mời các bạn theo dõi.
Chia tài sản sau ly hôn có phải nộp thuế không?
Với câu hỏi này, điểm a khoản 1 Điều 3 Thông tư 111/2013/TT-BTC có quy định về các khoản thu nhập được miễn thuế thu nhập cá nhân bao gồm:
"a) Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản (bao gồm cả nhà ở hình thành trong tương lai, công trình xây dựng hình thành trong tương lai theo quy định pháp luật về kinh doanh bất động sản) giữa: vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; bố vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh chị em ruột với nhau.
Trường hợp bất động sản (bao gồm cả nhà ở hình thành trong tương lai, công trình xây dựng hình thành trong tương lai theo quy định pháp luật về kinh doanh bất động sản) do vợ hoặc chồng tạo lập trong thời kỳ hôn nhân được xác định là tài sản chung của vợ chồng, khi ly hôn được phân chia theo thỏa thuận hoặc do tòa án phán quyết thì việc phân chia tài sản này thuộc diện được miễn thuế."
Cụ thể các trường hợp như sau:
Trường hợp tài sản là nhà, đất
Theo khoản 1 Điều 107 Bộ luật Dân sự 2015 thì bất động sản bao gồm có: Đất đai, nhà cửa, công trình xây dựng/tài sản khác gắn liền với đất, các tài sản khác theo quy định của pháp luật
Cùng với quy định tại điểm a khoản 1 Điều 3 Thông tư 111/2013/TT-BTC nêu trên, tài sản là nhà, đất được xác định là tài sản chung vợ chồng được phân chia khi giải quyết ly hôn sẽ không phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Việc phân chia tài sản này được thực hiện theo thỏa thuận của các bên hoặc theo phán quyết của Tòa án nhân dân có thẩm quyền.
Trường hợp tài sản khác
Cũng theo quy định này, với những tài sản khác (là bất động sản không phải nhà đất) mà là tài sản chung của vợ chồng được chia khi ly hôn thì thuộc diện miễn thuế thu nhập cá nhân.
Kết luận: Những tài sản chung vợ chồng là bất động sản được chia khi vợ chồng ly hôn thì sẽ không phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Đồng thời, việc phân chia này có thể dựa trên thỏa thuận của vợ chồng hoặc kết quả phán quyết của Tòa án.
Tài sản ly hôn là nhà đất có phải nộp thuế trước bạ khi sang tên?
Liên quan đến vấn đề chia tài sản khi ly hôn, khi chia các tài sản chung có đăng ký quyền sở hữu, một bên vợ chồng phải làm thủ tục sang tên tài sản để ghi nhận nó thành tài sản riêng của mình. Vậy với những tài sản là nhà đất khi sang tên có phải nộp thuế trước bạ không?
- Trước hết cần hiểu rõ về thuế trước bạ
Thuế trước bạ hay nói chính xác hơn là lệ phí trước bạ. Theo nội dung khoản 2 Điều 3 Luật Phí và lệ phí 2015 thì lệ phí trước bạ chính là khoản tiền đã được ấn định trước mà cá nhân hay tổ chức có nghĩa vụ phải nộp cho Nhà nước trước khi đưa một tài sản/vật nào đó (đối tượng nộp lệ phí) vào sử dụng.
Và theo Nghị định 10/2022/NĐ-CP thì nhà, đất chính là một trong những đối tượng phải chịu lệ phí trước bạ. Người có tài sản là nhà, đất khi đăng ký quyền sử dụng (sang tên) thì phải nộp lệ phí trước bạ cho nhà nước.
- Trường hợp sang tên nhà đất khi ly hôn có nộp thuế trước bạ khi sang tên không?
