hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Bảy, 07/05/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Quy định về chứng nhận sở hữu cây trồng lâu năm hiện nay thế nào?

Chứng nhận sở hữu cây trồng lâu năm có thể là thuật ngữ không còn mới lạ với nhiều người có tài sản là vườn cây/rừng cây trồng lâu năm (cây lâu năm có thể là cây lấy gỗ, cây ăn quả…). Thế nhưng không phải tất cả những người có tài sản là cây trồng lâu năm đều có thể hiểu rõ về việc đề nghị cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chứng nhận quyền sở hữu của mình.

Câu hỏi: Xin chào Luật sư, tôi có thửa đất rừng đang trồng cây ăn quả. Tôi có đọc báo và thấy thông tin chủ sở hữu những loại cây trồng lâu năm có thể được cấp Giấy chứng nhận sở hữu. Tuy nhiên, tôi không nhớ rõ cụ thể những loại cây nào có thể được công nhận quyền sở hữu. Do vậy, tôi có câu hỏi mong được giải đáp như sau: 

1. Cây lâu năm nào được Nhà nước chứng nhận quyền sở hữu?

2. Nếu được công nhận quyền sở hữu thì tôi phải chuẩn bị những giấy tờ gì để chứng minh?

Chào bạn, thực tế cho thấy rất nhiều loại cây có thể có giá trị khai thác trong nhiều năm, tuy nhiên, không phải mọi loại cây cho thu hoạch trong nhiều năm đều có thể được chứng nhận quyền sở hữu. Với những thắc mắc của bạn về chứng nhận sở hữu cây trồng lâu năm, chúng tôi xin được giải đáp như sau:

Loại cây lâu năm nào được có thể được chứng nhận quyền sở hữu?

Trước tiên, cây trồng lâu năm (cây lâu năm) có thể được hiểu là những loại cây như cây thân gỗ, cây ăn quả lâu năm (bưởi, cam, xoài…), cây dược liệu (quế, hồi…)... Đây là những loại cây có chung tính chất là trồng một lần, sinh trưởng và phát triển trong nhiều năm và cho thu hoạch nhiều lần. Chứng nhận sở hữu cây lâu năm là việc Nhà nước công nhận quyền sở hữu cho chủ sở hữu cây lâu năm khi họ đảm bảo các điều kiện theo quy định pháp luật.

Căn cứ Điều 4 Thông tư liên tịch 22/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT về những loại cây trồng lâu năm được chứng nhận quyền sở hữu. Cụ thể, các loại cây lâu năm được chứng nhận quyền sở hữu bao gồm:

Một là, cây công nghiệp lâu năm: Cây ca cao, cao su, hồ tiêu, chè là những loại cây điển hình ở nước ta có thể trồng để thu hoạch công nghiệp (xuất khẩu, là nguyên liệu cho những sản phẩm khác, hoặc phải qua chế biến mới có thể sử dụng)

Hai là, các loại cây ăn quả lâu năm: Đây là những loại cây cho thu hoạch quả để ăn tươi hoặc được dùng để kết hợp tạo ra các sản phẩm khác, loại cây này xuất hiện nhiều ở nước ta, có thể kể đến như xoài, nhãn, vải, bưởi, cam, mận, chôm chôm, sầu riêng, măng cụt,...

Ba là, các loại cây dược liệu lâu năm: Đặc trưng của loại cây này là sản phẩm dùng để là dược liệu (thuốc…). Có thể nhắc tới những loại cây điển hình cho nhóm này gồm quế, hồi, sâm, long nhãn…

Bốn là, các loại cây lấy gỗ, cây bóng mát và cây cảnh quan lâu năm: Công dụng chủ yếu của các loại cây này là lấy gỗ để làm nguyên liệu chế biến thành các sản phẩm khác hoặc có tác dụng lấy bóng mát, làm đẹp trang trí. Một số loại cây đặc trưng cho nhóm cây này gồm có xoan, bạch đàn, mít, lộc vừng, keo, xà cừ, hoa sữa…

=> Đây là 04 nhóm cây được pháp luật quy định được phép chứng nhận quyền sở hữu cho chủ sở hữu.

Một số đặc điểm nhận diện những loại cây trồng lâu năm được chứng nhận sở hữu như sau:

- Đều là các giống cây thuộc một trong những nhóm cây thân gỗ hoặc nhóm cây thân bụi hoặc nhóm cây thân leo;

- Các loại cây có đặc điểm chỉ cần trồng 01 lần, quá trình sinh trưởng và phát triển của cây diễn ra trong nhiều năm và việc thu hoạch các sản phẩm từ các loại cây này (sản phẩm lấy từ lá, thân, hoa, quả, rễ…của cây) cũng được tiến hành trong nhiều năm. Thời gian từ khi gieo trồng đến khi thanh lý (loại bỏ) các loại cây này là trên 05 năm.

Lưu ý: Căn cứ vào quy định về các loại cây trồng lâu năm được chứng nhận sở hữu, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì xây dựng, trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định ban hành Danh mục loài cây trồng thuộc các loại cây lâu năm được chứng nhận quyền sở hữu trên địa bàn do mình quản lý.

