hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 27/11/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Chưa kết hôn có làm IVF được không?

Hiện nay, IVF không còn quá xa lạ với nhiều cặp vợ chồng gặp khó khăn trong việc có con. Chưa kết hôn có làm IVF được không? Thủ tục làm IVF, chi phí như thế nào? Mời bạn đọc theo dõi bài viết dưới đây để nắm được quy định pháp luật về vấn đề này.

Mục lục bài viết
  • Chưa kết hôn có làm IVF được không?
  • Thủ tục làm IVF
  • Một số câu hỏi liên quan đến làm IVF
  • Ly hôn rồi có chuyển phôi được không?
  • Chi phí thụ tinh nhân tạo cho mẹ đơn thân
Câu hỏi: Mình và bạn trai đang tìm hiểu về thủ tục IVF, chúng mình chưa kết hôn có làm IVF được không? Rất mong nhận được tư vấn, mình cảm ơn!

Chưa kết hôn có làm IVF được không?

Chưa kết hôn có làm IVF được không?

IVF là viết tắt của từ “In vitro fertilization”, được hiểu là thụ tinh trong ống nghiệm. Đây là một trong những kỹ thuật hỗ trợ sinh sản đang được áp dụng khá phổ biến đối với những cặp vợ chồng khó khăn trong việc có con. 

Thụ tinh trong ống nghiệm chính là việc tạo ra sự kết hôn giữa noãn và tinh trùng trong ống nghiệm (xảy ra ngoài cơ thể người phụ nữ), nhằm mục đích tạo ra phôi. Sau đó, phôi thai này sẽ được chuyển vào tử cung của người phụ nữ.

Hiện nay IVF thường được áp dụng cho trường hợp người vợ bị tắc nghẽn ống dẫn trứng, các cặp vợ chồng lớn tuổi, vợ chồng bị hiếm muộn chưa rõ nguyên nhân,...

Theo quy định tại Điều 7 Nghị định 10/2015/NĐ-CP thì chỉ có một số cơ sở sau đây được tiến hành làm IVF:

- Cơ sở phụ sản, cơ sở sản - nhi công từ tuyến tỉnh trở lên;

- Bệnh viện đa khoa tư nhân có khoa sản, hoặc khoa sản - nhi;

- Bệnh viện tư nhân chuyên khoa phụ sản, hoặc chuyên khoa sản - nhi;

- Bệnh viện chuyên khoa về nam học và hiếm muộn.

Các cơ sở này đều phải đảm bảo các yêu cầu về cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế cũng như nhân sự để tiến hành kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm.

Khoản 1 Điều 3 Nghị định 10/2015/NĐ-CP có quy định như sau:

“Điều 3. Nguyên tắc áp dụng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm và mang thai hộ vì mục đích nhân đạo

1. Cặp vợ chồng vô sinh và phụ nữ độc thân có quyền sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa; cặp vợ chồng vô sinh có quyền nhờ mang thai hộ vì mục đích nhân đạo.”

Theo quy định này thì sinh con bằng kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm có thể áp dụng với cặp vợ chồng vô sinh hoặc phụ nữ độc thân.

Như vậy, phụ nữ độc thân chưa kết hôn vẫn có thể làm IVF với tinh trùng xin trong ngân hàng mô.

Thủ tục làm IVF

Thủ tục làm IVF

Theo quy định tại Điều 11 Thông tư 57/2015/TT-BYT thì quy trình làm IVF (đối với các cặp vợ chồng) tiến hành như sau:

- Bước 1: Thăm khám và làm các xét nghiệm cơ bản cần thiết trước khi làm IVF

Bác sĩ tiến hành thăm khám tiền sử bệnh lý, làm các xét nghiệm (xét nghiệm AMH, xét nghiệm tinh dịch đồ)siêu âm, chụp tử cung vòi trứng,... để đánh giá tình trạng sức khỏe.

- Bước 2: Đánh giá dự trữ buồng trứng

Bác sĩ đánh giá dự trữ buồng trứng của người phụ nữ có phù hợp để làm IVF hay không. Trường hợp tất cả các điều kiện sức khỏe phù hợp thì bác sĩ thực hiện các bước tiếp theo.

- Bước 3: Kích thích buồng trứng

Người phụ nữ sẽ được tiêm thuốc kích thích buồng trứng (thường từ 10 – 12 ngày). Xuyên suốt thời gian tiêm thuốc kích trứng, người phụ nữ sẽ được siêu âm và làm xét nghiệm máu theo dõi sự phát triển của nang noãn và nội mạc tử cung. Khi noãn đã đạt yêu cầu thì được tiêm thuốc giúp trưởng thành nang noãn.

