hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 07/12/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Chuyển nhượng đất rừng trái phép có phải đi tù không?

Chuyển nhượng đất rừng trái phép bị xử lý thế nào? Pháp luật có cho phép chuyển nhượng đất rừng không? Cùng HieuLuat giải đáp trong bài viết dưới đây nhé.

 
Câu hỏi: Chào Luật sư, tôi đang sinh sống và làm việc tại tỉnh L. Khu vực tôi sinh sống có rất nhiều rừng.

Dạo thời gian gần đây, tôi thấy có nhiều người ở tỉnh khác, có cả doanh nghiệp đến khu vực tôi sinh sống để kinh doanh hoặc để đầu tư.

Tôi thấy có trường hợp họ tách thửa để bán, có trường hợp thì bán toàn bộ rừng.

Đa số rừng ở khu vực tôi đang sinh sống là rừng sản xuất, tôi không rõ loại rừng này là chủ rừng được giao hay được công nhận.

Tôi muốn hỏi Luật sư, việc họ bán rừng như vậy là đúng hay sai?

Nếu như bán rừng trái phép thì họ phải chịu trách nhiệm pháp lý như thế nào?

Xin chào bạn, với những vướng mắc của bạn xoay quanh vấn đề trách nhiệm pháp lý đối với việc chuyển nhượng đất rừng trái phép, chúng tôi xin được giải đáp như sau:

Điều kiện chuyển nhượng đất rừng là gì?

Để hiểu chuyển nhượng đất rừng trái phép khi nào thì cần hiểu rõ điều kiện để được chuyển nhượng đất rừng theo quy định của pháp luật đất đai hiện hành.

Theo đó, Điều 188 Luật Đất đai 2013 quy định về điều kiện chuyển nhượng đất/quyền sử dụng đất rừng (đất rừng nói chung) bao gồm:

  • Đất rừng đã được cấp giấy chứng nhận (giấy chứng nhận/sổ đỏ phải được mang tên người bán/người chuyển nhượng);

  • Đất rừng không có tranh chấp, không bị kê biên để đảm bảo thi hành án tại thời điểm thực hiện chuyển nhượng;

  • Thời hạn sử dụng đất rừng vẫn còn tại thời điểm thực hiện giao dịch chuyển nhượng;

  • Bên nhận chuyển nhượng không thuộc trường hợp không được nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định tại Điều 191 Luật Đất đai 2013;

  • Nếu thuộc trường hợp người sử dụng đất rừng là người dân tộc thiểu số được Nhà nước giao đất rừng để sản xuất theo chính sách hỗ trợ thì chỉ được chuyển nhượng sau thời hạn 10 năm, kể từ ngày có quyết định giao (khoản 3 Điều 192 Luật Đất đai 2013);

  • Việc chuyển nhượng phải được đăng ký tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền;

  • Ngoài ra, theo thông tin bạn cung cấp, có một số trường hợp việc chuyển nhượng đất rừng được thực hiện sau khi đã tách thửa đất, do đó, để chuyển nhượng hợp pháp thì yêu cầu tách thửa đất của bên chuyển nhượng phải được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép;

  • Việc chuyển nhượng phải được lập thành văn bản có công chứng hoặc chứng thực theo quy định tại khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013;

  • Nếu bên chuyển nhượng được Nhà nước cho thuê đất rừng thì điều kiện được chuyển nhượng là không thuộc trường hợp đất được Nhà nước cho thuê trả tiền thuê hàng năm (quy định tại Điều 175, khoản 2 Điều 179, Điều 180 Luật Đất đai 2013);

  • Trường hợp đất rừng là rừng phòng hộ hoặc rừng đặc dụng thì việc chuyển nhượng chỉ được thực hiện đối với phần diện tích đất ở, đất sản xuất nông nghiệp (trong khu vực đất rừng phòng hộ) hoặc đất ở, đất rừng kết hợp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sinh sống trong phân khu đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng đó. Hay người sử dụng đất là người được Nhà nước giao đất rừng phòng hộ, rừng đặc dụng thì không được phép chuyển nhượng;

