Một trong những vấn đề quan trọng của hợp đồng lao động là chủ thể giao kết hợp đồng. Vậy chủ thể của hợp đồng lao động là ai? Câu trả lời có tại bài viết dưới đây.
Chủ thể của hợp đồng lao động là ai?
Chủ thể của hợp đồng lao động là ai?
Căn cứ theo khoản 3 Điều 18 Bộ luật Lao động 2019 về thẩm quyền giao kết hợp đồng lao động như sau:
Người giao kết hợp đồng lao động bên phía người sử dụng lao động là người thuộc một trong các trường hợp sau đây:
Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật;
Người đứng đầu cơ quan, tổ chức có tư cách pháp nhân theo quy định của pháp luật hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật;
Người đại diện của hộ gia đình, tổ hợp tác, tổ chức khác không có tư cách pháp nhân hoặc người được ủy quyền theo quy định của pháp luật;
Cá nhân trực tiếp sử dụng lao động.
Người giao kết hợp đồng lao động bên phía người lao động là người thuộc một trong các trường hợp sau đây:
Người lao động từ đủ 18 tuổi trở lên;
Người lao động từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi khi có sự đồng ý bằng văn bản của người đại diện theo pháp luật của người đó;
Người chưa đủ 15 tuổi và người đại diện theo pháp luật của người đó;
Người lao động được những người lao động trong nhóm ủy quyền hợp pháp giao kết hợp đồng lao động.
Người được ủy quyền giao kết hợp đồng lao động không được ủy quyền lại cho người khác giao kết hợp đồng lao động.
Có thể thấy, theo quy định sẽ chia ra 02 chủ thể trong hợp đồng bao gồm phía người sử dụng lao động và người lao động. Trong đó, đối với các chủ thể trong hợp đồng cần phải đảm bảo các điều kiện theo quy định, tránh việc hợp đồng bị vô hiệu.
Quyền, nghĩa vụ của người sử dụng lao động
Quyền, nghĩa vụ của người sử dụng lao động
Căn cứ tại Điều 6 Bộ luật Lao động 2019 thì người sử dụng lao động có quyền và nghĩa vụ như sau:
*Người sử dụng lao động có các quyền sau đây:
Tuyển dụng, bố trí, quản lý, điều hành, giám sát lao động; khen thưởng và xử lý vi phạm kỷ luật lao động;
Thành lập, gia nhập, hoạt động trong tổ chức đại diện người sử dụng lao động, tổ chức nghề nghiệp và tổ chức khác theo quy định của pháp luật;
Yêu cầu tổ chức đại diện người lao động thương lượng với mục đích ký kết thỏa ước lao động tập thể; tham gia giải quyết tranh chấp lao động, đình công; đối thoại, trao đổi với tổ chức đại diện người lao động về các vấn đề trong quan hệ lao động, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người lao động;
Đóng cửa tạm thời nơi làm việc;
Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
*Người sử dụng lao động có các nghĩa vụ sau đây:
Thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và thỏa thuận hợp pháp khác; tôn trọng danh dự, nhân phẩm của người lao động;
Thiết lập cơ chế và thực hiện đối thoại, trao đổi với người lao động và tổ chức đại diện người lao động; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở tại nơi làm việc;
Đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nhằm duy trì, chuyển đổi nghề nghiệp, việc làm cho người lao động;
Thực hiện quy định của pháp luật về lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và an toàn, vệ sinh lao động; xây dựng và thực hiện các giải pháp phòng, chống quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
Tham gia phát triển tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia, đánh giá, công nhận kỹ năng nghề cho người lao động.
Như vậy, người sử dụng lao động sẽ có các quyền như tuyển dụng, bố trí,... nhằm mục đích sử dụng tốt nguồn lao động; Thành lập, gia nhập và hoạt động trong các tổ chức đại diện cho người sử dụng lao động,... và các quyền khác.
Cùng với đó, người sử dụng lao động cũng phải đảm bảo việc thực hiện các nghĩa vụ tương ứng như thực hiện hợp đồng lao động, đào tạo người lao động.
Quyền, nghĩa vụ của người lao động
Căn cứ tại Điều 5 Bộ luật Lao động 2019 thì người lao động có quyền và nghĩa vụ như sau:
*Người lao động có các quyền sau đây:
Làm việc; tự do lựa chọn việc làm, nơi làm việc, nghề nghiệp, học nghề, nâng cao trình độ nghề nghiệp; không bị phân biệt đối xử, cưỡng bức lao động, quấy rối tình dục tại nơi làm việc;
Hưởng lương phù hợp với trình độ, kỹ năng nghề trên cơ sở thỏa thuận với người sử dụng lao động; được bảo hộ lao động, làm việc trong điều kiện bảo đảm về an toàn, vệ sinh lao động; nghỉ theo chế độ, nghỉ hằng năm có hưởng lương và được hưởng phúc lợi tập thể;
Thành lập, gia nhập, hoạt động trong tổ chức đại diện người lao động, tổ chức nghề nghiệp và tổ chức khác theo quy định của pháp luật; yêu cầu và tham gia đối thoại, thực hiện quy chế dân chủ, thương lượng tập thể với người sử dụng lao động và được tham vấn tại nơi làm việc để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của mình; tham gia quản lý theo nội quy của người sử dụng lao động;
Từ chối làm việc nếu có nguy cơ rõ ràng đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe trong quá trình thực hiện công việc;
Đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động;
Đình công;
Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
*Người lao động có các nghĩa vụ sau đây:
Thực hiện hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể và thỏa thuận hợp pháp khác;
Chấp hành kỷ luật lao động, nội quy lao động; tuân theo sự quản lý, điều hành, giám sát của người sử dụng lao động;
Thực hiện quy định của pháp luật về lao động, việc làm, giáo dục nghề nghiệp, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và an toàn, vệ sinh lao động.
Người lao động cũng là một trong những chủ thể chính trong hợp đồng lao động, vì thế người lao động cũng có các quyền như được làm việc, tự do chọn việc làm, hưởng lương phù hợp với trình độ và công việc, đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, đình công,...
Song hành với các quyền lợi trên thì người lao động cũng có các nghĩa vụ như phải thực hiện hợp đồng lao động, chấp hành kỷ luật, nội quy lao động,...
Nhìn chung, trong quan hệ lao động thì người lao động sẽ là bên yếu thế hơn. Vì vậy, các quyền lợi dành cho người lao động có phần nhiều hơn và có lợi hơn như được phép đình công nếu phía người lao động không thực hiện đúng thỏa thuận hoặc có các chính sách không hợp lý.
Ngoài ra, còn có thể đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động mà không cần lý do nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động theo thời gian luật định.
Trên đây là thông tin về Chủ thể của hợp đồng lao động là ai? Có những quyền, nghĩa vụ gì? Nếu còn vấn đề nào thắc mắc hãy liên hệ với chúng tôi qua tổng đài: 19006192 để được tư vấn miễn phí.