Rất nhiều tranh chấp về đất đai phát sinh từ việc phân chia tài sản thừa kế. Trong khi đó, không phải toàn bộ những người được hưởng tài sản thừa kế đều có thể hiểu rõ được quyền, nghĩa vụ của mình khi hưởng di sản.
Tháng 5/2019 gia đình tôi có họp gia đình và lập văn bản chia thừa kế cho 08 người con, có 2 người làm chứng là cô chú. Mục đích của buổi họp gia đình là phân chia một phần tài sản của gia đình để mọi người có vốn làm ăn. Người viết văn bản đó là chị thứ 6. Tất cả mọi người đã ký và đồng ý, đồng thời, có cả chữ ký của 2 người làm chứng.
Thêm vào đó, trong số 03 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất được cấp cho cha và mẹ tôi, có 01 Giấy chứng nhận được mẹ tôi đã âm thầm nhờ mối quan hệ và tiền bạc tác động để chuyển thành tài sản riêng của mẹ. Đó cũng là mảnh đất có diện tích lớn nhất, giá trị nhất của cả gia đình và cũng là thửa đất mà gia đình tôi sinh sống từ trước tới nay.
Chào bạn, với câu hỏi của bạn, chúng tôi giải đáp như sau:
Phân chia tài sản thừa kế là đất đai như thế nào?
Theo thông tin bạn cung cấp, chúng tôi tạm nhận định một số vấn đề sau đây:
- Cha mẹ bạn có tổng cộng 03 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Sau khi gia đình bạn lập văn bản thỏa thuận phân chia, mẹ bạn đã tự thực hiện việc sang tên 01 Giấy chứng nhận từ tài sản chung của cha mẹ bạn thành tài sản riêng của mẹ bạn bằng cách yêu cầu người con thứ 6 viết thêm nội dung vào văn bản thỏa thuận phân chia tài sản mà không được sự đồng ý của những người được nhận tài sản phân chia;
- Gia đình bạn lập văn bản thỏa thuận phân chia tài sản (do thông tin bạn cung cấp cho chúng tôi không rõ ràng, nên chúng tôi không có căn cứ để xác định văn bản thỏa thuận phân chia tài sản này là chia tài sản chung của gia đình hay chia phần tài sản là di sản thừa kế hay chia cả hai).
Vì trong thông tin bạn gửi cho chúng tôi có nhắc tới việc chia thừa kế cho 08 người con để lấy vốn làm ăn nên chúng tôi tạm nhận định văn bản gia đình bạn lập là văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế có người làm chứng và không có công chứng/chứng thực. Trong văn bản thỏa thuận phân chia tài sản này, mọi người đã cùng thỏa thuận, thống nhất và cùng ký tên để xác nhận thực hiện các điều khoản của nó.- Phần tài sản mà gia đình bạn thỏa thuận phân chia là phần quyền sử dụng đất được công nhận ở 02 quyển sổ đỏ còn lại (trừ 01 giấy chứng nhận đã mang tên riêng của mẹ bạn) và phần tài sản là di sản thừa kế được phân chia là tài sản khi bố bạn mất để lại;
- Do chưa được tiếp cận hồ sơ thực tế, và cũng không có thông tin về việc thu hồi Giấy chứng nhận đã cấp cho mẹ bạn hay có các thông tin về khiếu nại, khởi kiện việc cấp Giấy chứng nhận này cho mẹ của bạn nên theo thông tin bạn cung cấp, chúng tôi giả sử rằng Giấy chứng nhận mà mẹ bạn đang là chủ sử dụng riêng là Giấy chứng nhận được cấp đúng thẩm quyền;
- Bố bạn mất không để lại di chúc, việc phân chia tài sản là di sản của bố bạn được thực hiện theo pháp luật;
- Hiện nay, các thành viên trong gia đình bạn không đồng ý với việc mẹ bạn tự ý chuyển 01 tài sản chung của cha mẹ bạn thành tài sản riêng của mẹ bạn và chưa biết cách xử lý như thế nào để chuyển tài sản này trở về như nguyên hiện trạng. Đây cũng là yêu cầu mà bạn đề nghị chúng tôi hướng dẫn giải quyết theo quy định pháp luật.Từ những nhận định trên và theo quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015, những người cùng hàng thừa kế thứ nhất của người chết (vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết) là những người được hưởng tài sản thừa kế bằng nhau. Nếu những người này có thỏa thuận tặng cho nhau thì phần thừa kế họ là phần tài sản theo thỏa thuận đó.
