hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Bảy, 11/06/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Chỉnh lý sổ mục kê được thực hiện thế nào?

Sổ mục kê cũng là một trong những loại giấy tờ của cơ sở dữ liệu đất đai (nơi lưu trữ các thông tin về thửa đất). Vậy nguyên tắc để lập sổ mục kê là gì? Cách chỉnh lý sổ mục kê được thực hiện ra sao?

 

Câu hỏi: Chào Luật sư, tôi đang công tác trong lĩnh vực đo đạc đất đai, tôi có một vài câu hỏi liên quan đến sổ mục kê muốn tham vấn ý kiến của Luật sư như sau:

1. Sổ mục kê được lập dựa trên những nguyên tắc nào? Trong đó bao gồm các thông số gì?

2. Cách chỉnh lý thông tin trong sổ mục kê được thực hiện ra sao?

Chào bạn, liên quan đến vướng mắc về cách chỉnh lý sổ mục kê, nguyên tắc lập sổ mục kê của bạn, chúng tôi giải đáp như sau:

Nguyên tắc lập sổ mục kê ra sao?

Điều 20 Thông tư 25/2014/TT-BTNMT quy định về một số đặc điểm cần phải chú ý hay một số nguyên tắc cơ bản trong việc lập sổ mục kê như sau:

- Sổ mục kê được lập trong phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nhằm liệt kê các thửa đất và đối tượng chiếm đất không tạo thành thửa đất theo kết quả đo vẽ lập, chỉnh lý bản đồ địa chính, trích đo địa chính thửa đất của xã đó;

- Nội dung chính của sổ mục kê gồm:

2. Nội dung sổ mục kê đất đai gồm số thứ tự tờ bản đồ địa chính, mảnh trích đo địa chính; số thứ tự thửa đất, đối tượng chiếm đất không tạo thành thửa đất; tên người sử dụng, quản lý đất; mã đối tượng sử dụng, quản lý đất; diện tích; loại đất (bao gồm loại đất theo hiện trạng, loại đất theo giấy tờ pháp lý về quyền sử dụng đất).

- Sổ mục kê được lập theo mẫu tại Phụ lục số 15 ban hành theo Thông tư 25/2014/TT-BTNMT và được thực hiện sau khi hoàn thành việc biên tập mảnh bản đồ địa chính, mảnh trích đo địa chính theo quy định pháp luật;

- Sổ mục kê được lập dưới dạng số, vị trí lưu giữ là trong cơ sở dữ liệu đất đai;

- Sổ mục kê được in cùng với bản đồ địa chính để lưu trữ (lưu trữ tại cơ quan Nhà nước theo quy định) và được sao để sử dụng đối với nơi chưa có điều kiện khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu đất đai theo quy định pháp luật.

Như vậy, khi lập sổ mục kê thì cần tuân thủ những nguyên tắc, yêu cầu cơ bản như trên.

chinh ly so muc ke


Quy định về cách chỉnh lý sổ mục kê thế nào?

Trước hết, tại Phụ lục 15 ban hành tại Thông tư 25/2014/TT-BTNMT, mẫu sổ mục kê được lập thống nhất trên cả nước như sau:

PHỤ LỤC SỐ 15

MẪU SỔ MỤC KÊ ĐẤT ĐAI

(Mẫu các trang đầu)

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

----------------

SỔ MỤC KÊ ĐẤT ĐAI

TỈNH: …………………………………… Mã:

HUYỆN: ……………………………….. Mã:

XÃ: ……………………………………... Mã:

Quyển số:

…………. ngày ……. tháng …… năm ……..

GIÁM ĐỐC

VĂN PHÒNG ĐĂNG KÝ ĐẤT ĐAI

(VĂN PHÒNG ĐĂNG KÝ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT)

(Ký, đóng dấu)

………, ngày ….. tháng …… năm…..

