hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 30/11/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Chia thừa kế đất nông nghiệp: Điều kiện, thủ tục, chi phí ra sao?

Chia thừa kế đất nông nghiệp được thực hiện như thế nào? Điều kiện, mẫu thừa kế, chi phí nhận thừa kế đất nông nghiệp như thế nào? Có những hình thức chia thừa kế đất nông nghiệp nào hiện nay theo quy định pháp luật? HieuLuat sẽ giải đáp toàn bộ vướng mắc về vấn đề thừa kế này trong bài viết dưới đây.

 
Mục lục bài viết
  • 1. Điều kiện nhận thừa kế đất nông nghiệp là gì?
  • 2. Quyền thừa kế đất nông nghiệp không có di chúc ra sao?
  • 3. Thủ tục chia thừa kế đất nông nghiệp như thế nào?
  • 3.1 Chia thừa kế đất nông nghiệp khi có người ở nước ngoài thế nào?
  • 3.2  Mẫu thừa kế đất nông nghiệp theo pháp luật thế nào?

Câu hỏi: Chào Luật sư, gia đình tôi đang thực hiện việc nhận thừa kế đất nông nghiệp từ bố mẹ để lại.

Bố tôi mất năm 2005, mẹ tôi mất năm 2010. Đất nông nghiệp bố mẹ tôi để lại cho anh em gồm đất trồng cây hàng năm khoảng 300m2, đất trồng cây lâu năm khoảng 2ha, đất nuôi trồng thủy sản là 4000m2.

Do anh em chúng tôi đều đi làm ăn nơi khác, chỉ còn anh cả là người sống cùng bố mẹ nên anh cả đang là người quản lý toàn bộ di sản mà bố mẹ tôi để lại.

Chúng tôi cũng muốn tài sản được phân chia hoặc thống nhất nên cũng muốn xử lý vấn đề chia tài sản này nhanh chóng.

Gia đình tôi có 4 anh chị em, 3 nam, 1 nữ. Trong đó, anh thứ 2 nhà tôi đã sang Úc học tập, làm việc, định cư bên đó khoảng 10 năm nay.

Để việc chia thừa kế của gia đình được thực hiện nhanh chóng, thuận lợi và tiết kiệm công sức, tôi muốn Luật sư có thể giải đáp cho tôi những vướng mắc sau đây:

Một là, điều kiện để được nhận thừa kế đất nông nghiệp là gì?

Tôi có nghe nói nếu như không trực tiếp sử dụng đất nông nghiệp thì không được nhận thừa kế loại đất này, thông tin này có chính xác không Luật sư?

Hai là, anh trai thứ 2 của tôi có mong muốn từ chối nhận phần di sản mà mình được hưởng thì cần phải làm thủ tục gì? Việc chia thừa kế lúc ấy có khác biệt gì không Luật sư?

Ba là, xin Luật sư cung cấp cho tôi mẫu văn bản chia thừa kế hiện nay để gia đình tôi tham khảo thực hiện.

Bốn là, khi nhận thừa kế đất nông nghiệp ba mẹ tôi để lại, chúng tôi phải chịu những khoản chi phí nào?

Chào bạn, chúng tôi xin giải đáp vướng mắc về vấn đề chia thừa kế đất nông nghiệp mà bạn đang quan tâm và có vướng mắc như sau:

1. Điều kiện nhận thừa kế đất nông nghiệp là gì?

Nhận thừa kế đất đai theo quy định pháp luật hiện hành là việc thừa kế theo quy định của pháp luật dân sự và pháp luật đất đai.

Cụ thể, căn cứ quy định tại Bộ luật Dân sự 2015, Luật Đất đai 2013 và các văn bản khác có liên quan, điều kiện để nhận thừa kế đất nông nghiệp của con từ bố mẹ gồm:

  • Thuộc trường hợp được nhận thừa kế theo pháp luật hoặc theo di chúc;

  • Di chúc phải có hiệu lực pháp luật tại thời điểm chia thừa kế nếu bố mẹ bạn để lại di chúc trước khi mất;

  • Tại thời điểm nhận thừa kế, đất đã được cấp sổ đỏ hoặc đủ điều kiện cấp sổ đỏ theo quy định pháp luật;

  • Không thuộc trường hợp không được quyền hưởng di sản thừa kế hoặc bị truất quyền hưởng di sản;

  • Tài sản là đất đai phải còn tồn tại tại thời điểm chia thừa kế (tức chưa bị thu hồi hoặc thuộc các trường hợp khác dẫn đến tài sản không còn tồn tại);

  • Quyền sử dụng đất không bị tranh chấp, không bị kê biên để đảm bảo thi hành án;

