hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Sáu, 02/12/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Chuyển nhượng đất của hộ gia đình: Thủ tục, điều kiện thế nào?

Chuyển nhượng đất của hộ gia đình cần chữ ký của những người nào? Thủ tục chuyển nhượng đất của hộ gia đình được thực hiện thế nào? Cùng HieuLuat giải đáp những vướng mắc này trong bài viết dưới đây nhé.

 
Câu hỏi: Chào bạn, gia đình tôi có thửa đất ở, đất nông nghiệp được cấp sổ từ năm 1996.

Đất ghi nhận là cấp cho hộ gia đình ông Nguyễn Ngọc D (là tên của bố tôi).

Nay, do muốn bán phần diện tích đất này đi để mua nhà đất ở chỗ khác nhưng chưa hiểu rõ thủ tục, trình tự thực hiện chuyển nhượng.

Mong Luật sư hướng dẫn cách thực hiện chuyển nhượng đất của hộ gia đình theo quy định hiện nay?

Chị dâu tôi có tên trên sổ hộ khẩu của gia đình tôi vào năm 2018, vậy khi bán đất có cần chữ kỹ của chị dâu tôi không thưa Luật sư?

Chào bạn, với những vướng mắc pháp lý liên quan đến việc chuyển nhượng đất của hộ gia đình mà bạn đang quan tâm, chúng tôi xin được giải đáp như sau:

Chuyển nhượng đất của hộ gia đình cần chữ ký của ai?

Chữ ký của các thành viên hộ gia đình sử dụng đất trên hợp đồng chuyển nhượng là căn cứ để xác định rằng việc chuyển nhượng đất đã đủ điều kiện theo quy định pháp luật.

Để xác định được ai có quyền được ký tên trên hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất thì trước hết cần hiểu đất cấp cho hộ gia đình được hiểu thế nào hay hộ gia đình sử dụng đất được hiểu như thế nào.

Khoản 29 Điều 3 Luật Đất đai 2013 định nghĩa về hộ gia đình sử dụng đất như sau:

29. Hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, đang sống chung và có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất; nhận chuyển quyền sử dụng đất.

Theo định nghĩa trên, một số dấu hiệu nhận biết đối với trường hợp hộ gia đình sử dụng đất như sau:

  • Là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống hoặc nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật hôn nhân và gia đình. Ví dụ như có quan hệ vợ chồng, ông bà và con cháu,...;

  • Những người này phải đang sống chung và cùng có quyền sử dụng đất tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất hoặc nhận chuyển quyền sử dụng đất;

Để xác định chính xác những người nào trong hộ gia đình có quyền đối với phần diện tích thửa đất đang chuẩn bị tham gia giao dịch cần căn cứ vào:

  • Hồ sơ, tài liệu thực hiện thủ tục sang tên sổ đỏ nhận chuyển quyền, xin cấp sổ do được Nhà nước công nhận, giao hoặc cho thuê đất;

  • Văn bản xác nhận/xác định những người có quyền đối với phần diện tích đất được cấp sổ đỏ cho hộ gia đình của văn phòng đăng ký đất đai có thẩm quyền tại thời điểm hộ gia đình được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất hoặc cho phép nhận chuyển quyền sử dụng đất;

Theo thông tin mà bạn cung cấp, chúng tôi tạm thời có thể suy ra một số nội dung sau đây:

  • Chị dâu bạn không thể có quyền quyết định việc có mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất mang tên hộ gia đình nếu như trong hồ sơ cấp sổ đỏ cho gia đình bạn/văn bản xác nhận của cơ quan đăng ký đất đai không có tên chị dâu bạn;

  • Chị dâu bạn có quyền ký tên trên văn bản chuyển nhượng nếu được nhận ủy quyền từ người có quyền sử dụng đối với thửa đất cấp cho hộ gia đình hoặc là một trong những người có quyền đối với phần diện tích đất cấp cho hộ gia đình bạn;

Kết luận: Chị dâu của bạn có quyền ký tên trên hợp đồng chuyển nhượng đất của hộ gia đình, hoặc quyết định việc chuyển nhượng nếu thỏa mãn điều kiện là một trong những người được Nhà nước công nhận quyền sử dụng hợp pháp hoặc được nhận ủy quyền từ người có quyền đối với thửa đất đã được cấp.