Khoản 5 Điều 5 Thông tư 13/2022/TT-BTC quy định về các trường hợp được miễn lệ phí trước bạ khi khi đăng ký lại quyền sở hữu, sử dụng gồm có:
“Tài sản đã được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng chung của hộ gia đình hoặc của các thành viên gia đình khi phân chia tài sản đó theo quy định của pháp luật cho các thành viên gia đình đăng ký lại; Tài sản hợp nhất của vợ chồng sau khi kết hôn; Tài sản phân chia cho vợ, chồng khi ly hôn theo bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án.”.
Nhận thấy: Tài sản chung vợ chồng là nhà đất trước khi phân chia vốn đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng. Sau khi ly hôn và được chia tài sản, một bên vợ/chồng phải tiến hành sang tên hay nói cách khác là đăng ký lại quyền sử dụng cho chính mình.
Như vậy, theo quy định này thì tài sản là nhà đất được phân chia cho vợ, chồng khi ly hôn theo bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật khi làm thủ tục sang tên thì sẽ được miễn lệ phí trước bạ.
Ngoài ra, đọc giả có thể tham khảo thêm nhiều trường hợp được miễn lệ phí trước bạ khác quy định tại Điều 10 Nghị định 10/2022/NĐ-CP.
Nguyên tắc chia tài sản khi ly hôn
Chia tài sản khi ly hôn luôn là vấn đề được nhiều người quan tâm tìm hiểu. Các cặp vợ chồng cần nắm được các nguyên tắc chia tài sản khi ly hôn theo quy định của Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình, Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP như sau:
- Vợ chồng được tự thỏa thuận vè việc phân chia tài sản chung
Theo đó, vợ chồng có thể thỏa thuận việc phân chia tài sản chung khi làm thủ tục ly hôn và được pháp luật tôn trọng, thừa nhận. Với trường hợp này, vợ chồng có thể thống nhất cách chia và yêu cầu tòa án công nhận sự thỏa thuận đó. Hoặc trên cơ sở thỏa thuận đó tự làm các thủ tục sang tên, phân chia.
- Vợ chồng có quyền gửi yêu cầu Tòa án chia tài sản
Với trường hợp không thống nhất được cách chia tài sản chung, trên cơ sở yêu cầu của vợ chồng thì Tòa án sẽ tiến hành chia tài sản chung. Theo đó:
+ Tài sản chung sẽ được chia đôi
Chia đôi ở đây được hiểu đơn giản là chia thành hai phần cho hai vợ chồng, chứ không bắt buộc là hai phần bằng nhau. Việc phân chia tài sản sẽ còn căn cứ vào các yếu tố như: hoàn cảnh của mỗi bên, công sức đóng góp của các bên vào việc hình thành tài sản đó, lỗi của các bên trong việc dẫn đi ly hôn, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp cho mẹ và con,...
Để chứng minh mình có nhiều công sức đóng góp hơn đối phương, các bên phải đưa ra được các tài liệu, chứng cứ để Tòa án xem xét và ra quyết định.
+ Tài sản chung sẽ được chia bằng hiện vật, chỉ tiến hành chia theo giá trị nếu không chia được bằng hiện vật. Đồng thời, bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng thì phải thanh toán cho bên kia phần chênh lệch.
+ Việc chia tài sản chung của vợ chồng vẫn phải đảm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
+ Tài sản riêng của ai thì vẫn thuộc sở hữu của người đó, trừ trường hợp các tài sản riêng đã được thỏa thuận nhập vào tài sản chung vợ chồng.
+ Nếu có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung mà vợ, chồng có yêu cầu về chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị tài sản của mình đóng góp vào khối tài sản đó.
Có thể thấy, pháp luật quy định cụ thể các nguyên tắc chia tài sản chung để áp dụng, nhằm đảm bảo tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của các bên cũng như các con.
Trên đây là những thông tin trả lời cho câu hỏi Chia tài sản sau ly hôn có phải nộp thuế không? mà chúng tôi cung cấp đến bạn đọc. Nếu có thắc mắc về các quy định của luật lao động, vui lòng liên hệ đến tổng đài: 1900.6199 để được tư vấn, hỗ trợ.