hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 28/11/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Chuyển nhượng đất giấy viết tay có giá trị pháp luật không?

Chuyển nhượng đất giấy viết tay có giá trị pháp lý không? Được pháp luật công nhận không? Có thể làm sổ đỏ từ mua bán bằng giấy tay không? HieuLuat sẽ giải đáp cho bạn đọc việc mua bán này trong bài viết dưới đây.

 
Câu hỏi: Chào Luật sư, gia đình tôi có mua một phần diện tích đất của nhà hàng xóm vào năm 1995.

Tại thời điểm mua, nhà hàng xóm đã có sổ đỏ.

Việc mua bán giữa gia đình tôi và gia đình hàng xóm chỉ là viết giấy tay, có chữ ký của các bên và có người làm chứng là bác trưởng thôn.

Tới nay, gia đình tôi muốn làm sổ đỏ cho phần diện tích đất mua này thì phải làm thế nào thưa Luật sư?

Chào bạn, chúng tôi xin giải đáp vướng mắc về làm sổ đỏ khi chuyển nhượng đất giấy viết tay của bạn như sau:

Chuyển nhượng đất giấy viết tay có giá trị không?

Trước hết, chuyển nhượng quyền sử dụng đất là quyền của người sử dụng đất. Tuy nhiên, việc chuyển nhượng này được thực hiện khi đảm bảo những quy định của pháp luật.

Việc chuyển nhượng đất đai vào năm 1995 được thực hiện theo quy định của Luật Đất đai 1993 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

Cụ thể, Điều 75 Luật Đất đai 1993 quy định về điều kiện được chuyển nhượng quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất ở là:

  • Di chuyển đi nơi khác;

  • Hoặc không còn nhu cầu ở;

Nếu là chuyển nhượng đất nông nghiệp, đất để trồng rừng thì điều kiện là:

  • Di chuyển đi nơi khác;

  • Hoặc chuyển sang làm nghề khác;

  • Hoặc không còn khả năng trực tiếp lao động;

Để được chuyển nhượng thì các bên phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định tại khoản 2 Điều 75 Luật Đất đai 1993:

...

2- Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất ở, do chuyển đi nơi khác hoặc không còn nhu cầu ở được chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Việc chuyển nhượng phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép. Người nhận đất phải sử dụng đúng mục đích.

Ngoài ra, thủ tục thực hiện chuyển nhượng quyền sử dụng đất được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi có đất theo quy định tại Điều 31 Luật Đất đai 1993.

Từ những căn cứ nêu trên, giấy chuyển nhượng đất viết tay được ký kết giữa bạn và gia đình hàng xóm và không được cơ quan có thẩm quyền cho phép (từ cấp xã trở lên) là giấy tờ không có giá trị pháp lý theo quy định pháp luật.

Nói cách khác, hợp đồng chuyển nhượng đất được lập bằng giấy viết tay được bạn và gia đình hàng xóm lập không có giá trị pháp luật theo quy định của Luật Đất đai 1993.

Tại thời điểm năm 1995, việc mua bán/chuyển nhượng đất đai được coi là có giá trị pháp lý nếu như thực hiện theo trình tự như sau:

Bước 1: Lập, ký kết hợp đồng

  • Hợp đồng mua bán được lập là mẫu hợp đồng được ban hành bởi cơ quan Nhà nước có thẩm quyền;

  • Sau khi đã lập và các bên ký kết hợp đồng thì hợp đồng này phải được Ủy ban nhân dân cấp xã ký xác nhận vào mục 1 Phần II của bản hợp đồng đối với những trường hợp đủ điều kiện sang tên, chuyển nhượng;

  • Nếu không đủ điều kiện chuyển nhượng, Ủy ban nhân dân cấp xã trả hồ sơ cho các bên và nêu rõ lý do không được chuyển nhượng;

Bước 2: Phòng địa chính tiếp nhận, xem xét hồ sơ

  • Sau khi nhận được hồ sơ từ Ủy ban nhân dân cấp xã (hợp đồng, bản sao sổ đỏ, trích lục thửa đất/trích đo trên thực địa, chứng từ nộp tiền thuê đất nếu có), Phòng Địa chính (thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện) ghi nội dung thẩm tra vào mục 2 Phần II của bản hợp đồng;

  • Trường hợp đủ điều kiện chuyển nhượng, Ủy ban nhân dân cấp huyện xác nhận được chuyển nhượng vào mục 2 Phần II của bản hợp đồng sau khi đã nhận hồ sơ trình từ Phòng Địa chính;

  • Phòng Địa chính thông báo cho các bên nộp thuế, phí (bên bán nộp thuế thu nhập cá nhân, bên mua nộp lệ phí trước bạ);

  • Phòng Địa chính ghi nhận sự biến động vào sổ theo dõi biến động đất đai, trả hồ sơ cho các bên;

  • Bên mua được Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp sổ đỏ theo quy định pháp luật;

Ngoài ra, với quy định pháp luật hiện hành, việc mua bán, chuyển nhượng đất phải được lập thành văn bản có công chứng hoặc chứng thực theo quy định tại khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013.

