Thế nào là cho vay nặng lãi? Cho vay nặng lãi bao nhiêu phần trăm thì bị khởi tố? Cho vay nặng lãi đi tù bao nhiêu năm? Cùng tìm hiểu những vấn đề này qua bài viết dưới đây.
Thế nào là cho vay nặng lãi?
Thông thường, cho vay nặng lãi được hiểu là hành vi cho vay với lãi suất rất cao. Trong văn bản pháp luật, thuật ngữ được sử dụng chính xác là cho vay lãi nặng.
Cụ thể căn cứ khoản 1 Điều 2 Nghị quyết 01/2021/NQ-HĐTP có định nghĩa cho vay lãi nặng là trường hợp cho vay tiền với mức lãi suất gấp 05 lần trở lên so với mức lãi suất được quy định tại khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015.
Đối chiếu với quy định tại khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015, thì mức lãi suất cao nhất hiện nay được quy định là 20%/năm của khoản tiền vay, trừ trường hợp tại luật khác có liên quan quy định khác.
Như vậy, pháp luật cho phép 02 bên được thỏa thuận mức lãi suất tuy nhiên mức lãi suất cao nhất được quy là 20%/năm. Trong đó, nếu cho vay với lãi suất từ 100%/ năm trở lên (gấp 05 lần trở lên mức lãi suất cao nhất theo quy định) thì được xem là cho vay lãi nặng.
Cho vay nặng lãi bao nhiêu phần trăm thì bị khởi tố?
Cho vay nặng lãi bao nhiêu phần trăm thì bị khởi tố?
Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi 2017 có quy định như sau:
“Tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự
1. Người nào trong giao dịch dân sự mà cho vay với lãi suất gấp 05 lần trở lên của mức lãi suất cao nhất quy định trong Bộ luật Dân sự, thu lợi bất chính từ 30.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm.”
Theo đó, hành vi cho vay lãi suất từ 100%/năm trở lên (gấp 05 lần trở lên mức lãi suất cao nhất theo quy định) thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu thuộc một trong những trường hợp sau:
- Thứ nhất là có thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên;
- Thứ hai là trường hợp đã bị xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi tương tự nhưng vẫn vi phạm;
- Thứ ba là trường hợp đã bị kết án về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự vẫn chưa được xóa án tích mà lại vi phạm.
Tóm lại, người cho vay nặng lãi từ 100%/năm trở lên có thể bị khởi tố hoặc không. Điều này còn phụ thuộc vào các yếu tố khác có thỏa mãn cấu thành tội phạmđược quy định tại Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015.
Cho vay nặng lãi 3 nghìn đồng một ngày trên 1 triệu có được xem là phạm tội không?
Trước hết chúng ta cần tính lãi suất đối với trường hợp này như sau: 3.000 đồng/01 triệu đồng/ngày tương đương với lãi suất 9%/tháng và 108%/năm.
Như vậy, việc cho vay lãi 3.000 đồng một ngày trên 01 triệu được xem là hành vi cho vay lãi nặng, do đã vượt quá 05 lần mức lãi suất cao nhất theo quy định tại khoản 1 Điều 468 Bộ luật Dân sự 2015.
Hành vi cho vay lãi 3.000 đồng một ngày trên 01 triệu được xem là hành vi vi phạm pháp luật và có thể bị xử phạt vi phạm hành chính hoặc có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Đồng thời dựa trên nội dung đã phân tích, hành vi cho vay lãi nặng vượt quá 05 lần trở lên so với mức lãi suất cao nhất có dấu hiệu cấu thành Tội phạm cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự. Tuy nhiên, hành vi cho vay lãi 3 nghìn đồng một ngày trên 1 triệu có thể được xem là phạm tội và bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu thuộc một trong những trường hợp sau:
- Thứ nhất là có thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng trở lên;
- Thứ hai là trường hợp đã bị xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi tương tự nhưng vẫn vi phạm;
- Thứ ba là trường hợp đã bị kết án về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự vẫn chưa được xóa án tích mà lại vi phạm.
Tóm lại, việc cho vay lãi 03 nghìn đồng một ngày trên 01 triệu là hành vi cho vay lãi nặng và là dấu hiệu để truy cứu trách nhiệm hình sự nếu thỏa mãn các yếu tố cấu thành khác của tội phạm cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự .
Cho vay nặng lãi đi tù bao nhiêu năm?
Căn cứ quy định tại Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi năm 2017, tội cho vay lãi nặng có 02 khung hình phạt là:
- Khung cơ bản: Bị phạt tiền từ 50 triệu đồng - 200 triệu đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm (không áp dụng hình phạt tù) đối với những trường hợp cho vay lãi nặng và thuộc những trường hợp sau:
Thu lợi bất chính từ hơn 30 triệu đồng trở lên;
Đã bị xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi tương tự những vẫn vi phạm;
Đã bị kết án về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự vẫn chưa được xóa án tích mà lại vi phạm.
- Khung tăng nặng: Phạt tiền từ 200 triệu đồng - 01 tỷ đồng hoặc phạt tù từ 06 tháng - 03 năm đối với những trường hợp cho vay lãi nặng mà thu lợi bất chính từ 100 triệu đồng trở lên.
Tóm lại, người thực hiện hành vi cho vay nặng lãi có thể bị phạt tiền lên đến 01 tỷ đồng hoặc bị phạt tù đến 03 năm theo quy định tại Điều 201 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi bởi Bộ luật Hình sự sửa đổi 2017).
Trên đây là thông tin về vấn đề cho vay nặng lãi bao nhiêu phần trăm thì bị khởi tố. Nếu có bất cứ thắc mắc nào, vui lòng liên hệ theo hotline 19006192 để được hỗ trợ nhanh nhất.