hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Năm, 08/12/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Chuyển nhượng đất giao khoán phải đảm bảo điều kiện gì?

Pháp luật cho phép chuyển nhượng đất giao khoán không? Điều kiện chuyển nhượng là gì? HieuLuat sẽ giải đáp vướng mắc về loại đất này trong bài viết dưới đây.

 
Câu hỏi: Xin chào Luật sư, cha mẹ tôi đang sử dụng phần diện tích đất rộng khoảng 1000m2 tại tỉnh Y.

Nguồn gốc đất là được nông trường chè (nông trường quốc doanh) giao khoán cho từ rất lâu trước đây, có cả hồ sơ giao khoán đất.

Kể từ thời điểm được giao khoán, hàng năm, cha mẹ tôi vẫn đóng tiền khoán cho nông trường.

Việc đóng nộp này được thực hiện cho tới khi nông trường giải thể.

Đất được giao khoán, cha mẹ tôi dùng một phần để xây dựng nhà ở, phần còn lại là trồng cây chè, sau đó là trồng cây ăn quả lâu năm.

Hiện tại, cha mẹ tôi muốn bán một phần diện tích đất này cho vợ chồng người chú ruột của tôi (em trai ruột của bố tôi).

Cha mẹ tôi cần phải làm thủ tục gì để bán, thưa Luật sư?

Chào bạn, với câu hỏi về vấn đề chuyển nhượng đất giao khoán mà bạn đang quan tâm, chúng tôi xin được giải đáp như sau:

Đất giao khoán là đất gì? Quy định ở đâu?

Trước khi tìm hiểu quy định về điều kiện chuyển nhượng đất giao khoán, cần phải hiểu rõ đất giao khoán là loại đất gì, có đặc điểm như thế nào.

Hiện nay, đất giao khoán chưa được định nghĩa trong các văn bản pháp luật.

Hiểu theo nghĩa rộng, đất giao khoán là loại đất mà người sử dụng có được quyền sử dụng thông qua việc nhận khoán, được giao từ cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Thực tế, đất giao khoán/hay đất khoán là từ thường được dùng để mô tả phần diện tích đất hộ gia đình, cá nhân được sử dụng thông qua việc nhận khoán đất từ các nông trường, lâm trường quốc doanh (đơn vị kinh tế có nguồn vốn Nhà nước).

Thông thường, hộ gia đình, cá nhân là cán bộ công nhân viên, người sinh sống tại địa phương nơi có các nông, lâm trường quốc doanh thường là những người được nhận khoán, nhận giao đất của nông, lâm trường đó. Trong đó:

  • Người sử dụng đất có nghĩa vụ trả sản phẩm khoán theo chu kỳ năm hoặc trả tiền/vật chất tương ứng để nhận đất được giao từ nông, lâm trường;

  • Quyền quản lý, sử dụng đối với đất được giao khoán vẫn thuộc về nông, lâm trường;

  • Các nông, lâm trường quốc doanh này chính là các đơn vị kinh tế được thành lập dưới hình thức công ty trách nhiệm hữu hạn, thực hiện các nhiệm vụ, công việc được Nhà nước giao;

  • Mục đích sử dụng đất của nông, lâm trường và đất được giao, khoán cho các hộ gia đình, cá nhân phải tuân thủ theo quyết định giao đất hoặc cho thuê đất mà nông lâm trường có được;

  • Do vậy, mục đích sử dụng đất có thể là trồng cây lâu năm, xây dựng nhà ở, sản xuất nông nghiệp,...;

Theo quy định pháp luật hiện hành, hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất do nhận khoán, nhận giao từ nông, lâm trường trước đây (nay đã giải thể) có thể được Nhà nước cấp giấy chứng nhận khi đảm bảo đủ điều kiện hoặc không được cấp giấy chứng nhận khi không đủ điều kiện.

Căn cứ quy định của Luật Đất đai 2013, Điều 46 Nghị định 43/2014/NĐ-CP và theo thông tin mà bạn cung cấp, diện tích đất mà cha mẹ bạn đang sử dụng có thể thuộc một trong hai trường hợp sau đây:

Thuộc quỹ đất đã bàn giao cho địa phương quản lý

Thuộc phần diện tích đất chưa bàn giao cho địa phương quản lý

  • Lúc này, cha mẹ bạn có thể được cấp sổ đỏ cho phần diện tích đất nhận giao khoán từ nông, lâm trường nếu phù hợp với quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, thỏa mãn khoản 4 Điều 46 Nghị định 43/2014/NĐ-CP và Luật Đất đai 2013;

