Ai được là chủ sở hữu nhà ở riêng lẻ? Điều kiện để là chủ sở hữu nhà ở riêng lẻ là gì? Nhà ở riêng lẻ trong dự án xây dựng nhà ở gồm những loại nhà ở nào? … Bài viết dưới đây của HieuLuat sẽ giải đáp những vướng mắc pháp lý nêu trên.
1. Những ai được pháp luật cho phép là chủ sở hữu nhà ở riêng lẻ? Điều kiện để được trở thành chủ sở hữu nhà ở riêng lẻ hợp pháp là gì?
2. Nhà ở riêng lẻ trong dự án xây dựng nhà ở bao gồm những loại nhà gì?
Chào bạn, với những vướng mắc xoay quanh vấn đề chủ sở hữu nhà ở riêng lẻ của bạn được chúng tôi giải đáp chi tiết như sau:
Chủ sở hữu nhà ở riêng lẻ là những ai?
Nhà ở riêng lẻ được hiểu là nhà ở được xây dựng trên phần diện tích đất thuộc quyền sử dụng hợp pháp của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân trên lãnh thổ Việt Nam (khoản 2 Điều 3 Luật Nhà ở 2014).
Điều 8, Điều 9, Điều 159, Điều 160 Luật Nhà ở 2014, Điều 31 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định về điều kiện để người sử dụng nhà ở riêng lẻ được sở hữu nhà ở riêng lẻ như điều kiện về đối tượng được sở hữu, hình thức được nhận quyền sở hữu, giấy tờ chứng minh quyền sở hữu, quản lý, sử dụng hợp pháp nhà ở riêng lẻ, cụ thể:
Một là, những người được công nhận quyền sở hữu nhà ở riêng lẻ
Những người được công nhận quyền sở hữu nhà ở riêng lẻ tại Việt Nam hay là chủ sở hữu nhà ở riêng lẻ là:
+ Cá nhân, tổ chức, hộ gia đình trong nước: Là những cá nhân có đang sinh sống, làm việc, cư trú trong nước, có quốc tịch Việt Nam;
+ Cá nhân là người Việt Nam định cư ở nước ngoài được phép nhập cảnh vào Việt Nam là những người có nguồn gốc là người Việt Nam (là người có cha mẹ, gốc là người Việt Nam được Sở Tư pháp nơi thường trú trước đây xác nhận); Hoặc là người vẫn còn hộ chiếu Việt Nam; Hoặc là người mang hộ chiếu nước ngoài, được nhập cảnh hợp pháp vào Việt Nam và còn giấy tờ như giấy khai sinh, chứng minh nhân dân… do cấp có thẩm quyền của Việt Nam cấp;
+ Cá nhân nước ngoài là những người có quốc tịch nước ngoài được phép nhập cảnh hợp pháp vào Việt Nam hoặc cá nhân nước ngoài được nhập cảnh hợp pháp vào Việt Nam và có nhà ở được xây dựng trong dự án nhà ở theo quy định tại Luật Nhà ở 2014 cũng là đối tượng có thể được công nhận quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam;
+ Tổ chức nước ngoài là tổ chức được thành lập, hoạt động theo pháp luật nước ngoài được quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam nếu là tổ chức đã được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp giấy chứng nhận đầu tư và có nhà ở được xây dựng trong dự án theo quy định của Luật Nhà ở 2014 (nếu là các tổ chức, cá nhân nước ngoài đang thực hiện dự án nhà ở theo dự án tại Việt Nam) hoặc là các tổ chức nước ngoài được pháp luật Việt Nam cấp tờ chứng nhận được phép hoạt động tại Việt Nam;
Hai là, để được sở hữu nhà ở tại Việt Nam, các đối tượng là cá nhân, tổ chức, hộ gia đình nêu trên phải được nhận quyền sở hữu nhà theo quy định pháp luật
+ Cá nhân, hộ gia đình, tổ chức trong nước thì được nhận quyền sở hữu nhà thông qua hình thức tự đầu tư xây dựng, mua, thuê mua, nhận thừa kế, tặng cho, nhận đổi nhà ở, nhận góp vốn hoặc theo quyết định tại bản án của tòa án nhân dân hoặc các hình thức khác theo quy định pháp luật;
+ Cá nhân là người Việt Nam định cư ở nước ngoài được nhận quyền sở hữu nhà ở thông qua hình thức mua, thuê mua nhà ở trong các dự án nhà ở thương mại tại Việt Nam hoặc được nhận tặng cho, mua, nhận đổi, nhận thừa kế nhà ở của hộ gia đình, cá nhân; hoặc có nhà ở thông qua việc nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất ở trong dự án đầu tư xây dựng nhà ở được phép bán nền để người mua được quyền tự tổ chức xây dựng nhà ở theo quy định;
+ Cá nhân, tổ chức nước ngoài được nhận quyền sở hữu nhà ở thông qua việc thực hiện dự án xây dựng nhà ở hoặc thuê mua, mua, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở thương mại (nhà ở trong các dự án xây dựng nhà ở theo quy định pháp luật, ngoại trừ các khu vực bảo đảm quốc phòng, an ninh).