Ngoài các trường hợp trên, gia đình bạn có quyền mua bán, chuyển nhượng quyền sử dụng đất cấp cho hộ gia đình mà không cần sự đồng ý của chị dâu bạn.

chuyen nhuong dat cua ho gia dinh


Thủ tục chuyển nhượng đất của hộ gia đình ra sao?

Căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013, việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất phải được lập thành văn bản có công chứng hoặc chứng thực.

Lập hợp đồng có công chứng, chứng thực là bước đầu tiên để thực hiện chuyển nhượng đất của hộ gia đình.

Trong đó, việc công chứng phải được thực hiện tại các tổ chức hành nghề công chứng là văn phòng công chứng hoặc phòng công chứng; việc chứng thực được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất.

Thông thường, đối với đất cấp cho hộ gia đình, trước khi các bên ký kết hợp đồng, công chứng viên, người có thẩm quyền ký chứng thực hợp đồng chuyển nhượng sẽ yêu cầu bên chuyển quyền xin xác nhận về những người có quyền đối với thửa đất chuyển nhượng.

Việc xác nhận được thực hiện tại văn phòng đăng ký đất đai nơi có đất.

Sau khi đã xác định được những người có quyền quyết định việc chuyển nhượng, các bên tiến hành thủ tục chuyển nhượng đất của hộ gia đình theo các bước sau:

Bước 1: Lập hợp đồng chuyển nhượng có công chứng, chứng thực

Việc lập hợp đồng có công chứng, chứng thực được thực hiện khi các bên đã có đầy đủ hồ sơ, giấy tờ và đã có sự thống nhất, thỏa thuận về vấn đề chuyển nhượng.

Thông thường, hồ sơ gồm:

  • Văn bản xác nhận của văn phòng đăng ký đất đai về những người có quyền đối với phần diện tích đất chuyển nhượng;

  • Giấy tờ tùy thân, giấy tờ chứng minh nơi ở hợp pháp, giấy tờ chứng minh quan hệ hôn nhân của hai bên;

  • Sổ đỏ/giấy chứng nhận bản gốc đã cấp cho người sử dụng đất;

  • Văn bản ủy quyền (nếu có);

  • Giấy tờ hợp pháp khác theo yêu cầu của công chứng viên hoặc người có thẩm quyền chứng thực hợp đồng chuyển nhượng;

Bước 2: Sang tên sổ đỏ/đăng ký biến động tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền

Sau khi đã ký kết hợp đồng chuyển nhượng có công chứng, chứng thực, bên có nghĩa vụ đăng ký sang tên thực hiện nộp hồ sơ sang tên tại văn phòng đăng ký đất đai/văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất có thẩm quyền.

Bước 3: Đóng nộp các khoản chi phí theo quy định pháp luật

Theo thông báo đóng nộp các khoản chi phí của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền, người có yêu cầu sang tên sổ đỏ nộp tiền theo đúng thời hạn, số tiền được ghi nhận trên thông báo.

Bước 4: Nhận kết quả

Người nhận kết quả được nhận sổ đỏ đã sang tên hoặc đã được đăng ký biến động sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính với Nhà nước theo quy định.

Kết luận: Thủ tục chuyển nhượng đất của hộ gia đình được thực hiện theo trình tự các bước như chúng tôi đã nêu trên.

Nếu trong quá trình thực hiện chuyển nhượng, sang tên đất cấp cho hộ gia đình mà có phát sinh tranh chấp thì các bên phải giải quyết xong tranh chấp mới có thể tiếp tục thực hiện thủ tục sang tên theo quy định.

Trên đây là giải đáp thắc mắc về chuyển nhượng đất của hộ gia đình, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006192 để được hỗ trợ.

Nguyễn Văn Việt

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Việt

Công ty Luật TNHH I&J - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X