  • Điều này cũng có nghĩa là diện tích đất mà cha mẹ bạn đang sử dụng được quyền mua bán, chuyển nhượng khi đáp ứng các điều kiện luật định;

  • Phần diện tích đất mà cha mẹ bạn đang sử dụng có thể được tiếp tục sử dụng theo phương án sử dụng đất của nông, lâm trường đã được phê duyệt;

  • Hoặc sử dụng đất theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

  • Hoặc có thể bị thu hồi để bàn giao cho địa phương quản lý;

  • Sau khi bàn giao cho địa phương, cha mẹ bạn có thể đề nghị xin giao đất, cho thuê đất đối với phần diện tích đất này theo quy định tại khoản 4 Điều 46 Nghị định 43/2014/NĐ-CP;

  • Nếu thuộc trường hợp này, cha mẹ bạn sẽ không được cấp sổ đỏ đối với phần diện tích đất được giao khoán theo Điều 19 Nghị định 43/2014/NĐ-CP;

Như vậy, có thể hiểu đơn giản đất giao khoán là phần diện tích đất mà người sử dụng đất được quyền sử dụng hợp pháp khi được giao hoặc được nhận khoán từ cơ quan, tổ chức có thẩm quyền.

Để được chuyển nhượng đất giao khoán thì người sử dụng đất phải đảm bảo các điều kiện luật định, một trong số đó là phải có giấy chứng nhận, cụ thể các điều kiện chuyển nhượng được chúng tôi nêu ở phần dưới đây.

chuyen nhuong dat giao khoan


Điều kiện chuyển nhượng đất giao khoán gồm những gì? 

Như chúng tôi đã trình bày, việc chuyển nhượng đất giao khoán giữa cha mẹ bạn và vợ chồng em trai ruột của cha bạn chỉ được thực hiện nếu thỏa mãn các điều kiện của pháp luật về đất đai.

Căn cứ quy định tại Điều 188 Luật Đất đai 2013, các văn bản khác có liên quan, đất giao khoán được phép chuyển nhượng khi thỏa mãn đầy đủ các điều kiện sau:

  • Được cấp giấy chứng nhận/sổ đỏ mang tên bên bán/bên chuyển nhượng;

  • Tại thời điểm chuyển nhượng, đất giao khoán không có tranh chấp, không bị kê biên để đảm bảo thi hành án, trong thời hạn sử dụng đất;

  • Đất giao khoán không là đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất hoặc đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên được giao, khoán theo quy định pháp luật;

  • Việc chuyển nhượng không thuộc trường hợp không được phép chuyển nhượng hoặc hạn chế chuyển nhượng theo quy định tại Điều 191, Điều 192 Luật Đất đai 2013;

  • Đối với trường hợp của bạn, việc chuyển nhượng được thực hiện sau khi thửa đất được tách thửa/hoặc được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp nhận việc tách thửa đất giao khoán;

Nếu thửa đất đủ điều kiện chuyển nhượng, các bên ký kết hợp đồng chuyển nhượng đất và thực hiện sang tên/đăng ký biến động theo thủ tục của pháp luật.

Với những phân tích, giải đáp và căn cứ mà chúng tôi đã nêu trên, có thể nhận thấy, việc chuyển nhượng đất giao khoán của cha mẹ bạn chỉ được thực hiện nếu thửa đất này đáp ứng toàn bộ những yêu cầu mà chúng tôi đã nêu ở trên.

Trong trường hợp không đủ điều kiện chuyển nhượng/hoặc chưa được cấp sổ đỏ, bạn có thể xử lý theo trình tự sau đây:

  • Liên hệ với cơ quan quản lý đất đai tại địa phương (Ủy ban nhân dân cấp xã, văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh cấp huyện nơi có đất) để hỏi, xin cung cấp thông tin pháp lý về thửa đất mà cha mẹ bạn đang sử dụng;

  • Nộp hồ sơ xin cấp sổ đỏ lần đầu đối với thửa đất đang sử dụng;

  • Ký kết hợp đồng chuyển nhượng có công chứng hoặc chứng thực;

  • Thực hiện đăng ký biến động đất đai/sang tên sổ đỏ tại cơ quan có thẩm quyền;

Kết luận: Pháp luật đất đai hiện hành cho phép người sử dụng đất được chuyển nhượng đất giao khoán nếu thỏa mãn các điều kiện như chúng tôi đã nêu ở trên.

Trình tự, thủ tục chuyển nhượng đất giao khoán cũng giống như các trường hợp chuyển nhượng các loại đất thông thường khác.

Trên đây là giải đáp thắc mắc của chúng tôi về chuyển nhượng đất giao khoán, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.
Nguyễn Văn Việt

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Việt

Công ty Luật TNHH I&J - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X