Điều này cũng có nghĩa là, sau khi bố bạn mất, tài sản của bố bạn trong khối tài sản chung của bố mẹ bạn được ghi nhận tại 03 Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải được chia theo pháp luật (chia theo quy định tại Điều 651 Bộ luật Dân sự 2015 như chúng tôi đã nêu trên). Những người thừa kế thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bố bạn được hưởng phần di sản bằng nhau, nếu họ có thỏa thuận tặng cho nhau thì phần họ được nhận theo thỏa thuận đó.
Vì vậy, mẹ của bạn không có quyền định đoạt toàn bộ quyền sử dụng đất được ghi nhận tại 03 Giấy chứng nhận như bạn đã mô tả.
Trường hợp sau khi bố bạn mất, mẹ bạn không nhận được sự đồng ý của các con mà tự ý chuyển quyền sử dụng đất từ tài sản thành tài sản riêng của mình là trái quy định của pháp luật hiện hành. Đồng thời, hành vi này của mẹ bạn cũng vi phạm đến quyền được nhận tài sản thừa kế của những người thuộc hàng thừa kế thứ nhất của bố bạn. Lúc này, bạn có thể cân nhắc, xem xét thực hiện theo một trong những cách sau:
Cách 1: Đề nghị mẹ bạn thực hiện chuyển quyền sử dụng đất riêng thành sử dụng chung của các thành viên của gia đình
Lúc này, gia đình cần thỏa thuận, thống nhất với nhau về việc chuyển quyền này và thực hiện các công việc sau đây:
- Ký hợp đồng tặng cho quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở (nếu có) và tài sản khác gắn liền với đất (nếu có) có công chứng tại văn phòng công chứng/phòng công chứng hoặc có chứng thực tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất;
- Thực hiện thủ tục đăng ký chuyển quyền sử dụng đất tại chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai/văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất theo quy định pháp luật.
Xem thêm: Sang tên sổ đỏ đất tặng cho
Cách 2: Khởi kiện yêu cầu hủy Giấy chứng nhận đã cấp cho mẹ bạn (Giấy chứng nhận được cấp là tài sản riêng cho mẹ bạn)
Việc khởi kiện yêu cầu hủy Giấy chứng nhận đã cấp là tài sản riêng cho mẹ bạn thì gia đình bạn thực hiện khởi kiện tại Tòa án nhân dân cấp tỉnh nơi có đất (Điều 32 Luật Tố tụng hành chính 2015).
Để được Tòa án nhân dân có thẩm quyền giải quyết vụ việc, gia đình bạn cần phải làm đơn khởi kiện theo mẫu ban hành kèm Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP của Hội đông thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao. Kèm theo đơn khởi kiện, gia đình bạn cần chuẩn bị các tài liệu, giấy tờ, chứng cứ để chứng minh việc cấp Giấy chứng nhận là tài sản riêng của mẹ bạn là trái quy định pháp luật hiện hành.
Gia đình bạn thực hiện phân chia tài sản này theo Bản án có hiệu lực của Tòa án.
Kết luận: Việc giải quyết phân chia tài sản thừa kế của gia đình bạn có thể được tiến hành theo cách thức như chúng tôi đã giải đáp ở trên.Thủ tục thỏa thuận phân chia di sản thừa kế là quyền sử dụng đất thế nào?
Trong trường hợp của gia đình bạn, việc phân chia tài sản thừa kế là quyền sử dụng đất chỉ được lập thành văn bản có người làm chứng mà không được công chứng hoặc chứng thực sẽ không có giá trị pháp lý, do đó, sẽ không có căn cứ để được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất cho mỗi người trong văn bản thỏa thuận đó (khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013).Văn bản thỏa thuận phân chia tài sản thừa kế là đất đai phải được lập có công chứng hoặc chứng thực để làm căn cứ thực hiện thủ tục đăng ký biến động/sang tên quyền sử dụng đất cho những người được hưởng thừa kế.
Thông thường, văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế được lập tại văn phòng công chứng/phòng công chứng vì sự nhanh chóng, thuận tiện, tiết kiệm thời gian. Tại đây, thủ tục thỏa thuận phân chia di sản thừa kế là đất đai được thực hiện theo quy định tại Điều 57 Luật Công chứng 2014, Điều 18 Nghị định 29/2015/NĐ-CP. Cụ thể các bước thực hiện như sau:Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế
Gia đình bạn chuẩn bị các giấy tờ, tài liệu sau đây:
- Biên bản/văn bản họp mặt gia đình, trong đó có nôi dung thỏa thuận về việc phân chia tài sản thừa kế của toàn bộ những người được hưởng thừa kế;- Giấy tờ chứng minh nơi ở hợp pháp của người được nhận tài sản (sổ hộ khẩu...) và căn cước công dân/chứng minh nhân dân/hộ chiếu còn hiệu lực;
- Giấy chứng tử của người mất;
- Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn...hoặc các giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương khác để chứng minh quan hệ cha mẹ con, vợ chồng với người để lại tài sản.