GIÁM ĐỐC

SỞ TÀI NGUYÊN VÀ MÔI TRƯỜNG

(Ký, đóng dấu)

(Mẫu các trang nội dung sổ mục kê đất đai)

Trang số ……

Tờ bản đồ số

Thửa đất số

Tên người sử dụng, quản lý đất

Mã đối tượng sử dụng, quản lý đất

Hiện trạng sử dụng đất

Giấy tờ pháp lý về QSDĐ

Ghi chú

Diện tích (m2)

Loại đất

Diện tích (m2)

Loại đất

(1)

(2)

(3)

(4)

(5)

(6)

(7)

(8)

(9)

—   —

Lưu ý: Hướng dẫn cách ghi sổ mục kê đất đai (áp dụng trong trường hợp sổ mục kê đất đai ở dạng số) lần lượt theo từng cột trong trang nội dung của sổ mục kê:

- (1) Tờ bản đồ số: Ghi số thứ tự của tờ bản đồ địa chính hoặc mảnh trích đo địa chính trong phạm vi đơn vị hành chính cấp xã nơi có đất;

- (2) Thửa đất số: Ghi số thứ tự của thửa đất hoặc đối tượng chiếm đất không tạo thành thửa đất từ số 01 đến hết theo từng tờ bản đồ địa chính, từng mảnh trích đo địa chính được lập theo quy định pháp luật;

- (3) Tên người sử dụng, quản lý đất: Ghi "Ông (hoặc Bà)" +  họ và tên người đối với cá nhân, người Việt Nam định cư ở nước ngoài (ví dụ ông Nguyễn Văn A…); Hoặc ghi “Hộ ông (hoặc Hộ bà)” + ghi họ và tên chủ hộ đối với hộ gia đình (ví dụ hộ bà Nguyễn Ngọc H…);

+ Nếu là tổ chức thì ghi tên theo giấy tờ về việc thành lập, công nhận hoặc đăng ký kinh doanh, đầu tư;

+ Nếu là cơ sở tôn giáo hoặc cộng đồng dân cư thì ghi tên thường gọi của cơ sở tôn giáo/cộng đồng dân cư đó.

Lưu ý: Trong trường hợp có nhiều người sử dụng đất cùng sử dụng chung thửa đất (kể cả trường hợp hai vợ chồng, ngoại trừ đất có nhà chung cư) thì ghi lần lượt tên của từng người sử dụng chung vào các dòng dưới kế tiếp với dòng ban đầu ghi tên của người đầu tiên.

- (4) Mã đối tượng sử dụng, quản lý đất: Căn cứ mã (ký hiệu) theo quy định về thống kê, kiểm kê đất đai của Bộ Tài nguyên và Môi trường để ghi loại đối tượng sử dụng đất loại đối tượng quản lý đất tương ứng với các mã đó.

- (5) (7) Diện tích: Ghi diện tích tính theo đơn vị m2 (mét vuông) cho thửa đất. Diện tích này được làm tròn đến 01 (một) chữ số thập phân.

+ Nếu thửa đất do nhiều người sử dụng và xác định được diện tích sử dụng riêng của mỗi người trong khối tài sản chung đó thì ghi diện tích sử dụng riêng đó vào dòng tương ứng với tên người sử dụng đất đã được ghi ở cột (3) (cột Tên người sử dụng, quản lý).

+ Nếu đất ở và đất nông nghiệp (là đất vườn, ao) trong cùng một thửa thì ghi diện tích vào dòng dưới kế tiếp theo từng loại đất và ghi loại đất tương ứng vào cột (6) (8) (cột Loại đất).

Lưu ý:

(5) Là cột ghi diện tích thửa đất được đo vẽ theo hiện trạng sử dụng;

(7) Là cột ghi diện tích thửa đất theo Giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định pháp luật (ví dụ như Giấy chứng nhận hoặc quyết định giao đất, cho thuê đất hoặc giấy tờ pháp lý khác về quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013, Điều 18 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP).

