Trong hôn nhân, khi xảy ra tranh chấp về nghĩa vụ hay tài sản chung có rất nhiều vấn đề rắc rối. Không ít trường hợp chồng tự ý bán đi tài sản chung nhưng vợ phải một mình gánh nợ.
Chồng lừa bán tài sản chung, vợ có phải trả khoản vay mua?
Như trình bày của bạn, chồng bạn mua ô tô và bạn cũng ký vay với ngân hàng. Điều này có nghĩa là đây là khoản vay chung của hai vợ chồng bạn và hai vợ chồng phải liên đới trả nợ.
Theo quy định tại Điều 466 Bộ luật Dân sự 2015, bên vay tài sản là tiền có nghĩa vụ trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.Ngoài ra, theo Điều 37 Luật Hôn nhân và Gia đình, vợ chồng có các nghĩa vụ chung về tài sản sau đây:
- Nghĩa vụ phát sinh từ giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập, nghĩa vụ bồi thường thiệt hại mà theo quy định của pháp luật vợ chồng cùng phải chịu trách nhiệm;
- Nghĩa vụ do vợ hoặc chồng thực hiện nhằm đáp ứng nhu cầu thiết yếu của gia đình;
- Nghĩa vụ phát sinh từ việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung;
- Nghĩa vụ phát sinh từ việc sử dụng tài sản riêng để duy trì, phát triển khối tài sản chung hoặc để tạo ra nguồn thu nhập chủ yếu của gia đình;
- Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con gây ra mà theo quy định của Bộ luật dân sự thì cha mẹ phải bồi thường;
- Nghĩa vụ khác theo quy định của các luật có liên quan.
Trường hợp của bạn là giao dịch do vợ chồng cùng thỏa thuận xác lập nên vợ, chồng có nghĩa vụ chung cùng nhau trả nợ. Chồng bạn đang bị tạm giam để điều tra thì bạn vẫn có nghĩa vụ trả khoản nợ hai vợ chồng đứng ra vay ngân hàng.
Chồng tự ý bán tài sản chung thì ai phải trả nợ? (Ảnh minh họa)
Không trả được nợ ngân hàng có sao không?
Theo trình bày phía trên, bạn đã ký vào hợp đồng vay nên phải có nghĩa vụ trả nợ cho ngân hàng.
Trong trường hợp bạn và chồng không còn khả năng trả nợ cho ngân hoặc bạn thực hiện trả không đúng, không đầy đủ, hoặc không đúng hạn thì ngân hàng có căn cứ tiến hành xử lý tài sản bảo đảm là chiếc ô tô của vợ chồng bạn (Điều 299 Bộ luật dân sự 2015).Việc xử lý tài sản bảo đảm thường được thực hiện theo các cách sau:
Cách 1: Xử lý tài sản bảo đảm theo hợp đồng vay (hợp đồng tín dụng) và hợp đồng thế chấp mà các bên đã ký kết. Thường phương án xử lý có thể là: Bán đấu giá tài sản, ngân hàng tự bán tài sản (sau khi thực hiện thu giữ), ngân hàng nhận chính tài sản này để bù trừ vào khoản vay...(Điều 303 Bộ luật Dân sự 2015);
Cách 2: Ngân hàng thực hiện khởi kiện yêu cầu bạn trả nợ tại Tòa án nhân dân có thẩm quyền. Sau khi có bản án, các bên thực hiện thi hành án theo quy định của Luật Thi hành án dân sự 2008, Luật Thi hành án dân sự sửa đổi 2014.Trường hợp có quyết định thi hành án, bạn nên tự nguyện, chủ động thực hiện. Nếu không tự nguyện thực hiện thi hành theo quyết định thi hành án, bạn có thể bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế thi hành án theo quy định của pháp luật. Phương án cưỡng chế được ưu tiên thực hiện là kê biên chiếc ô tô và xử lý bán tài sản này để trả khoản nợ vay của ngân hàng.
Trong trường hợp tài sản này sau khi bán vẫn không đủ để trả nợ thì bạn còn có thể bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế khác như:- Khấu trừ tiền trong tài khoản; thu hồi, xử lý tiền, giấy tờ có giá của người phải thi hành án.
- Trừ vào thu nhập của người phải thi hành án.
- Kê biên, xử lý tài sản khác của người phải thi hành án, kể cả tài sản đang do người thứ ba giữ.
- Khai thác tài sản của người phải thi hành án.
- Buộc chuyển giao vật, chuyển giao quyền tài sản, giấy tờ.
- Buộc người phải thi hành án thực hiện hoặc không được thực hiện công việc nhất định.
Lưu ý: Việc cưỡng chế thi hành án được thực hiện theo quyết định cưỡng chế thi hành án.Thực tế, nhiều ngân hàng sẽ bán tài sản bảo đảm theo hình thức đấu giá hoặc tự bán sau khi thu giữ (đối với tài sản bảo đảm là xe ô tô) để xử lý khoản nợ.
Trên đây là giải đáp chồng tự ý bán tài sản chung, vợ có phải một mình trả nợ? Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.