Như vậy, do chưa có thông tin chính xác về loại cây mà bạn đang sở hữu là gì nên chúng tôi chưa thể kết luận về việc bạn có được chứng nhận sở hữu cây trồng lâu năm hay không. Nếu cây lâu năm của bạn thuộc một trong những nhóm cây mà chúng tôi nêu trên và theo danh mục loài cây trồng lâu năm do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi có cây ban hành thì có thể được Nhà nước chứng nhận quyền sở hữu.

chung nhan so huu cay trong lau nam


Giấy tờ chứng minh quyền sở hữu cây lâu năm gồm những loại nào?

Điều 34 Nghị định 43/2014/NĐ-CP quy định các loại giấy tờ được dùng làm căn cứ để chứng nhận sở hữu cây trồng lâu năm bao gồm:

Thứ nhất, Giấy chứng nhận (sổ đỏ/sổ hồng) hoặc một trong các giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật Đất đai 2013, Điều 18 Nghị định 43/2014 mà trong đó xác định Nhà nước giao đất, cho thuê đất hoặc công nhận quyền sử dụng đất để người sử dụng đất trồng cây lâu năm phù hợp với mục đích sử dụng đất ghi trên giấy tờ đó;

Một số các loại giấy tờ theo quy định tại Điều 100 Luật Đất đai 2013, Điều 18 Nghị định 43/2014/NĐ-CP như: Giấy tờ của nông trường, lâm trường quốc doanh về việc giao đất cho người lao động trong nông trường, lâm trường để làm nhà ở (nếu có) hoặc những giấy tờ do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp trước 15/10/1993 cho người sử dụng đất,...

Thứ hai, hợp đồng hoặc văn bản ghi nhận về việc mua bán, tặng cho, thừa kế đối với cây lâu năm đã được công chứng hoặc chứng thực theo quy định pháp luật;

Thứ ba, bản án hoặc quyết định của Tòa án hoặc giấy tờ của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đã có hiệu lực pháp luật về việc giải quyết được quyền sở hữu cây lâu năm;

Thứ tư, nếu chủ sở hữu cây trồng lâu năm là hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư không có giấy tờ theo các quy định nêu trên thì phải được Văn phòng đăng ký đất đai xác nhận có đủ điều kiện được công nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai hiện hành;

Thứ năm, quyết định phê duyệt dự án hoặc quyết định đầu tư dự án hoặc giấy chứng nhận đầu tư hoặc giấy phép đầu tư để trồng cây lâu năm theo quy định của pháp luật về đầu tư đối với trường hợp chủ sở hữu cây trồng lâu năm tổ chức trong nước;

Thứ sáu, trường hợp người sử dụng đất không đồng thời là chủ sở hữu cây lâu năm thì ngoài giấy tờ theo quy định nêu trên, chủ sở hữu cây trồng lâu năm phải có thêm:

- Văn bản thỏa thuận của người sử dụng đất cho phép sử dụng đất để trồng cây lâu năm (văn bản này phải được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật);

- Và bản sao giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai;

=> Để được sở hữu cây trồng lâu năm thì chủ sở hữu cây trồng lâu năm phải có các giấy tờ như chúng tôi đã nêu trên.

Cây lâu năm là một trong những tài sản gắn liền với đất, vì vậy, để được Nhà nước công nhận quyền sở hữu cây lâu năm, chủ sở hữu có thể thực hiện theo trình tự sau đây:

Bước 1: Chuẩn bị và nộp hồ sơ

Hồ sơ gồm:

- Các giấy tờ chứng minh quyền sở hữu cây lâu năm như chúng tôi đã nêu trên;

- Đơn đăng ký biến động đất đai mẫu 09/ĐK;

Ngoài ra, người sử dụng đất nên chuẩn bị thêm: Căn cước công dân/Chứng minh nhân dân/Hộ chiếu còn thời hạn và sổ hộ khẩu của mình.

Nơi nộp hồ sơ: Văn phòng đăng ký đất đai hoặc chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai hoặc bộ phận hành chính một cửa (nếu địa phương đã xây dựng bộ phận này).

Bước 2: Văn phòng đăng ký đất đai thực hiện các công việc

- Lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền ký quyết định chứng nhận sở hữu cây lâu năm;

- Cập nhật, chỉnh lý cơ sở dữ liệu đất đai, hồ sơ địa chính;

- Trả kết quả cho người yêu cầu;

Bước 3: Nhận kết quả

Chủ sở hữu cây trồng lâu năm nhận kết quả theo phiếu tiếp nhận hồ sơ và hẹn trả kết quả hành chính sau khi đã hoàn thành các nghĩa vụ tài chính (nếu có).

Kết luận: Chủ sở hữu cây lâu năm có thể được chứng nhận quyền sở hữu khi đảm bảo đầy đủ các điều kiện về hồ sơ, giấy tờ, loại cây,... theo quy định pháp luật mà chúng tôi đã nêu trên.

Trên đây là giải đáp thắc mắc về chứng nhận sở hữu cây trồng lâu năm​, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.

>> Có được xây nhà trên đất trồng cây lâu năm không?

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X