Ba là, giấy tờ, tài liệu pháp lý được sử dụng để xin công nhận quyền sở hữu nhà ở tại Việt Nam
Điều 31 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định giấy tờ, tài liệu để tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng để nộp cùng hồ sơ xin công nhận quyền sở hữu nhà ở hợp pháp của mình, ví dụ như:
- Giấy phép xây dựng nhà ở;
- Văn bản xác nhận nhà ở đã xây dựng không đúng giấy phép nhưng không ảnh hưởng đến an toàn công trình và hiện tại phù hợp với quy hoạch xây dựng;
- Hợp đồng mua bán nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước theo Nghị định 61/CP hoặc giấy tờ thanh lý, hóa giá nhà ở thuộc sở hữu Nhà nước từ trước 05/07/1994;
- Giấy tờ mua bán, nhận tặng cho, nhận thừa kế nhà ở (thường là các hợp đồng) đã có công chứng/chứng thực theo quy định pháp luật;
- Bản án hoặc quyết định của Tòa án hoặc của cơ quan có thẩm quyền giải quyết được quyền sở hữu nhà ở đã có hiệu lực pháp lý;
- Hợp đồng mua bán nhà ở trực tiếp từ chủ đầu tư;
- Các giấy tờ, tài liệu khác;
Như vậy, đối tượng được sở hữu nhà ở tại Việt Nam gồm cá nhân, tổ chức, hộ gia đình trong nước hoặc cá nhân, tổ chức nước ngoài hoặc cá nhân là người Việt Nam định cư ở nước ngoài được nhận quyền sở hữu nhà ở theo một trong những hình thức luật định.
Nhà ở riêng lẻ trong dự án xây dựng nhà ở gồm những loại nhà nào?
Dự án xây dựng nhà ở riêng lẻ được hiểu là những dự án sử dụng vốn để xây dựng mới nhà ở riêng lẻ, các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội để phục vụ cho nhu cầu để ở hoặc để cải tạo, sửa chữa nhà ở riêng lẻ tại một địa điểm xác định.
Khoản 2 Điều 3 Luật Nhà ở 2014 quy định, các loại nhà ở riêng lẻ gồm nhà biệt thự, nhà ở liền kề, nhà ở độc lập. Nhà ở riêng lẻ được xây dựng trong các dự án xây dựng nhà ở thường là nhà ở liền kề, nhà biệt thự.
Mỗi loại nhà ở này lại có những đặc điểm nhận dạng khác nhau, có thể được nhận diện theo quy định tại tiêu chuẩn quốc gia TCVN 9411:2012 về nhà ở liền kề - tiêu chuẩn thiết kế như sau:
- Nhà ở liền kề: Loại nhà ở này có thể còn được phân chia thành nhà ở liền kề riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân, nhà ở liền kề có sân vườn hoặc nhà ở liền kề mặt phố, trong đó:
+ Nhà ở liền kề mặt phố còn gọi là nhà phố, là loại nhà ở được xây dựng trên các trục đường phố hoặc khu vực thương mại, dịch vụ (nhà ở liền kề trong trường hợp này còn được gọi là nhà phố thương mại). Nhà mặt phố ngoài chức năng để ở còn có thể được sử dụng làm các cửa hàng buôn bán, khách sạn, cung cấp các dịch vụ văn phòng…;
+ Nhà ở liền kề của hộ gia đình, cá nhân: Là loại nhà ở được xây dựng liền nhau, thông nhiều tầng, được xây dựng liền kề, sát nhau tạo thành dãy, lô đất nằm liền nhau, trong mỗi lô đất dùng để xây nhà có chiều rộng nhỏ hơn chiều sâu và các căn nhà này cùng sử dụng chung 1 hệ thống hạ tầng của khu vực đô thị;
+ Nhà ở liền kề có sân vườn: Là kiểu nhà ở được xây dựng thống nhất theo quy hoạch chi tiết của khu vực, mỗi nhà ở đều có khoảng diện tích sân vườn nằm trong khuôn viên của diện tích đất xây dựng.
- Nhà biệt thự: Là nhà ở được xây dựng với những quy chuẩn về diện tích sử dụng, số tầng, diện tích đất và các quy chuẩn riêng biệt, thường là nhà biệt thự đòi hỏi các tiêu chuẩn về thiết kế, kỹ thuật phức tạp và khắt khe hơn so với những loại nhà ở khác, ví dụ như biệt thự nghỉ dưỡng theo tiêu chuẩn Việt Nam TCVN 12870: 2020;
- Nhà ở độc lập: Đây là loại nhà thường được hiểu là nhà ở do hộ gia đình, cá nhân tự đầu tư xây dựng trong khuôn viên đất thuộc quyền sử dụng riêng biệt của gia đình, cá nhân mình và không nhằm mục đích kinh doanh, chỉ dùng để ở. Nhà ở độc lập thường không thuộc các dự án xây dựng kinh doanh nhà ở để bán hoặc để bán kết hợp cho thuê, cho thuê mua theo quy định pháp luật.
Như vậy, nhà ở riêng lẻ trong các dự án xây dựng nhà ở gồm có nhà ở liền kề, nhà biệt thự và có những đặc điểm riêng như chúng tôi đã nêu ở trên.
Trên đây là giải đáp về Chủ sở hữu nhà ở riêng lẻ, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.
>> Nhà ở thương mại là gì? Điều kiện mua bán ra sao?
>> Đối tượng được sở hữu nhà ở Việt Nam hiện nay là những ai?