hieuluat
Chia sẻ email

Bệnh nhân chụp MRI có được hưởng BHYT không?

Chụp cộng hưởng từ (MRI) là phương pháp khám có giá thành cao hơn so với một số kỹ thuật y học khác. Vì vậy, nhiều người bệnh quan tâm chụp MRI có được hưởng BHYT không? 

Mục lục bài viết
  • Bệnh nhân chụp MRI có được hưởng BHYT không?
  • Mức chi trả bảo hiểm khi chụp MRI (Cộng hưởng từ)?
  • Năm 2023, giá chụp cộng hưởng từ là bao nhiêu?
Câu hỏi: Chào anh chị, gần đây em trai tôi (học cấp 3) bắt đầu có biểu hiện đau đầu liên tục, các cơn đau xuất hiện bất chợt không có quy luật, tâm trạng em cũng thường xuyên bất ổn và hay cáu gắt. Lúc đầu gia đình chỉ nghĩ do dậy thì và áp lực học hành nên cũng không quan tâm, nhưng khi thấy các cơn đau xuất hiện nhiều hơn thì gia đình tôi muốn đưa em trai đi chụp cộng hưởng từ.

Vậy khi khám, em tôi có được bảo hiểm y tế hỗ trợ không? Nếu được thì mức hỗ trợ là bao nhiêu? Giá dịch vụ chụp MRI hiện nay khoảng bao hiêm tiền?

Bệnh nhân chụp MRI có được hưởng BHYT không?

Để giải quyết câu hỏi chụp MRI có được hưởng BHYT không, ta xét quy định pháp luật sau:

Theo Phụ lục III Thông tư 13/2019/TT-BYT sửa đổi, bổ sung Thông tư 39 năm 2018 của Bộ Y tế, việc chụp MRI được liệt kê trong Danh mục dịch vụ kỹ thuật áp dụng cho các bệnh viện được BHYT chi trả, ví dụ:

- Chụp cộng hưởng từ (MRI) có thuốc cản quang;

- Chụp cộng hưởng từ (MRI) không có thuốc cản quang.

Tuy nhiên, để được thanh toán BHYT đối với dịch vụ này, cần đáp ứng được một số điều kiện sau đây:

- Dịch vụ, kỹ thuật y tế MRI phải được được cấp có thẩm quyền phê duyệt nằm trong danh mục được thực hiện tại bệnh viện;

- Được cấp có thẩm quyền phê duyệt giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo BHYT.

- Được tiến hành theo đúng trình tự chuyên môn được cấp có thẩm quyền phê duyệt, cụ thể: Giám đốc bệnh viện xây dựng, ban hành hướng dẫn, quy trình về chuyên môn, kỹ thuật và gửi những quy trình, hướng dẫn này cho cơ quan bảo hiểm xã hội tỉnh.

- Có sự chỉ định chụp và gửi cơ quan bảo hiểm xã hội.

(Căn cứ: khoản 3 Điều 4 và Danh mục 2 ban hành tại Thông tư 35/2016/TT-BYT).

Như vậy, người bệnh chụp MRI có thể được BHYT chi trả khi đáp ứng được các quy định trên.

Bệnh nhân chụp MRI có được hưởng BHYT không?
Bệnh nhân chụp MRI có được hưởng BHYT không?

Mức chi trả bảo hiểm khi chụp MRI (Cộng hưởng từ)?

Theo Điều 22 Luật BHYT 2008, khoản 15 Điều 1 Luật sửa đổi Luật BHYT năm 2014 và Điều 14 của Nghị định 146 năm 2018, khi bệnh nhân đi chụp cộng hưởng từ tại các bệnh viện có thể được chi trả theo mức sau:

Trường hợp 1: Khám, chữa bệnh đúng tuyến

- Bảo hiểm chi trả 100% tiền khám, chữa bệnh đối với: Bộ đội, công an; trẻ dưới 06 tuổi, mẹ Việt Nam anh hùng, cựu chiến binh, người có công với cách mạng; người thuộc hộ nghèo; người có 5 năm liên tục đóng BHYT và có số tiền cùng chi trả tiền khám, chữa bệnh trong năm vượt qua mức 6 tháng lương cơ sở…

- Chi trả 95% chi phí khám, chữa bệnh: Người nhận tiền hưu, trợ cấp mất sức hằng tháng; người thuộc hộ gia đình cận nghèo…

- Trả 80% chi phí khám, chữa bệnh: Đối tượng khác (ví dụ: sinh viên, học sinh...)

Trường hợp 2: Khám, chữa bệnh trái tuyến

- Tường hợp khám bệnh tại bệnh viện tuyến trung ương: bảo hiểm chi trả 40% chi phí điều trị nội trú trên mức hưởng đúng tuyến, cụ thể:

  • Nếu mức hưởng trên thẻ bảo hiểm của bệnh nhân là 100%: được chi trả 40% tiền khám, chữa bệnh trái tuyến;
  • Nếu mức hưởng trên thẻ bảo hiểm của bệnh nhân là 95%: được chi trả 38% tiền khám, chữa bệnh trái tuyến;
  • Nếu mức hưởng trên thẻ bảo hiểm của bệnh nhân là 80%: được chi trả 32% tiền khám, chữa bệnh trái tuyến.

- Tại bệnh viện tuyến tỉnh và tuyến huyện: bảo hiểm thanh toán 100% chi phí điều trị nội trú của mức hưởng đúng tuyến, cụ thể:

  • Nếu mức hưởng trên thẻ bảo hiểm của bệnh nhân là 100%: được chi trả 100% tiền khám, chữa bệnh trái tuyến;
  • Nếu mức hưởng trên thẻ bảo hiểm của bệnh nhân là 95%: được chi trả 95% tiền khám, chữa bệnh trái tuyến;
  • Nếu mức hưởng trên thẻ bảo hiểm của bệnh nhân là 80%: được chi trả 80% tiền khám, chữa bệnh trái tuyến.

Năm 2023, giá chụp cộng hưởng từ là bao nhiêu?

Căn cứ Phụ lục III Thông tư 13/2019/TT-BYT mới nhất hiện nay, giá dịch vụ chụp MRI áp dụng cho các bệnh viện có khám, chữa bệnh BHYT là:

- Chụp cộng hưởng từ (MRI) có thuốc cản quang: 2,214 triệu đồng;

- Chụp cộng hưởng từ (MRI) không có thuốc cản quang: 1,311 triệu đồng.

Ngoài ra, hiện nay còn có phương pháp chụp chiếu khác, ví dụ:

- Chụp cộng hưởng từ tưới máu - phổ - chức năng: 3,165 triệu đồng;

- Chụp cộng hưởng từ gan với chất tương phản đặc hiệu mô: 8,665 triệu đồng.

Có thể thấy, mức giá chụp cộng hưởng từ tại các bệnh viện khám BHYT đã có sự khác nhau tùy thuộc vào độ phức tạp, có dùng thuốc hay không…Nếu bệnh nhân đi chụp MRI tại các bệnh viện tư nhân thì chi phí sẽ còn cao hơn rất nhiều, do vậy cần cân nhắc vấn đề tài chính trước khi khám, chữa bệnh.

Trên đây là một số thông tin về vấn đề chụp MRI có được hưởng BHYT không. Nếu còn thắc mắc khác, xin vui lòng gửi câu hỏi về cho Hieuluat qua hotline  19006192 để được hỗ trợ, tư vấn chi tiết hơn.

Nguyễn Đức Hùng

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Đức Hùng

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X