hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Sáu, 05/05/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Chia thừa kế theo di chúc: Điều kiện, chi phí, thủ tục như thế nào?

Chia thừa kế theo di chúc được thực hiện như thế nào theo quy định 2023? Điều kiện, chi phí, hồ sơ chia thừa kế theo di chúc bao gồm những gì? Cùng HieuLuat tìm hiểu rõ trong bài viết dưới đây.

Mục lục bài viết
  • Điều kiện chia thừa kế theo luật thừa kế đất đai có di chúc thế nào?
  • Cách chia thừa kế theo di chúc ra sao?
  • Chi phí chia thừa kế theo di chúc là bao nhiêu?
Câu hỏi: Xin chào Luật sư, mẹ tôi qua đời vào năm 2015. Trước khi mất, mẹ có để lại di chúc.

Tài sản được định đoạt bao gồm nhà đất, xe ô tô, 1 quyển sổ tiết kiệm tại ngân hàng A với trị giá khoảng hơn 2 tỷ.

Nay, chúng tôi có nhu cầu chia di sản thừa kế mà mẹ tôi để lại để lấy vốn cho anh trai tôi kinh doanh.

Mong Luật sư hướng dẫn để gia đình tôi được biết về điều kiện, trình tự, chi phí, hồ sơ thực hiện nhận di sản thừa kế này.

Cảm ơn đã hỗ trợ.

Chào bạn, những vướng mắc về điều kiện, chi phí, thủ tục chia thừa kế theo di chúc trong trường hợp của bạn được chúng tôi giải đáp chi tiết như sau đây:

Điều kiện chia thừa kế theo luật thừa kế đất đai có di chúc thế nào?

Gia đình bạn được chia thừa kế theo di chúc (trong trường hợp không có tranh chấp) nếu thỏa mãn các điều kiện được quy định tại Bộ luật Dân sự 2015 và tại các luật chuyên ngành điều chỉnh về điều kiện chia thừa kế đối với từng loại tài sản.

Ví dụ như Luật Đất đai 2013, Luật Công chứng 2014 hoặc Nghị định 23/2015/NĐ-CP,..

Các điều kiện này bao gồm về hình thức, nội dung, đối tượng chia thừa kế,..., cụ thể như sau:

  • Di chúc phải là di chúc hợp pháp theo quy định tại Điều 630 Bộ luật Dân sự 2015 như hình thức không trái quy định của pháp luật (bằng miệng, bằng văn bản có người làm chứng, bằng văn bản có công chứng…), người lập di chúc phải minh mẫn, tỉnh táo, sáng suốt, không bị đe dọa, lừa dối, cưỡng ép,...;

  • Là di chúc có hiệu lực pháp luật theo quy định tại Điều 643 Bộ luật Dân sự như người nhận sống, tài sản còn tồn tại vào thời điểm chia di sản…;

  • Di chúc phải còn nguyên vẹn tại thời điểm chia thừa kế;

  • Thực hiện nhận di sản thừa kế theo trình tự các bước luật định;

  • Những người được nhận di sản thừa kế theo di chúc không từ chối nhận di sản;

  • Còn tài sản để chia sau khi đã thực hiện các nghĩa vụ tài sản, chi phí liên quan đến thừa kế (nếu có), di tặng, để lại một phần tài sản dùng vào việc thờ cúng, chia cho những người được hưởng di sản thừa kế không phụ thuộc vào nội dung di chúc;

  • Người được nhận di sản theo di chúc không thuộc trường hợp không đủ điều kiện để nhận, ví dụ như không đủ giấy tờ để chứng minh quyền nhận di sản, không là người được chia quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 186 Luật Đất đai 2013,...;

Như vậy, từ quy định của pháp luật, thông tin bạn cung cấp và thực tế, chúng tôi cung cấp cho bạn những điều kiện cơ bản nhất để được chia thừa kế theo di chúc mà mẹ bạn đã lập.

Đây là những điều kiện cần để bạn có thể nhận được di sản thừa kế từ mẹ của mình.

Điều kiện đủ là bạn phải thực hiện đăng ký sang tên, xác nhận quyền sở hữu của mình đối với tài sản tại cơ quan có thẩm quyền, chi tiết được chúng tôi trình bày ở phần dưới.