- Phiếu yêu cầu công chứng do văn phòng công chứng/phòng công chứng lập.Lưu ý:
+ Văn phòng công chứng/phòng công chứng có thẩm quyền công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế là văn phòng công chứng/phòng công chứng có trụ sở đặt tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có đất thừa kế (Điều 42 Luật Công chứng 2014).+ Khi yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản, toàn bộ những người được hưởng di sản thừa kế đều phải có mặt tại văn phòng công chứng/phòng công chứng (trừ những người đã ủy quyền cho người khác thay mình thực hiện thủ tục này theo quy định pháp luật hoặc những người đã từ chối nhận di sản thừa kế và có văn bản từ chối nhận di sản theo quy định).
Bước 2: Văn phòng công chứng/phòng công chứng thực hiện các công việc sau đây
- Niêm yết thông tin về việc thụ lý yêu cầu thỏa thuận phân chia tài sản thừa kế của gia đình bạn tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi thường trú cuối cùng của người chết và Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất. Thời hạn niêm yết văn bản thụ lý yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận phân chia tài sản thừa kế là 15 ngày.- Ủy ban nhân dân cấp xã nơi văn phòng công chứng/phòng công chứng thực hiện niêm yết thông báo thụ lý yêu cầu chia tài sản thừa kế của gia đình bạn xác nhận về việc niêm yết này;
- Công chứng viên tiến hành kiểm tra để xác định, xác nhận: Người để lại di sản đúng là người có quyền sử dụng đất và những người yêu cầu công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản đúng là người được hưởng di sản. Trường hợp công chứng viên thấy chưa rõ hoặc có căn cứ cho rằng việc để lại di sản và hưởng di sản là không đúng pháp luật thì từ chối yêu cầu công chứng hoặc theo đề nghị của người yêu cầu công chứng, công chứng viên tiến hành xác minh hoặc yêu cầu giám định theo quy định pháp luật;- Thực hiện công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế.
Bước 3: Trả kết quả
Gia đình bạn nhận kết quả là văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế có công chứng. Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế đã được công chứng là một trong những căn cứ để văn phòng đăng ký đất đai/phòng đăng ký đất đai thực hiện đăng ký biến động/sang tên cho người được hưởng di sản.Bước 4: Đăng ký biến động/sang tên quyền sử dụng đất được hưởng thừa kế
Gia đình bạn thực hiện thủ tục đăng ký sang tên quyền sử dụng đất thừa kế tại văn phòng đăng ký đất đai/phòng đăng ký đất đai/văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất.
Hồ sơ sang tên lúc này bao gồm:- Văn bản thỏa thuận phân chia tài sản thừa kế đã được công chứng;
- Giấy tờ chứng minh nơi ở hợp pháp của người được nhận tài sản (sổ hộ khẩu...) và căn cước công dân/chứng minh nhân dân/hộ chiếu còn hiệu lực;- Giấy chứng tử của người mất;
- Giấy khai sinh, Giấy chứng nhận kết hôn...hoặc các giấy tờ có giá trị pháp lý tương đương khác để chứng minh quan hệ cha mẹ con, vợ chồng với người để lại tài sản.- Đơn đăng ký biến động đất đai mẫu 09/ĐK ban hành kèm theo thông tư 33/2017/TT-BTNMT;
- Tờ khai lệ phí trước bạ mẫu 01/LPTB ban hành kèm theo Thông tư số 80/2021/TT-BTC;- Tờ khai thuế thu nhập cá nhân mẫu số 03/BĐS-TNCN ban hành kèm theo Thông tư 80/2021/TT-BTC;
- Tờ khai thuế sử dụng đất phi nông nghiệp mẫu số 04/TK-SDDPNN ban hành kèm theo Thông tư 80/2021/TT-BTC;
Kết luận: Nếu việc thỏa thuận phân chia di sản được thực hiện theo trình tự, cách thức như chúng tôi đã nêu trên thì những người thừa kế tài sản của gia đình bạn mới được Nhà nước công nhận quyền sử dụng đất thừa kế hợp pháp. Dựa theo giải đáp của chúng tôi, bạn lựa chọn cách thức xử lý phù hợp với mình.
Trên đây là giải đáp thắc mắc về chia tài sản thừa kế là quyền sử dụng đất, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.>> Chia tài sản thừa kế khi một người không đồng ý thế nào?
>> Phải làm gì khi nhận thừa kế nhưng không đủ diện tích tách thửa?