hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 29/12/2021
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Có được khám, chữa bệnh theo thẻ BHYT cũ sau khi chuyển khẩu không?

Sau khi chuyển khẩu, nhiều quyền lợi của người dân có thể sẽ bị ảnh hưởng. Trong đó, vấn đề mà người dân khá quan tâm là quyền lợi khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT) có bị ảnh hưởng hay không?

Mục lục bài viết
  • Chuyển khẩu, có được khám chữa bệnh theo thẻ BHYT cũ không?
  • Thay đổi hộ khẩu, cần đổi thẻ BHYT khi nào?
  • Hồ sơ, thủ tục đổi thẻ BHYT thế nào?
Câu hỏi: Xin chào anh chị. Cho em hỏi, sắp tới em đi đẻ nhưng đã chuyển khẩu về nhà chồng thì khi đi đẻ có dùng được bảo hiểm y tế cũ không ạ. Theo em được biết thì khi đi đẻ phải mang sổ hộ khẩu, CMND và thẻ BHYT (CMND và thẻ BHYT vẫn trùng khớp thông tin). Mong anh chị trả lời câu hỏi của em.

Chuyển khẩu, có được khám chữa bệnh theo thẻ BHYT cũ không?

Tại khoản 4 Điều 16 Luật Bảo hiểm y tế 2008,  thẻ bảo hiểm y tế không có giá trị sử dụng trong các trường hợp sau đây:

- Thẻ đã hết thời hạn sử dụng;

- Thẻ bị sửa chữa, tẩy xoá;

- Người có tên trong thẻ không tiếp tục tham gia bảo hiểm y tế.

Theo quy định này, có thể hiểu khi bạn chuyển khẩu nhưng không thuộc một trong các trường hợp nêu trên thì thẻ BHYT của bạn vẫn còn giá trị sử dụng.

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 15 Nghị định 146/2018/NĐ-CP về thủ tục khám, chữa bệnh BHYT như sau:

1. Người tham gia bảo hiểm y tế khi đến khám bệnh, chữa bệnh phải xuất trình thẻ bảo hiểm y tế có ảnh; trường hợp thẻ bảo hiểm y tế chưa có ảnh thì phải xuất trình một trong các giấy tờ tùy thân có ảnh do cơ quan, tổ chức có thẩm quyền cấp hoặc Giấy xác nhận của Công an cấp xã hoặc giấy tờ khác có xác nhận của cơ sở giáo dục nơi quản lý học sinh, sinh viên; các giấy tờ chứng minh nhân thân hợp pháp khác.

Theo đó, khi tới cơ sở khám, chữa bệnh, nhân viên y tế sẽ yêu cầu bạn xuất trình thẻ BHYT có ảnh để đối chiếu.

Trường hợp thẻ của bạn chưa có ảnh thì xuất trình các giấy tờ tùy thân như CMND để chứng minh nhân thân và đối chiếu thông tin với thẻ BHYT. Điều này cũng có nghĩa, việc chuyển khẩu sẽ không làm ảnh hưởng tới quá trình sử dụng thẻ BHYT của bạn khi đi khám, chữa bệnh.

Chuyển khẩu có được khám chữa bệnh theo BHYT cũ (Ảnh minh họa)


Thay đổi hộ khẩu, cần đổi thẻ BHYT khi nào?

Mặc dù việc chuyển khẩu không ảnh hưởng đến quyền lợi của bạn khi khám, chữa bệnh bằng thẻ BHYT cũ, tuy nhiên vẫn còn một số trường hợp pháp luật yêu cầu khi chuyển khẩu người dân phải làm thủ tục đổi CMND. Từ đó dẫn đến việc người sử dụng thẻ BHYT cũng phải đổi thẻ để trùng khớp thông tin với CMND.

Cụ thể, Theo Thông tư 04/1999/TT-BCA hướng dẫn Nghị định 05/1999/NĐ-CP, người đã được cấp chứng minh nhân dân nhưng chuyển nơi đăng ký hộ khẩu thường trú ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì phải tiến hành thủ tục đổi chứng minh nhân dân.

Tóm lại, trường hợp bạn chuyển khẩu nhưng thông tin trên CMND và thẻ BHYT vẫn trùng khớp và không thuộc trường hợp phải đổi CMND thì bạn vẫn được sử dụng BHYT cũ khi đi khám, chữa bệnh.

Hồ sơ, thủ tục đổi thẻ BHYT thế nào?

Theo Quyết định 595/QĐ-BHXH được sửa đổi, bổ sung bởi Quyết định 505/QĐ-BHXH, hồ sơ đổi thẻ bảo hiểm y tế gồm:

- Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin BHXH, BHYT;

- Trường hợp người lao động được hưởng quyền lợi BHYT cao hơn, bổ sung giấy tờ chứng minh (nếu có).

- Trường hợp người tham gia được hưởng quyền lợi BHYT cao hơn: Bổ sung Giấy tờ chứng minh (nếu có).

Tủy từng trường hợp nhất định, nơi tiếp nhận hồ sơ đổi thẻ BHYT sẽ khác nhau. Cụ thể, căn cứ Điều 31 Quyết định 595/QĐ-BHXH được sửa đổi, bổ sung bởi Quyết định 505/QĐ-BHXH:

- Người do tổ chức BHXH đóng: Nộp hồ sơ tại UBND xã hoặc cơ quan BHXH. Với người đang hưởng trợ cấp thất nghiệp khi cấp lại, đổi thẻ bảo hiểm y tế: Nộp hồ sơ cho cơ quan BHXH.

- Người tham gia do ngân sách nhà nước đóng: Nộp hồ sơ cho UBND xã.

Trường hợp điều chỉnh thông tin nộp hồ sơ cho UBND xã hoặc cho cơ quan BHXH.

- Người được ngân sách nhà nước hỗ trợ một phần mức đóng: Nộp hồ sơ cho Đại lý thu hoặc cho cơ quan BHXH.

- Với học sinh, sinh viên đóng theo nhà trường thì nộp hồ sơ cho nhà trường.

- Người tham gia bảo hiểm y tế hộ gia đình: Nộp hồ sơ cho Đại lý thu hoặc cho cơ quan BHXH.

- Người đóng tại doanh nghiệp: Nộp hồ sơ cho đơn vị sử dụng lao động để được đổi thẻ.

Trên đây là giải đáp về Chuyển khẩu có được khám chữa bệnh theo BHYT cũ. Nếu còn thắc mắc, hãy để lại câu hỏi để chúng tôi hỗ trợ bạn hoặc gọi đến hotline  19006199 để được tư vấn.

Có thể bạn quan tâm

X