  • Tại thời điểm chia thừa kế, đất phải còn thời hạn sử dụng;

  • Không thuộc trường hợp đã có thông báo thu hồi đất hoặc quyết định thu hồi đất theo quy định tại thời điểm chia thừa kế;

Lưu ý:

  • Người được nhận di sản thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật đều có quyền từ chối nhận phần di sản mà mình được hưởng, trừ trường hợp việc từ chối nhận di sản thừa kế nhằm trốn tránh nghĩa vụ;

  • Việc từ chối nhận di sản thừa kế là quyền sử dụng đất phải được lập thành văn bản có công chứng hoặc chứng thực theo quy định pháp luật;

  • Văn bản từ chối nhận di sản phải được gửi tới những người được hưởng di sản thừa kế trước thời điểm phân chia di sản;

  • Pháp luật đất đai, pháp luật dân sự hiện hành không hạn chế quyền nhận di sản thừa kế là đất nông nghiệp của những người không trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Nói cách khác, chỉ cần đáp ứng các điều kiện nhận thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật như là người thuộc hàng thừa kế, người được hưởng di sản theo di chúc… thì đều được hưởng di sản;

Kết luận: Để chia thừa kế đất nông nghiệp là di sản bố mẹ để lại thì người nhận thừa kế, tài sản,... phải thỏa mãn các điều kiện luật định như chúng tôi đã nêu trên.

Người anh thứ 2 của bạn có mong muốn từ chối nhận phần di sản mà mình được hưởng từ bố mẹ thì phải lập văn bản từ chối nhận di sản. Văn bản này được lập, chứng nhận tại cơ quan đại diện Nhà nước của Việt Nam tại Úc (ví dụ Đại sứ quán hoặc lãnh sự quán…).

chia thua ke dat nong nghiep


2. Quyền thừa kế đất nông nghiệp không có di chúc ra sao?

Quyền thừa kế đất nông nghiệp khi không có di chúc/chia thừa kế đất nông nghiệp không có di chúc là việc chia, nhận thừa kế theo quy định của pháp luật đất đai, pháp luật dân sự.

Căn cứ Điều 651, Điều 621, Điều 613, Bộ luật Dân sự 2015, quyền thừa kế đất nông nghiệp theo pháp luật được thực hiện theo những nguyên tắc sau đây:

  • Người được hưởng di sản thừa kế là người được pháp luật liệt kê thuộc hàng thừa kế của người có di sản;

    • Theo đó, có 3 hàng thừa kế, hàng thừa kế sau chỉ được quyền nhận di sản thừa kế nếu hàng thừa kế trước không còn ai/hoặc đều đã từ chối nhận di sản/hoặc đều bị truất quyền hưởng di sản/hoặc đều thuộc trường hợp không được quyền hưởng di sản:

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

  • Những người ở cùng một hàng thừa kế thì được nhận phần di sản bằng nhau;

  • Những người ở cùng một hàng thừa kế có quyền tặng cho nhau phần di sản mà mình được hưởng;

  • Những người được hưởng di sản thừa kế theo pháp luật đã phải thành thai và còn sống tại thời điểm mở thừa kế (thời điểm người để lại di sản thừa kế chết);

  • Nếu phát sinh trường hợp thừa kế thế vị thì việc người được nhận thừa kế thế vị được quyền hưởng di sản mà cha mẹ hoặc ông bà của họ được hưởng;

  • Quyền được hưởng di sản thừa kế theo pháp luật chỉ phát sinh nếu như người để lại di sản không có di chúc hoặc phần di chúc đã lập không có hiệu lực;

  • Những người từ chối nhận di sản thừa kế là đất nông nghiệp phải có văn bản từ chối nhận di sản, văn bản này phải được công chứng/hoặc chứng thực theo quy định;

  • Những người có quyền hưởng di sản thừa kế là đất nông nghiệp nếu như tài sản là quyền sử dụng đất phải thỏa mãn điều kiện để là di sản thừa kế như chúng tôi đã trình bày ở phần 1 phía trên;

Kết luận: Chia thừa kế đất nông nghiệp theo pháp luật là việc chia thừa kế theo hàng thừa kế.

Những người thuộc hàng thừa kế của người để lại di sản chỉ được quyền hưởng di sản thừa kế nếu thỏa mãn các điều kiện như không thuộc trường hợp bị truất quyền hưởng di sản,...

Những người được quyền hưởng di sản thừa kế cũng được quyền từ chối nhận di sản, trừ trường hợp việc từ chối của họ nhằm mục đích trốn tránh nghĩa vụ.

