Chức năng của trung tâm trọng tài là gì? Nếu có tranh chấp phát sinh về việc lựa chọn trung tâm trọng tài giải quyết vụ việc thì các bên có được quyền gửi đơn ra tòa án nhân dân có thẩm quyền để giải quyết vụ việc không?... Bài viết này của HieuLuat sẽ cung cấp cho bạn đọc một số kiến thức cơ bản về chức năng của trung tâm trọng tài được nhiều người quan tâm.
Câu hỏi: Chào Luật sư, tôi đang tìm hiểu về trung tâm trọng tài, cách thức giải quyết của trung tâm trọng tài. Luật sư có thể giải đáp cho tôi được biết chức năng của trung tâm trọng tài là gì? Nếu các bên đã có thỏa thuận trọng tài thì Tòa án nhân dân có được quyền giải quyết vụ việc tranh chấp này hay không?
Chào bạn, xoay quanh vấn đề chức năng của trung tâm trọng tài là gì mà bạn đang quan tâm, chúng tôi giải đáp cho bạn như sau:
Chức năng của trung tâm trọng tài là gì?
Trước hết, trung tâm trọng tài là tổ chức được thành lập, hoạt động và thực hiện các công việc, chức năng theo quy định của pháp luật Việt Nam. Căn cứ quy định tại Điều 23 Luật Trọng tài thương mại 2010, chức năng của trung tâm trọng tài là:
Điều 23. Chức năng của Trung tâm trọng tài
Trung tâm trọng tài có chức năng tổ chức, điều phối hoạt động giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài quy chế và hỗ trợ Trọng tài viên về các mặt hành chính, văn phòng và các trợ giúp khác trong quá trình tố tụng trọng tài.
=> Theo đó, trung tâm trọng tài có chức năng sau:
+ Thực hiện tổ chức, điều phối các hoạt động giải quyết tranh chấp bằng Trọng tài quy chế (hình thức giải quyết tranh chấp tại một Trung tâm trọng tài theo quy định của Luật Trọng tài thương mại 2010 và quy tắc tố tụng của Trung tâm trọng tài đó);
+ Hỗ trợ trọng tài viên về các mặt hành chính, văn phòng;
+ Thực hiện các hoạt động hỗ trợ khác trong quá trình tố tụng trọng tài.
Ngoài ra, để thực hiện chức năng của mình thì trung tâm trọng tài phải được thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam. Để được Bộ trưởng Bộ Tư pháp cấp phép thì trung tâm trọng tài phải đảm bảo các điều kiện theo quy định tại Điều 24 Luật Trọng tài thương mại 2010 như sau:
+ Có ít nhất năm sáng lập viên là công dân Việt Nam có đủ điều kiện là Trọng tài viên: Điều kiện là trọng tài viên được quy định tại Điều 20 Luật Trọng tài thương mại 2010 như là công dân Việt Nam có trình độ đại học, đã qua thực tế công tác theo ngành đã học từ 5 năm trở lên; Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ….
+ Có hồ sơ đề nghị thành lập trung tâm trọng tài đúng, đầy đủ theo quy định tại khoản 2 Điều 24 Luật Trọng tài thương mại 2010 như: Đơn đề nghị thành lập, Dự thảo điều lệ của Trung tâm trọng tài theo mẫu do Bộ Tư pháp ban hành, có danh sách các sáng lập viên và có các giấy tờ kèm theo hồ sơ chứng minh những người sáng lập đủ điều kiện là người sáng lập của trung tâm trọng tài…;
+ Được Bộ trưởng Bộ Tư pháp cấp giấy phép thành lập theo quy định pháp luật.
Hiện nay, tại Việt Nam có một vài trung tâm trọng tài thực hiện giải quyết tranh chấp như: Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC), Trung tâm trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam (VLCAC), Trung tâm trọng tài quốc tế Thái Bình Dương (PIAC), …
Như vậy, trung tâm trọng tài đóng vai trò rất quan trọng đối với việc giải quyết tranh chấp bằng hình thức trọng tài như vừa là nơi tổ chức, điều phối hoạt động giải quyết tranh chấp, vừa hỗ trợ các trọng tài viên trong các công việc hành chính văn phòng…
Có mấy hình thức giải quyết bằng trọng tài thương mại?
Luật Trọng tài thương mại 2010 quy định hình thức giải quyết bằng trọng tài gồm: Trọng tài vụ việc và trọng tài quy chế. Một số đặc điểm của hai loại trọng tài này như sau:
Đặc điểm | Trọng tài vụ việc | Trọng tài quy chế |
Nơi giải quyết | Do các bên lựa chọn | Giải quyết tại trung tâm trọng tài |
Quy tắc giải quyết | Theo trình tự, thủ tục do các bên lựa chọn | Theo quy định của Luật Trọng tài thương mại 2010 và của trung tâm trọng tài nơi được giải quyết vụ việc |
Như vậy, đây là một số điểm để phân biệt hai loại trọng tài thương mại vụ việc và trọng tài thương mại quy chế.
Điều kiện để được giải quyết tranh chấp bằng trọng tài là gì?
Để được giải quyết bằng hình thức trọng tài thì các bên tranh chấp phải đảm bảo các điều kiện được quy định tại Điều 5 Luật Trọng tài thương mại 2010, cụ thể như sau:
Một là, phải được các bên thỏa thuận: Việc thỏa thuận giải quyết tranh chấp bằng trọng tài có thể được các bên lập trước hoặc sau khi xảy ra tranh chấp;
Hai là, nếu một bên trong thoả thuận trọng tài là cá nhân chết hoặc mất năng lực hành vi thì thoả thuận trọng tài vẫn có hiệu lực đối với người thừa kế hoặc người đại diện theo pháp luật của người đó (trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác);
Ba là, nếu một bên trong thỏa thuận trọng tài là tổ chức phải chấm dứt hoạt động hoặc bị phá sản/giải thể/hợp nhất/sáp nhập hoặc chia, tách hoặc chuyển đổi hình thức tổ chức thì thỏa thuận trọng tài vẫn có hiệu lực đối với tổ chức tiếp nhận quyền và nghĩa vụ của tổ chức đó (trừ trường hợp các bên có thoả thuận khác).
Lưu ý: Tòa án nhân dân có thẩm quyền phải từ chối thụ lý giải quyết vụ việc tranh chấp nếu các bên đã có thỏa thuận trọng tài (trừ trường hợp thỏa thuận trọng tài vô hiệu hoặc không thể thực hiện được) (Điều 6 Luật Trọng tài thương mại 2010).
Như vậy, để đảm bảo việc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài thương mại, các bên cần phải đảm bảo 3 điều kiện như chúng tôi đã nêu trên. Tòa án nhân dân có thẩm quyền không được giải quyết tranh chấp nếu các bên đã có thỏa thuận trọng tài.
Trên đây là giải đáp về chức năng của trung tâm trọng tài, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.