- Bước 4: Chọc hút trứng

Thủ thuật này được thực hiện qua ngã âm đạo vào khoảng 36 giờ đồng hồ tính từ sau mũi tiêm thuốc cuối cùng. Công việc này sẽ được thực hiện khi người phụ nữ được gây mê, thời gian tiến hành khoảng 10 – 15 phút cho mỗi ca. Cùng lúc thì người chồng sẽ được lấy tinh trung tươi/ rã đông tinh trùng đông lạnh để chuẩn bị cho việc thụ tinh.

Sau khi tiến hành chọc hút trứng thì người vợ sẽ được theo dõi tại bệnh viện khoảng 2 giờ - 3 giờ tiếp theo.

- Bước 5: Tạo phôi

Trứng và tinh trùng đã lấy sẽ được chuyển đến phòng Lab để tiến hành thụ tinh nhân tạo và tạo phôi. Phôi sẽ được nuôi cấy trong tủ cấy CO2, có bác sĩ theo dõi và thông báo về chất lượng phôi.

- Bước 6: Chuyển phôi

Phôi sẽ được chuyển vào tử cung của người phụ nữ khi phôi ngày 2, ngày 3 hoặc phôi ngày 5 tùy thuộc vào phác đồ của mỗi cơ sở thực hiện thụ tinh ống nghiệm khác nhau.

Khi niêm mạc tử cung đạt độ dày cần thiết, chất lượng và hình ảnh tốt, đảm bảo cho sự phát triển của phôi thì sẽ tiến hành chuyển phôi. Bước này thực hiện trong khoảng 5 phút - 10 phút, su đó không cần nằm theo dõi tại bệnh viện. Sau bước này, người vợ uống các loại thuốc theo sự chỉ định của bác sĩ.

- Bước 7: Thử thai

Người vợ sẽ tái khám và thử thai thông qua định lượng bhCG huyết thanh. Đồng thời bác sĩ sẽ siêu âm đường âm đạo nhằm mục đích xác nhận sự phát triển của thai và vị trí thai. Quá trình mang thai sẽ được theo dõi, kiểm tra và tiến hành xét nghiệm cần thiết theo chỉ định của bác sĩ.

Một số câu hỏi liên quan đến làm IVF

Ly hôn rồi có chuyển phôi được không?

Khoản 3, Khoản 4 Điều 21 Nghị định 10/2015/NĐ-CP có quy định như sau:

“3. Trường hợp người gửi tinh trùng, gửi noãn, gửi phôi ly hôn:

a) Trường hợp người gửi đề nghị hủy tinh trùng, noãn của chính mình thì phải hủy tinh trùng, noãn của người đó;

b) Trường hợp đề nghị hủy phôi thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của cả hai vợ chồng; nếu muốn tiếp tục lưu giữ thì phải có đơn đề nghị lưu giữ và vẫn duy trì đóng phí lưu giữ, bảo quản.

4. Người vợ hoặc người chồng sử dụng tinh trùng, noãn, phôi thuộc trường hợp quy định tại Khoản 2, Điểm b Khoản 3 Điều này làm phát sinh các quan hệ ngoài quan hệ hôn nhân gia đình thì thực hiện theo quy định của pháp luật hôn nhân gia đình và pháp luật dân sự.”

Theo quy định này thì vợ chồng đã ly hôn vẫn có thể lưu trữ, sử dụng phôi và chuyển phôi, tuy nhiên điều này phải được sự đồng ý của hai vợ chồng thể hiện bằng văn bản.

Chi phí thụ tinh nhân tạo cho mẹ đơn thân

Pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể về chi phí thụ tinh nhân tạo cho mẹ đơn thân, chi phí này tại mỗi cơ sở y tế là khác nhau. Tham khảo chi phí ở một số cơ sở y tế làm IVF cho mẹ đơn thân thì mức phí dao động từ 80 triệu đến 100 triệu đồng.

Để biết thông tin chính xác, mẹ đơn thân có thể liên hệ tới các cơ sở làm IVF để được tư vấn, hỗ trợ chi tiết về vấn đề này.

Trên đây là nội dung “Chưa kết hôn có làm IVF được không?” mà chúng tôi tổng hợp và cung cấp. Nếu còn vấn đề nào chưa rõ hoặc cần giải đáp các vấn đề pháp luật khác, các bạn có thể liên hệ đến tổng đài: 1900.6199 để được hỗ trợ.
Nguyễn Đức Hùng

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Đức Hùng

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X