Chiếm đoạt tài sản dưới hình thức lừa đảo là hành vi phạm tội phổ biến hiện nay, nhất là qua không gian mạng. Vậy, người phạm tội chiếm đoạt tài sản bao nhiêu thì bị truy tố? Bài viết dưới đây sẽ làm rõ về vấn đề này.
Lừa đảo chiếm đoạt bao nhiêu tiền thì bị đi tù?
Theo như bạn trình bày, hành vi của người kia đã có dấu hiệu lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tùy vào giá trị tài sản chiếm đoạt được, người có hành vi lừa đảo có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định pháp luật.
Cụ thể, theo Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi năm 2017, người dùng thủ đoạn gian dối như: Nói dối, giải mạo giấy tờ, giả danh cơ quan Nhà nước… để chiếm đoạt tài sản của người khác thì sẽ bị truy tố về Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản nếu giá trị tài sản chiếm đoạt từ 02 triệu đồng trở lên.
Ngoài ra, người chiếm đoạt tài sản dưới 02 triệu đồng vẫn có thể bị truy tố trách nhiệm hình sự nếu:
- Đã bị phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản của mà còn vi phạm;
- Đã bị kết án về tội này hoặc một trong các tội: cướp tài sản; bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản; cướp giật tài sản; cưỡng đoạt tài sản; trộm cắp tài sản; công nhiên chiếm đoạt tài sản; lạm dụng uy tín nhằm chiếm đoạt tài sản… chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
- Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự và an toàn xã hội;
- Tài sản bị chiếm đoạt là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.
Như vậy, hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản có giá trị dưới 02 triệu đồng sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu thuộc một trong các trường hợp nêu trên.
Cũng theo quy định tại khoản 1 Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi 2017, hình phạt với người có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản có giá trị dưới 02 triệu đồng nhưng thuộc trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự như sau:
- Phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm; hoặc
- Phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Bên cạnh đó, người này còn có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 100 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm hoặc tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.
Lừa đảo chiếm đoạt tài sản bao nhiêu thì bị truy tố? (Ảnh minh họa)
Bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua Zalo, phải làm gì?
Hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng không còn xa lạ hiện nay. Nếu không tỉnh táo, người dùng mạng xã hội sẽ rất dễ bị “dính bẫy”. Vậy người dân phải làm gì khi bỗng một này mình trở thành “nạn nhân”?
Dưới góc độ pháp ký, khi bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản, người bị thiệt hại có thể khởi kiện dân sự yêu cầu đòi lại tài sản hoặc tố cáo tới cơ quan Công an. Cụ thể:
- Về khởi kiện dân sự tại Tòa án, căn cứ Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, bạn cần chuẩn bị các giấy tờ sau:
+ Đơn khời kiện;
+ Các giấy tờ liên quan đến hành vi lừa đảo: Hóa đơn giấy tờ chuyển tiền, tin nhắn, đoạn chat mua bán hàng hóa, yêu cầu chuyển tiền,....
+ Giấy tờ cá nhân của người khởi kiện: Giấy chứng minh nhân dân, hộ khẩu (bản sao có công chứng).
- Tố cáo tới Cơ quan công an nơi cư trú, trong đó bạn cần lưu ý về trình tự tố cáo, mẫu đơn tố cáo,…
Có thể làm đơn gửi đến cơ quan có thẩm quyền qua đường bưu điện hoặc đến trực tiếp cơ quan. Trong đơn tố cáo cần có nội dung chính gồm:
- Tên cơ quan nhận đơn;
- Họ, tên, địa chỉ của người tố cáo;
- Họ, tên, địa chỉ của người có quyền, lợi ích hợp pháp bị xâm hại (nếu có);
- Họ, tên, địa chỉ của người bị tố cáo;
- Họ, tên, địa chỉ của người có quyền và nghĩa vụ liên quan;
- Nêu rõ hành vi vi phạm pháp luật của người bị tố cáo; những vấn đề cụ thể yêu cầu cơ quan tiếp nhận Đơn tố cáo giải quyết và các tài liệu, chứng cứ để chứng minh cho việc tố cáo của mình là có căn cứ và hợp pháp.