Mọi hợp đồng chuyển nhượng đất đai không tuân thủ quy định tại khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013 đều không có hiệu lực pháp luật.

Kết luận: Chuyển nhượng đất giấy viết tay là việc các bên không có công chứng, chứng thực hoặc được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép thực hiện.

Điều đó đồng nghĩa rằng, văn bản chuyển nhượng được lập không có hiệu lực pháp luật theo quy định.

Để có giá trị pháp luật, các hợp đồng mua bán, chuyển nhượng đất đai hiện nay đều phải được lập bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực theo trình tự, thủ tục luật định.

chuyen nhuong dat giay viet tay


Làm sổ đỏ khi chuyển nhượng đất giấy viết tay được không?

Luật Đất đai 2013 cùng các văn bản hướng dẫn thi hành cho phép người mua/người nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất được làm sổ đỏ.

Cụ thể, theo thông tin bạn cung cấp, tại thời điểm mua đất, bên bán đã được cấp sổ đỏ, do đó, gia đình bạn có thể lựa chọn thực hiện một trong ba cách sau để được cấp sổ đỏ cho phần diện tích đất mà mình đã mua.

Cách 1: Ký lại hợp đồng mua bán/chuyển nhượng

  • Đây là cách thức nhanh chóng, trực tiếp và phù hợp với quy định pháp luật;

  • Các bên thực hiện ký kết hợp đồng mới có công chứng, chứng thực theo quy định pháp luật;

  • Sau khi ký kết, các bên thực hiện thủ tục đăng ký biến động, sang tên theo trình tự, thủ tục luật định;

Cách 2: Sang tên sổ đỏ theo khoản 2 Điều 82 Nghị định 43/2014/NĐ-CP

Tại đây, thủ tục thực hiện theo trình tự như sau:

  • Bên mua nộp hồ sơ đề nghị sang tên sổ đỏ (hồ sơ gồm sổ đỏ bản gốc, hợp đồng mua bán, giấy tờ nhân thân các bên, đơn đăng ký biến động đất đai và các giấy tờ hợp pháp khác);

  • Văn phòng đăng ký đất đai thông báo bằng văn bản cho bên bán, niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất về việc sang tên, cấp sổ đỏ cho bên mua;

  • Văn phòng đăng ký đất đai xác nhận biến động hoặc lập hồ sơ trình cơ quan có thẩm quyền thực hiện cấp sổ mới cho bên mua;

  • Bên mua có nghĩa vụ đóng nộp các khoản thuế, phí theo quy định trước khi nhận sổ đỏ mang tên của mình;

Cách 3: Đề nghị Tòa án nhân dân có thẩm quyền công nhận giao dịch

  • Các bên có thể căn cứ quy định tại Điều 129 Bộ luật Dân sự 2015 để đề nghị Tòa án nhân dân có thẩm quyền công nhận giao dịch chuyển nhượng đất bằng giấy tay là có hiệu lực pháp luật.

  • Điều kiện để được công nhận là các bên phải thực hiện ít nhất ⅔ các nghĩa vụ được thỏa thuận trong hợp đồng đã ký kết;

  • Căn cứ bản án/quyết định của Tòa án, bên mua đề nghị văn phòng đăng ký đất đai có thẩm quyền thực hiện thủ tục cấp sổ đỏ, đăng ký biến động theo quy định;

Kết luận: Chuyển nhượng đất giấy viết tay là việc chuyển nhượng không có hiệu lực pháp luật.

Tuy nhiên, pháp luật hiện hành vẫn có thể cho phép bên nhận chuyển nhượng được làm sổ đỏ cho thửa đất đã mua nếu đáp ứng đủ điều kiện và thực hiện theo một trong 3 cách mà chúng tôi đã nêu trên.

Trên đây là giải đáp thắc mắc về chuyển nhượng đất giấy viết tay, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006192 để được hỗ trợ.
Nguyễn Văn Việt

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Việt

Công ty Luật TNHH I&J - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Bài viết đã giải quyết được vấn đề của bạn chưa?
Rồi
Chưa

Có thể bạn quan tâm