hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 20/06/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Chuẩn bị phạm tội cố ý gây thương tích có phải chịu trách nhiệm?

Chuẩn bị phạm tội cố ý gây thương tích có phải chịu trách nhiệm không là vấn đề đang gây ra nhiều tranh cãi trên thực tế do những quy định bất hợp lý về tội này.

Câu hỏi: Do mâu thuẫn với H, anh của em (A) 19 tuổi đã rủ anh em bạn bè mang theo mã tấu, gậy gộc để lên xe tìm đến nhà của H với mục đích 'dạy cho H bài học nhớ đời'. Tuy nhiên, khi đang di chuyển thì bị Cảnh sát cơ động bắt lại. Vậy, anh em có bị xử lý không?

Chuẩn bị phạm tội cố ý gây thương tích có phải chịu trách nhiệm không?

Điều 14 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định chuẩn bị phạm tội là tìm kiếm, sửa soạn công cụ, phương tiện hoặc tạo ra những điều kiện khác để thực hiện tội phạm hoặc thành lập, tham gia nhóm tội phạm, trừ trường hợp thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm quy định tại Điều 109 (Tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân), điểm a khoản 2 Điều 113 (Tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân) hoặc điểm a khoản 2 Điều 299 (Tội khủng bố) của Bộ luật này.

Đáng chú ý, Điều này cũng quy định rõ, người chuẩn bị phạm tội quy định tại một trong các điều 108, 109, 110, 111, 112, 113, 114, 115, 116, 117, 118, 119, 120, 121, 123, 134, 168, 169, 207, 299, 300, 301, 302, 303 và 324 của Bộ luật này thì phải chịu trách nhiệm hình sự.

Trong khi đó, tội cố ý gây thương tích quy định tại hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác được quy định tại Điều 134 - Điều luật được quy định rõ người chuẩn bị phạm tội vẫn phải chịu trách nhiệm.

Vì thế, có thể kết luận, chuẩn bị phạm tội cố ý gây thương tích có phải chịu trách nhiệm hình sự.

Như vậy, hành vi của anh bạn và nhóm bạn, mặc dù chưa gây thương tích cho H nhưng hành vi chuẩn bị mã tấu, gậy gộc để chuẩn bị gây án nằm trong giai đoạn chuẩn bị phạm tội và họ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác quy định tại khoản 6 Điều 134 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Cụ thể như sau:

Điều 134. Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác
...

6. Người nào chuẩn bị vũ khí, vật liệu nổ, hung khí nguy hiểm, a-xít nguy hiểm, hóa chất nguy hiểm hoặc thành lập hoặc tham gia nhóm tội phạm nhằm gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

Khung hình phạt cho việc chuẩn bị phạm tội cố ý gây thương tích là cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.

chuan bi pham toi co y gay thuong tich

Lưu ý gì về tội cố ý gây thương tích giai đoạn chuẩn bị phạm tội?

Quy định này hiện vẫn đang gây ra nhiều tranh cãi. Bởi, theo khoản 1 Điều 155 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, tội phạm quy định tại khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự chỉ được khởi tố khi có yêu cầu của bị hại hoặc người đại diện của bị hại là người dưới 18 tuổi, người có nhược điểm về tâm thần hoặc thể chất hoặc đã chết.

Đối chiếu với khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự, khoản này chỉ quy định các dấu hiệu pháp lý và khung hình phạt cơ bản của tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác. Như vậy, để khởi tố vụ án theo khung cơ bản của tội Cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác thì cần phải có yêu cầu của bị hại.

Như vậy, để làm căn cứ khởi tố vụ án trong trường hợp chuẩn bị phạm tội Tội cố ý gây thương tích cũng cần thiết phải xác định được bị hại và phải làm rõ ý chí của bị hại có hay không yêu cầu khởi tố vụ án. Bởi vì, mục đích của quy định này là bảo vệ quyền tự định đoạt của đương sự, vừa giữ cho bị hại quyền riêng tư, hạn chế gây thêm những tổn thất, mất mát tinh thần, danh dự, thời gian tham gia tố tụng không cần thiết, vừa hoá giải mâu thuẫn giữa hai bên khi khuyến khích các bên thoả thuận bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng để đổi lại bị hại cho người thực hiện hành vi phạm tội có cơ hội thoát khỏi lao lý khi không yêu cầu khởi tố vụ án.

Trong khi đó, hành vi phạm tội quy định tại khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự có mức độ nguy hiểm cho xã hội cao hơn hành vi chuẩn bị phạm tội quy định tại khoản 6 nên nếu khởi tố vụ án “cố ý gây thương tích” theo khoản 1 Điều 134 Bộ luật Hình sự chỉ khi có yêu cầu bị hại nhưng lại khởi tố vụ án “chuẩn bị phạm tội Cố ý gây thương tích” theo khoản 6 ngay cả khi không cần yêu cầu của bị hại là tương đối bất hợp lý.

Trên đây là giải đáp chuẩn bị phạm tội cố ý gây thương tích có phải chịu trách nhiệm không? Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.

>> Phạm tội cố ý gây thương tích, bồi thường cho bị hại thế nào?

Có thể bạn quan tâm

X