3. Thủ tục chia thừa kế đất nông nghiệp như thế nào?

Chia thừa kế đất nông nghiệp do bố mẹ để lại được thực hiện theo trình tự ra sao? Được thực hiện ở đâu? Có gì khác biệt nếu có người ở nước ngoài? Những vướng mắc này sẽ được chúng tôi giải đáp chi tiết dưới đây.

3.1 Chia thừa kế đất nông nghiệp khi có người ở nước ngoài thế nào?

Như chúng tôi đã trình bày, di sản là đất nông nghiệp do bố mẹ bạn để lại có thể được chia theo pháp luật hoặc theo di chúc.

Do thông tin bạn cung cấp cho chúng tôi chưa đầy đủ nên thực tế có thể phát sinh 2 tình huống sau đây.

Tình huống 1: Chia thừa kế theo di chúc

Tình huống 2: Chia thừa kế theo pháp luật

Bước 1: Họp mặt và khai nhận di sản thừa kế theo di chúc

Những người được nhận di sản thừa kế theo di chúc họp mặt để thỏa thuận, thương lượng các vấn đề liên quan đến tài sản được phân chia theo di chúc.

Ví dụ như:

  • Nghĩa vụ cần thực hiện đối với tài sản;
  • Thời điểm thực hiện phân chia;
  • Quyền hưởng di sản;
  • Có các văn bản từ chối không;

Nội dung được những người hưởng di sản theo di chúc thỏa thuận phải được lập thành biên bản có chữ ký của những người tham gia;

Sau khi đã có thống nhất về việc nhận di sản thừa kế, các bên thực hiện lập văn bản khai nhận di sản thừa kế có công chứng hoặc chứng thực.

Nội dung của văn bản khai nhận di sản thừa kế phải ghi nhận rõ việc từ chối nhận di sản thừa kế của những người từ chối nhận di sản, phần di sản từ chối được nhận.

Bước 2: Sang tên quyền sử dụng đất

Căn cứ văn bản khai nhận di sản thừa kế đã được lập, người nhận di sản thừa kế thực hiện thủ tục đăng ký biến động, sang tên đất tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Người được nhận di sản thừa kế là đất đai phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước trước khi nhận sổ đỏ mang tên của mình.

Bước 3: Nhận kết quả

Sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính, người nhận thừa kế nhận sổ đỏ theo phiếu hẹn.

Sổ đỏ có thể chỉ được xác nhận biến động ở trang 4 hoặc được cấp mới nếu có nhu cầu.

Bước 1: Họp mặt và thỏa thuận phân chia di sản thừa kế theo pháp luật

Những người được hưởng di sản thừa kế theo pháp luật thực hiện họp mặt gia đình để thương lượng những vấn đề như cách thức phân chia di sản, nghĩa vụ của từng người nhận di sản thừa kế,...

Những người từ chối nhận di sản có thể gửi văn bản từ chối nhận di sản theo quy định pháp luật cho những người được hưởng di sản tại thời điểm này;

Nội dung được những người này thỏa thuận phải được lập thành biên bản có chữ ký của những người tham gia;

Sau khi đã họp mặt, những người được hưởng di sản thừa kế theo pháp luật thực hiện lập văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế có công chứng hoặc chứng thực.

Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế phải thể hiện rõ nội dung từ chối nhận di sản thừa kế của người từ chối nhận di sản (nếu có);

Bước 2: Sang tên quyền sử dụng đất

Căn cứ văn bản khai nhận di sản thừa kế đã được lập, người nhận di sản thừa kế thực hiện thủ tục đăng ký biến động, sang tên đất tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Người được nhận di sản thừa kế là đất đai phải hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước trước khi nhận sổ đỏ mang tên của mình.

Bước 3: Nhận kết quả

Sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính, người nhận thừa kế nhận sổ đỏ theo phiếu hẹn.

Sổ đỏ có thể chỉ được xác nhận biến động ở trang 4 hoặc được cấp mới nếu có nhu cầu.

Như vậy, chia thừa kế đất nông nghiệp theo di chúc hoặc theo pháp luật được thực hiện theo trình tự các bước như chúng tôi đã nêu ở trên.

3.2  Mẫu thừa kế đất nông nghiệp theo pháp luật thế nào?

Mẫu thừa kế đất nông nghiệp hay chính là mẫu văn bản phân chia thừa kế đất nông nghiệp là văn bản được lập khi phân chia di sản thừa kế.

Thông thường, mẫu văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế được lập theo mẫu của văn phòng công chứng/phòng công chứng hoặc cơ quan có thẩm quyền chứng thực.

