hieuluat
Chia sẻ email

Chưa ly hôn có chuyển hộ khẩu về nhà đẻ được không?

Chuyển hộ khẩu, thay đổi nơi cư trú là quyền của công dân. Trường hợp chưa ly hôn có chuyển hộ khẩu về nhà đẻ được không? Nội dung này được pháp luật hiện hành quy định như trong nội dung bài viết dưới đây.

Mục lục bài viết
  • Chưa ly hôn có chuyển hộ khẩu về nhà đẻ được không?
  • Đơn phương cắt hộ khẩu có sao không?
  • Thủ tục chuyển hộ khẩu về nhà đẻ khi chưa ly hôn
Câu hỏi: Vợ chồng tôi không còn tình cảm với nhau, cuộc sống có nhiều vấn đề chưa giải quyết được nên tôi muốn chuyển về nhà mẹ đẻ một thời gian. Chưa ly hôn có chuyển hộ khẩu về nhà đẻ được không?

Chưa ly hôn có chuyển hộ khẩu về nhà đẻ được không?

Chưa ly hôn có chuyển hộ khẩu về nhà đẻ được không?

Thông thường, khi tiến hành đăng ký kết hôn người vợ sẽ làm thủ tục chuyển hộ khẩu đến nơi thường trú của nhà chồng (tức là đăng ký thường trú tại địa chỉ nhà chồng). Trường hợp chưa ly hôn có được chuyển hộ khẩu về nhà đẻ được không? 

Điều 20 Luật Cư trú năm 2020 có quy định về điều kiện đăng ký thường trú như sau:

- Trường hợp có chỗ ở hợp pháp thuộc quyền sở hữu của mình thì công dân được quyền làm thủ tục đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp đó.

- Trường hợp không có chỗ ở hợp pháp: Công dân được đăng ký thường trú nếu được chủ hộ và chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp đó đồng ý cho đăng ký thường trú - và áp dụng trong những trường hợp dưới đây:

+ Vợ chồng về ở với nhau, con về ở cùng với cha, mẹ hoặc ngược lại;

+ Người cao tuổi về ở cùng với anh chị em ruột hoặc ruột cháu ruột; người khuyết tật nặng/ đặc biệt nặng hoặc người không có khả năng lao động hoặc người bị bệnh tâm thần/bị bệnh khác làm mất khả năng nhận thức, điều khiển hành vi về ở cùng với ông, bà nội/ngoại, anh chị em ruột, chú bác ruột, cô cậu ruột, dì ruột hoặc cháu ruột hoặc người giám hộ;

+ Người chưa thành niên được sự đồng ý của cha, mẹ hoặc người giám hộ; hoặc người chưa thành niên không còn cha, mẹ về ở cùng với cụ nội/ngoại, ông bà nội/ngoại, anh chị em ruột, chú bác ruột, cô dì cậu ruột, hoặc về ở cùng với người giám hộ.

Theo quy định nêu trên, pháp luật chỉ đặt ra yêu cầu về ý chí của chủ hộ hoặc người chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp về việc có hoặc không đồng ý cho cá nhân khác đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp này (thông thường hay gọi là “nhập hộ khẩu”).

Như vậy, trường hợp vợ chồng chưa ly hôn thì người vợ vẫn có thể thực hiện chuyển hộ khẩu về nhà đẻ, tuy nhiên cần phải có sự đồng ý của bố mẹ đẻ (là chủ hộ) về việc cho đăng ký thường trú.

Đơn phương cắt hộ khẩu có sao không?

Như đã nêu ở trên (Điều 20 Luật Cư trú 2020), trường hợp đăng ký thường trú chỉ đặt ra điều kiện là sự đồng ý của chủ hộ/chủ sở hữu chỗ ở hợp pháp nếu công dân đăng ký thường trú tại nơi ở không thuộc sở hữu hợp pháp của mình,

Ngoài ra, tại Điều 25 Luật này quy định về trường hợp tách hộ để đăng ký thường trú tại cùng một chỗ ở hợp pháp với hộ cũ thì phải được sự đồng ý của chủ hộ. 

Tức là trường hợp cắt hộ khẩu để lập hộ mới đăng ký thường trú tại chính địa điểm, chỗ ở hiện tại sẽ yêu cầu có sự đồng ý của chủ hộ cũ. Ngoài ra hiện cũng chưa có quy định cụ thể về các trường hợp cắt khẩu để chuyển đi nơi khác.

Thêm vào đó, theo Điều 8 Luật Cư trú thì việc lựa chọn nơi ở, đăng ký nơi cư trú là quyền của công dân và được pháp luật tôn trọng.

Vì vậy, theo quan điểm của người viết thì cá nhân có thể đơn phương cắt hộ khẩu nếu không còn cư trú tại chỗ ở hiện tại và chuyển đến nơi khác. Việc đơn phương cắt khẩu này không làm ảnh hưởng đến quyền hay lợi ích hợp pháp của các thành viên trong hộ khẩu cũ và đồng thời đảm bảo quy định về đăng ký thường trú.

Thủ tục chuyển hộ khẩu về nhà đẻ khi chưa ly hôn

Thủ tục chuyển hộ khẩu về nhà đẻ khi chưa ly hôn

Thủ tục chuyển hộ khẩu về nhà đẻ khi chưa ly hôn tiến hành theo hướng dẫn của Điều 21, 22 Luật Cư trú như sau:

- Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ để chuyển khẩu về nhà đẻ

Hồ sơ cần chuẩn bị gồm những giấy tờ sau đây:

+ Tờ khai về việc thay đổi thông tin cư trú. Trong tờ khai này cần nêu rõ ý kiến đồng ý của chủ hộ (nhà để) về việc cho đăng ký thường trú; trường hợp đã có văn bản đồng ý thì không cần ghi nội dung này trong tờ khai.

+ Các giấy tờ, tài liệu để chứng minh quan hệ nhân thân với chủ hộ (bố mẹ), các thành viên hộ gia đình, ví dụ như giấy khai sinh. Tuy nhiên hiện nay hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cư trú đang dần hoàn thiện thì công dân có thể không cần phải chuẩn bị giấy tờ này nếu hệ thống đã thể hiện thông tin về mối quan hệ.

- Bước 2: Nộp hồ sơ đến công an xã nơi định chuyển đến để được giải quyết yêu cầu

Hiện nay công dân có thể nộp hồ sơ trực tiếp, gửi qua đường bưu điện hoặc nộp trực tuyến tại cổng dịch vụ công. Tuy nhiên nhiều địa phương vẫn chưa cập nhật, chưa có đủ nhân sự để đảm bảo phục vụ các thủ tục hành chính online nên đa số vẫn áp dụng cách nộp trực tiếp thông thường.

- Bước 3: Tiếp nhận hồ sơ, giải quyết và trả kết quả. 

Trường hợp đảm bảo đúng quy định pháp luật, đủ điều kiện để chuyển khẩu thì công dân được chấp nhận yêu cầu, ghi thông tin vào sổ hộ tịch/hệ thống dữ liệu. Trường hợp hồ sơ bị từ chối thì phải có văn bản trả lời nêu rõ lý do.

Trên đây là nội dung “Chưa ly hôn có chuyển hộ khẩu về nhà đẻ được không?” mà chúng tôi tổng hợp và cung cấp. Nếu còn vấn đề nào chưa rõ hoặc cần giải đáp các vấn đề pháp luật khác, các bạn có thể liên hệ đến tổng đài: 1900.6199 để được hỗ trợ.
Lê Ngọc Khánh

Tham vấn bởi: Luật sư Lê Ngọc Khánh

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X