Cách chia thừa kế theo di chúcCách chia thừa kế theo di chúc 

Cách chia thừa kế theo di chúc ra sao?

Như chúng tôi đã trình bày, để được chia thừa kế theo di chúc thì phải đảm bảo các điều kiện luật định (điều kiện cần).

Khi đã đảm bảo điều kiện cần, gia đình bạn thực hiện thủ tục chia thừa kế, nhận di sản thừa kế theo di chúc qua các bước theo quy định của Luật Công chứng 2014 hoặc Nghị định 23/2015/NĐ-CP như: Họp mặt những người được nhận di sản thừa kế theo di chúc, lập văn bản khai nhận/thỏa thuận phân chia di sản thừa kế theo di chúc, thực hiện đăng ký sang tên quyền sử dụng đất/quyền sở hữu tài sản theo quy định.

Chi tiết các công việc được thực hiện trong từng bước nhận tài sản thừa kế như sau:

Bước 1: Họp mặt những người được nhận di sản theo di chúc

Người có tên trong di chúc hợp pháp, có hiệu lực và những người được nhận di sản thừa kế không phụ thuộc nội dung di chúc (gồm con chưa thành niên, cha, mẹ, chồng, con thành niên mà không có khả năng lao động của mẹ bạn) thực hiện họp mặt để thỏa thuận một số vấn đề:

  • Cách thức phân chia di sản;

  • Cử người phân chia di sản, người quản lý di sản và xác định quyền, nghĩa vụ của họ nếu di chúc không đề cập/chỉ định;

  • Lập biên bản về việc họp mặt và thỏa thuận các nội dung của buổi họp mặt này;

Bước 2: Lập văn bản khai nhận/thỏa thuận phân chia di sản thừa kế theo di chúc

Tại bước này, những người được hưởng di sản thừa kế theo di chúc của mẹ bạn, cơ quan công chứng/chứng thực tiến hành các công việc sau:

Người được nhận di sản

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền công chứng/chứng thực văn bản nhận di sản thừa kế theo di chúc

  • Thanh toán các khoản chi phí về nghĩa vụ tài sản được phân chia theo di chúc, các khoản chi phí khác liên quan đến thừa kế (nếu có) trước khi thực hiện phân chia tài sản theo di chúc;

  • Các khoản chi phí này có thể gồm chi phí mai táng, thuế phí về tài sản, tiền bồi thường thiệt hại, các khoản nợ, tiền phạt,...;

  • Liên hệ với tổ chức hành nghề công chứng hoặc cơ quan tư pháp cấp xã hoặc cấp huyện có thẩm quyền để lập văn bản nhận di sản có công chứng/chứng thực;

  • Thỏa thuận về việc phân chia di sản theo di chúc sau khi đã thực hiện thanh toán các nghĩa vụ tài sản, chi phí liên quan đến thừa kế (nếu có);

  • Trường hợp nếu muốn tách riêng thành từng thửa đất khi phân chia thì người được nhận di sản thừa kế còn phải lập hồ sơ đề nghị xin tách thửa đất đồng thời với việc nhận di sản thừa kế trước khi văn bản thỏa thuận phân chia di sản được công chứng/chứng thực;

  • Kết quả của việc lập hồ sơ xin tách thửa là văn bản xác nhận của cơ quan Nhà nước về việc đủ điều kiện tách thửa;

  • Niêm yết việc thụ lý công chứng/chứng thực văn bản thỏa thuận phân chia di sản theo di chúc;

  • Chứng nhận/chứng thực việc thỏa thuận phân chia di sản thừa kế theo di chúc sau thời hạn niêm yết (15 ngày) nếu không có tranh chấp phát sinh trong thời hạn niêm yết;

  • Nội dung của văn bản được thực hiện theo di chúc và theo nội dung thỏa thuận của người được nhận di sản;

  • Trả kết quả cho người yêu cầu công chứng/chứng thực;

Điều kiện chia thừa kế theo di chúcĐiều kiện chia thừa kế theo di chúc

Bước 3: Đăng ký sang tên quyền sử dụng đất/quyền sở hữu tài sản tại cơ quan có thẩm quyền

  • Văn bản thỏa thuận phân chia di sản thừa kế theo di chúc là căn cứ để cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện xác nhận biến động về quyền sử dụng đất, chấp thuận yêu cầu đăng ký thay đổi quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất, hoặc tài sản phải đăng ký quyền sở hữu khác;