Pháp luật hiện hành chưa ban hành mẫu văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế. Chúng tôi xin gửi tới bạn đọc mẫu văn bản thỏa thuận chia di sản thừa kế đất nông nghiệp được sử dụng nhiều như dưới đây:

Sửa/In biểu mẫu

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

VĂN BẢN THỎA THUẬN PHÂN CHIA DI SẢN THỪA KẾ

Hôm nay, ngày … tháng … năm …, tại … chúng tôi gồm:

  1. Ông/Bà …, sinh ngày …, CCCD số … do … cấp ngày …; đăng ký hộ khẩu thường trú tại ...

  2. Ông/Bà …, sinh ngày …, CCCD số … do … cấp ngày …; đăng ký hộ khẩu thường trú tại ....

(Nếu có người làm chứng thì thêm phần này)

Do … không viết được nên những người thỏa thuận phân chia di sản thừa kế đã mời … làm chứng cho việc lập và ký văn bản này.

  1. Ông/Bà…., sinh ngày …, CCCD số … do … cấp ngày …; đăng ký hộ khẩu thường trú tại ....

Chúng tôi tự nguyện lập văn bản này để thực hiện việc thỏa thuận phân chia di sản thừa kế với những nội dung như sau:

I. VỀ QUAN HỆ THỪA KẾ VÀ DI SẢN THỪA KẾ:

1. Quan hệ thừa kế:    

Bằng văn bản này, chúng tôi khai đúng sự thật rằng:

- Chúng tôi, những người có tên nêu trên là …, … của ông/bà ...

- Ông/Bà …, sinh năm ..., đã chết ngày … theo Giấy chứng tử số (trích lục khai tử số) .., quyển số .. do UBND phường .., quận …, thành phố … cấp ngày ... Trước khi chết, ông/bà … không để lại di chúc và cũng không để lại một nghĩa vụ tài sản nào.

- Bố, mẹ đẻ của ông/bà … đều đã chết trước ông/bà … từ lâu nên không được hưởng di sản thừa kế do ông/bà … để lại. Ông … không có bố, mẹ nuôi.

(nếu bố mẹ còn sống thì chỉ ghi): - Ông … không có bố, mẹ nuôi.

(nếu bố mẹ chết sau thì ghi thông tin giấy chứng tử và phải xét đến quan hệ thừa kế của bố mẹ)

- Ông … chỉ có một người vợ là bà …. (nếu vợ chết thì ghi thêm: Bà …, sinh năm …, đã chết ngày … theo Giấy chứng tử số/trích lục khai tử số… do UBND phường … cấp ngày .... Từ khi bà … chết cho đến khi ông … chết, ông … không đăng ký kết hôn với ai). (nếu vợ chết sau thì ghi thông tin giấy chứng tử và phải xét đến quan hệ thừa kế của vợ)

- Ông … và bà … chỉ có … (…) người con là …, ...

Ngoài những người có tên nêu trên, ông/bà … không còn có người bố, người mẹ, người vợ, người con đẻ, con riêng, con nuôi nào khác.

Như vậy, chỉ có chúng tôi - những người có tên nêu trên được hưởng di sản thừa kế do ông … để lại theo quy định của pháp luật.

2. Di sản thừa kế:

Di sản mà ông .. để lại là quyền sử dụng một phần thửa đất số …, tờ bản đồ số … theo Giấy chứng nhận …  số …, số vào sổ cấp GCN: … do … cấp ngày ... Toàn bộ thửa đất và nhà ở nêu trên có các đặc điểm cụ thể như sau:

Thửa đất:

- Diện tích: .. m2 (… mét vuông);

- Hình thức sử dụng:

+ Riêng: … m2 (… mét vuông);

+ Chung: ...

- Mục đích sử dụng: …;

- Thời hạn sử dụng: …;

- Nguồn gốc sử dụng: ...

Trước khi chết, ông/bà … không để lại di chúc và cũng không để lại một nghĩa vụ tài sản nào.

Chúng tôi xin cam đoan những điều chúng tôi khai trên đây là hoàn toàn đúng sự thật. Ngoài chúng tôi, những người có tên nêu trên, ông/bà … không còn có người thừa kế nào khác.

Nếu có người nào chứng minh được họ là người thừa kế hợp pháp của ông/bà … thì chúng tôi cùng liên đới chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật, không yêu cầu người công chứng/người chứng thực văn bản này phải chịu trách nhiệm gì về việc này.

II. THỎA THUẬN PHÂN CHIA DI SẢN THỪA KẾ:

Bằng văn bản này, chúng tôi đồng ý thỏa thuận phân chia di sản do ông/bà … để lại theo Giấy chứng nhận nêu trên như sau:

…, … và … đồng ý tặng cho toàn bộ quyền hưởng di sản của mỗi người đối với di sản thừa kế do … để lại theo Giấy chứng nhận nêu trên cho ….