- (6) (8) Loại đất:

+ Tại cột (6): Ghi loại đất theo hiện trạng sử dụng bằng mã quy định điểm 13, mục III của Phụ lục số 1 ban hành kèm theo Thông tư 25/2014/TT-BTNMT quy định về bản đồ địa chính;

+ Tại cột (8): Ghi loại đất theo Giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định pháp luật(ví dụ như Giấy chứng nhận,...) bằng mã theo quy định tại Thông tư 24/2014/TT-BTNMT quy định về hồ sơ địa chính. Nếu thửa đất thuộc khu dân cư nông thôn thì đánh thêm dấu sao "*" vào góc trên bên phải của mã loại đất tại cột (8) Loại đất

Nếu thửa đất được sử dụng vào nhiều mục đích thì ghi lần lượt từng mục đích, mỗi mục đích ghi một dòng. Nếu xác định được mục đích chính thì ghi thêm mã “-C” tiếp theo mã của mục đích chính, mục đích phụ được ghi thêm mã “-P” tiếp theo mã của mục đích phụ.

- (9) Ghi chú: Việc ghi chú thích được thực hiện trong các trường hợp sau:

+ Ghi “Đồng sử dụng đất” nếu thửa đất có nhiều người cùng sử dụng;

+ Ghi tên của loại bản đồ, sơ đồ sử dụng nếu thửa đất sử dụng tài liệu đo đạc không phải là bản đồ địa chính;

+ Ghi chú nội dung biến động theo quy định tại mục 2 Phụ lục 15 (hướng dẫn cách chỉnh lý sổ mục kê) nếu thửa đất có biến động.

=> Đây là mẫu sổ mục kê và cách ghi sổ mục kê hiện nay.

Việc chỉnh lý sổ mục kê được tiến hành theo nguyên tắc được quy định tại mục 2 của Phụ lục 15 của Thông tư 25/2014/TT-BTNMT, cụ thể như sau:

Một là, nếu thửa đất có thay đổi thông tin về tên người sử dụng, quản lý; Hoặc thay đổi loại đối tượng sử dụng, quản lý (ví dụ từ cá nhân thành tổ chức, từ cơ quan Nhà nước thành cá nhân…); Hoặc có thay đổi loại đất (ví dụ từ đất nông nghiệp thành đất ở,...) mà không tạo thành thửa đất mới (không mang số thửa mới) thì thực hiện chỉnh lý như sau:

- Xóa nội dung thay đổi (tên người sử dụng, tên loại đất,...) và ghi lại nội dung mới (sau khi thay đổi) vào cột tương ứng ở các trang nội dung theo mẫu quy định tại Mục 1 như chúng tôi đã nêu trên;

- Tại cột Ghi chú của trang nội dung sổ mục kê thì ghi chú thích nội dung có thay đổi. Ví dụ: “thửa đất số 15 nhận chuyển nhượng của ông Nguyễn Văn B”; “thửa đất số 13 chuyển mục đích sử dụng từ CLN”.

Hai là, nếu tách thửa đất thì gạch ngang bằng màu đỏ vào toàn bộ dòng ghi thửa đất cũ (thửa đất ban đầu trước khi tách).

Đồng thời, tại cột Ghi chú của trang nội dung thì ghi "Tách thành các thửa số…"; Và các thửa mới tách được ghi tiếp theo vào các dòng cuối của phần sổ mục kê đất đai (phần cuối của trang nội dung sổ mục kê) dành cho tờ bản đồ có thửa đất đó.

Ba là, nếu chỉnh lý thông tin trong trường hợp hợp thửa đất thì gạch ngang bằng màu đỏ vào toàn bộ dòng ghi các thửa đất cũ (thửa đất trước khi được hợp thửa), ghi "Hợp thửa:". Đồng thời, tại cột Ghi chú (cột ghi chú của trang nội dung sổ mục kê) thì ghi “Hợp thành thửa đất số...”.

Thửa đất mới hợp thành từ việc hợp thửa được ghi vào dòng cuối của phần sổ mục kê đất đai dành cho tờ bản đồ có thửa đất đó (thửa đất hợp thửa).

Trên đây là giải đáp thắc mắc về ​​chỉnh lý sổ mục kê, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006192 để được hỗ trợ.

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X