    • Đối với việc rút tiền ở sổ tiết kiệm tại ngân hàng thì những người đồng thừa kế còn phải lập văn bản ủy quyền (thường phải là hợp đồng ủy quyền) cho 1 người trong số những người được nhận thừa kế thực hiện thủ tục rút tiền, tất toán sổ tiết kiệm tại ngân hàng;

    • Khi thực hiện thủ tục rút tiền tiết kiệm tại ngân hàng, người được nhận ủy quyền cần mang theo giấy tờ tùy thân, văn bản ủy quyền, văn bản thỏa thuận phân chia di sản đã được công chứng/chứng thực;

  • Người có nghĩa vụ, trách nhiệm thực hiện đăng ký sang tên sổ đỏ nhà đất, sang tên các tài sản có đăng ký khác chuẩn bị hồ sơ theo quy định pháp luật;

    • Đối với nhà đất thì gồm có 1 số giấy tờ cơ bản như: Văn bản thỏa thuận phân chia di sản, giấy tờ tùy thân của các bên, đơn đăng ký biến động mẫu 09/ĐK, văn bản thỏa thuận phân chia, sổ hồng (bản chính),...;

    • Đối với tài sản phải đăng ký khác thì giấy tờ cần chuẩn bị thường có: Văn bản thỏa thuận phân chia di sản theo di chúc, giấy tờ do cơ quan Nhà nước cấp xác định quyền sở hữu đối với tài sản, giấy tờ tùy thân của người đăng ký,...;

  • Người yêu cầu nộp toàn bộ hồ sơ, giấy tờ theo quy định tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ, nhận phiếu tiếp nhận;

  • Người yêu cầu đăng ký sang tên quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo thông báo trước khi nhận kết quả là giấy chứng nhận hoặc giấy tờ xác nhận quyền sở hữu đối với tài sản;

Lưu ý:

  • Nếu di chúc mà mẹ bạn để lại không xác định rõ phần của từng người được hưởng thì tài sản được chia đều cho những người được chỉ định trong di chúc, trừ trường hợp những người nhận thừa kế có thỏa thuận khác;

  • Đối với trường hợp trong quá trình thực hiện nhận, chia di sản thừa kế theo di chúc mà có phát sinh tranh chấp thì việc lập văn bản thỏa thuận phân chia di sản, sang tên quyền sở hữu… được thực hiện sau khi đã giải quyết xong tranh chấp;

  • Việc giải quyết tranh chấp có thể được các bên tự thương lượng, hòa giải hoặc yêu cầu Tòa án nhân dân có thẩm quyền xử lý;

Như vậy, việc phân chia thừa kế theo di chúc được thực hiện theo các bước cơ bản mà chúng tôi đã liệt kê ở trên, như họp mặt người được nhận, lập văn bản thỏa thuận phân chia, tiến hành nộp hồ sơ đăng ký sang tên,...

Ngoài các vấn đề về trình tự, thủ tục thì người nhận di sản thừa kế theo di chúc cũng phải quan tâm đến các khoản chi phí phải chịu cho từng giai đoạn thực hiện nhận di sản.

Đây là các khoản chi phí mà họ buộc phải chịu nếu muốn nhận di sản thừa kế hợp pháp.

Chi tiết các khoản chi phí, cách tính toán các khoản chi phí này được chúng tôi trình bày ở phần dưới.

Chi phí chia thừa kế theo di chúcChi phí chia thừa kế theo di chúc 

Chi phí chia thừa kế theo di chúc là bao nhiêu?

Trước hết, chi phí chia thừa kế theo di chúc được hiểu là khoản tiền mà người nhận di sản có nghĩa vụ, trách nhiệm đóng nộp, chi trả cho cá nhân, cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Các khoản chi phí này thường được tính trừ vào giá trị tài sản thừa kế trước khi tiến hành khai nhận di sản/thỏa thuận phân chia di sản hoặc do người được nhận di sản tự chịu.

Chi phí này được tính toán theo từng giai đoạn như trước khi tiến hành phân chia (các khoản phí liên quan đến tài sản), khi thực hiện phân chia tài sản tại tổ chức hành nghề công chứng/cơ quan có thẩm quyền, giai đoạn đăng ký quyền sở hữu/sang tên quyền sử dụng đất hợp pháp.