Ông/bà … đồng ý nhận quyền hưởng di sản được các đồng thừa kế tặng cho nêu trên, cùng với kỷ phần thừa kế mà ông/bà được hưởng của vợ/chồng để được quyền thừa kế toàn bộ di sản do … để lại, cộng với quyền sử dụng phần thửa đất và phần nhà ở thuộc quyền sử dụng, sở hữu của ông/bà trong khối tài sản chung vợ chồng để được quyền sử dụng, sở hữu toàn bộ thửa đất và nhà ở tại địa chỉ theo Giấy chứng nhận nêu trên.

Kể từ ngày ký Văn bản này, ông/bà … có toàn quyền thực hiện các thủ tục để đăng ký thay đổi chủ sử dụng thửa đất và chủ sở hữu nhà ở nêu trên theo quy định của pháp luật (nếu làm hợp đồng cho tặng/chuyển nhượng đồng thời với văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế thì bỏ phần này).

Chúng tôi đã tự đọc toàn văn văn bản này, đã hiểu rõ nội dung và trách nhiệm của mình khi lập và ký văn bản này, cùng ký tên dưới đây để làm bằng chứng.

Hoặc (nếu có người làm chứng thì ghi phần trên như sau)

Chúng tôi đã nghe người làm chứng là … đọc nguyên văn văn bản này; ông/bà …, ông/bà … cũng đã tự đọc lại nguyên văn văn bản này. Chúng tôi đã hiểu rõ nội dung và trách nhiệm của mình khi lập và ký văn bản này, cùng ký tên, điểm chỉ dưới đây để làm bằng chứng.

NHỮNG NGƯỜI THỎA THUẬN PHÂN CHIA DI SẢN THỪA KẾ

NHỮNG NGƯỜI LÀM CHỨNG  

Kết luận: Mẫu văn bản thỏa thuận phân chia thừa kế đất nông nghiệp bố mẹ để lại bạn có thể tham khảo theo mẫu mà chúng tôi đăng tải ở trên.

Trong trường hợp bạn đề nghị công chứng viên hoặc người có thẩm quyền tiếp nhận, xử lý, chứng thực văn bản thỏa thuận phân chia di sản thì có thể tham khảo, sử dụng mẫu của các đơn vị này.

chia thua ke dat nong nghiep


4. Chi phí nhận thừa kế đất nông nghiệp là bao nhiêu?

Khi chia thừa kế đất nông nghiệp do bố mẹ để lại, những người nhận thừa kế sẽ phải chịu các khoản chi phí cơ bản sau đây:

Các khoản chi phí

Mức tiền phải chịu

Căn cứ pháp luật

Nghĩa vụ tài chính, nghĩa vụ dân sự phát sinh từ di sản thừa kế

Tùy từng giao dịch

Bộ luật Dân sự 2015 và các văn bản khác có liên quan

Chi phí tách thửa đất

Tùy thuộc quy định của từng địa phương hoặc thỏa thuận giữa bên đo đạc và người sử dụng đất

Luật Đất đai 2013 và các văn bản khác có liên quan

Lệ phí trước bạ

0,5% giá trị tài sản được nhận (trừ trường hợp được miễn)

Nghị định 10/2022/NĐ-CP

Thuế thu nhập cá nhân

10% giá trị tài sản được nhận (trừ trường hợp được miễn)

  • Thông tư 111/2013/TT-BTC,

  • Thông tư 92/2015/TT-BTC

Phí thẩm định hồ sơ, lệ phí đăng ký biến động (lệ phí cấp giấy chứng nhận)

Tùy thuộc từng địa phương nơi có đất

Thông tư 85/2019/TT-BTC

Chi phí ký công chứng, chứng thực văn bản nhận di sản thừa kế

  • Tùy thuộc giá trị tài sản nếu ký công chứng;
  • 50.000 đồng/văn bản nếu ký chứng thực;
  • Thông tư 257/2016/TT-BTC;
  • Thông tư 226/2016/TT-BTC

Như vậy, chi phí chia thừa kế đất nông nghiệp/sang tên sổ đỏ đất nông nghiệp là di sản thừa kế bố mẹ để lại bao gồm các khoản chi phí như chúng tôi đã nêu ở trên.

Trên đây là giải đáp thắc mắc về chia thừa kế đất nông nghiệp, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006192 để được hỗ trợ.
Nguyễn Văn Việt

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Việt

Công ty Luật TNHH I&J - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Văn bản liên quan

Có thể bạn quan tâm

X