Chi tiết như chúng tôi liệt kê dưới đây:

Một là, khoản phí phải chịu trước khi tiến hành thỏa thuận phân chia di sản

Căn cứ Điều 658 Bộ luật Dân sự 2015, các khoản tiền mà người được nhận di sản có nghĩa vụ, trách nhiệm thanh toán gồm có:

  • Chi phí hợp lý cho việc mai táng;

  • Chi phí là tiền cấp dưỡng, tiền chi cho việc bảo quản di sản thừa kế, tiền trợ cấp, tiền công lao động;

  • Tiền bồi thường thiệt hại, tiền thuế, các khoản nghĩa vụ tài chính khác của tài sản đối với Nhà nước;

  • Tiền phạt, khoản nợ đối với người khác, các khoản chi phí khác;

Hai là, chi phí phải chịu khi thực hiện nhận di sản thừa kế

Tại đây, người nhận di sản phải chịu các khoản chi phí gồm:

  • Thù lao công chứng/chứng thực: Theo quy định của từng tỉnh;

  • Phí công chứng văn bản thỏa thuận phân chia di sản được tính theo giá trị tài sản phân chia được quy định tại Thông tư 257/2016/TT-BTC;

    • Ví dụ như giá trị tài sản từ trên 1 tỷ đến 3 tỷ thì phí công chứng khoảng 1 - 2,8 triệu đồng, giá trị tài sản từ trên 3 tỷ đến 5 tỷ thì phí công chứng khoảng 2,2 - 4,5 triệu đồng,...;

  • Chi phí ký văn bản ủy quyền (nếu có): 50.000 đồng/1 trường hợp;

  • Chi phí đo đạc, tách thửa đất (nếu có): Được tính toán theo quy định của từng tỉnh, thành phố nơi có nhà đất;

  • Phí chứng thực bản sao từ bản chính các loại giấy tờ để thực hiện đăng ký sang tên: Tối đa 200.000 đồng/1 bản, thường 2.000 đồng/1 trang thứ 1, 2, từ trang thứ 3 là 1.000 đồng/1 trang;

  • Chi phí công chứng bản dịch (nếu có): 10.000 đồng/1 trang đối với bản dịch thứ 1;

    • Nếu có các bản dịch từ trang thứ 2 trở đi thì chi phí này là 5.000 đồng/1 trang thứ 1, thứ 2; trang thứ 3 là tính 3.000 đồng/1 trang, tối đa là 200.000 đồng/bản dịch;

  • Chi phí dịch thuật (nếu tổ chức hành nghề công chứng có cộng tác viên dịch thuật): Theo thỏa thuận;

Có thể giải quyết tranh chấp khi chia thừa kế theo di chúc tại tòa ánCó thể giải quyết tranh chấp khi chia thừa kế theo di chúc tại tòa án

Ba là, các khoản chi phí khi thực hiện đăng ký sang tên sổ đỏ/biến động quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất

  • Lệ phí trước bạ: 0,5% giá trị tài sản là nhà và đất tính theo giá trong bảng giá đất;

  • Phí thẩm định hồ sơ, lệ phí cấp giấy chứng nhận: Theo quy định của từng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có nhà, đất;

  • Thuế thu nhập cá nhân (nếu có), trong trường hợp không được miễn: 10% giá trị tài sản nhà đất tính theo giá của bảng giá đất do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có nhà đất ban hành;

  • Thù lao ủy quyền thực hiện công việc đăng ký biến động/sang tên (nếu có): Nếu người nhận di sản không tự mình thực hiện nộp hồ sơ, nhận kết quả yêu cầu sang tên sổ đỏ mà nhờ người khác thực hiện, có trả thù lao thì mức thù lao phải trả được tính theo thỏa thuận của các bên;

Như vậy, các khoản chi phí chia thừa kế theo di chúc mà người nhận thừa kế phải chịu gồm các khoản như chúng tôi đã nêu ở trên.

Đây là những khoản phí cơ bản nhất mà người nhận di sản thừa kế có nghĩa vụ chi trả.

Trên đây là giải đáp thắc mắc về chia thừa kế theo di chúc, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006199 để được hỗ trợ.

Nguyễn Văn Việt

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Việt

Công ty Luật TNHH I&J - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X