  • Riêng trường hợp chuyển nhượng đất rừng sản xuất thì cần thêm điều kiện:

  • Bên chuyển nhượng thuộc một trong những trường hợp được phép chuyển nhượng rừng theo quy định tại Luật Lâm nghiệp 2017 như: Là tổ chức được Nhà nước có thuê đất để trồng rừng (rừng sản xuất là rừng trồng) bằng nguồn vốn tự đầu tư; Hoặc là hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất, cho thuê đất để trồng rừng (rừng sản xuất là rừng trồng);

Như vậy, để được chuyển nhượng đất rừng thì đất rừng và các bên trong giao dịch phải thỏa mãn các điều kiện nêu trên.

Theo đó, pháp luật vẫn cho phép được chuyển nhượng đất rừng sản xuất nếu ngoài thỏa mãn các điều kiện chung thì đất rừng sản xuất là rừng trồng (không phải là rừng tự nhiên) và được Nhà nước giao/cho thuê (đối với hộ gia đình, cá nhân) hoặc được thuê (đối với tổ chức).

Toàn bộ những giao dịch không đảm bảo các điều kiện pháp luật như chúng tôi đã nêu ở trên đều được coi là chuyển nhượng đất rừng trái phép.

chuyen nhuong dat rung trai phep


Chuyển nhượng đất rừng trái phép, bị xử lý ra sao?

Trách nhiệm pháp lý đối với trường hợp chuyển nhượng đất rừng trái phép (chuyển nhượng đất rừng khi không đảm bảo điều kiện, trình tự, thủ tục luật định) có thể là trách nhiệm pháp lý dân sự hoặc hành chính hoặc hình sự.

Đối tượng phải chịu trách nhiệm pháp lý trong trường hợp này là khác nhau.

Cụ thể, các trách nhiệm pháp lý này như sau:

Trách nhiệm pháp lý dân sự:

  • Hợp đồng chuyển nhượng đất rừng trái phép có thể bị Tòa án nhân dân tuyên vô hiệu. Theo nguyên tắc xử lý hợp đồng vô hiệu, các bên sẽ trao trả cho nhau những gì đã nhận.

  • Nếu bên nào gây thiệt hại thì phải bồi thường, việc bồi thường trong trường hợp này là bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng.

Trách nhiệm pháp lý hành chính:

  • Trách  nhiệm pháp lý hành chính có thể xuất hiện nếu các bên thực hiện chuyển nhượng và chuyển mục đích sử dụng đất rừng thành loại đất khác mà không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền chấp thuận hoặc việc chuyển mục đích là trái quy định pháp luật.

  • Mức phạt cho hành vi này được quy định tại Điều 10 Nghị định 91/2019/NĐ-CP, sửa đổi bổ sung bởi khoản 3 Điều 11 Nghị định 04/2022/NĐ-CP như sau:

Điều 10. Sử dụng đất rừng đặc dụng, đất rừng phòng hộ, đất rừng sản xuất vào mục đích khác không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép theo quy định tại các điểm c và d khoản 1 Điều 57 của Luật đất đai

1. Chuyển đất rừng đặc dụng là rừng trồng, đất rừng phòng hộ là rừng trồng, đất rừng sản xuất là rừng trồng sang mục đích khác trong nhóm đất nông nghiệp thì hình thức và mức xử phạt như sau:

a) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép dưới 0,5 héc ta;

b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;

c) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 01 héc ta đến dưới 05 héc ta;

d) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 05 héc ta trở lên.

2. Chuyển đất rừng đặc dụng là rừng trồng, đất rừng phòng hộ là rừng trồng, đất rừng sản xuất là rừng trồng sang đất phi nông nghiệp thì hình thức và mức xử phạt như sau:

a) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép dưới 0,02 héc ta;

b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,02 héc ta đến dưới 0,05 héc ta;

c) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta;

d) Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta;

đ) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;

e) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 01 héc ta đến dưới 05 héc ta;

g) Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng nếu diện tích đất chuyển mục đích trái phép từ 05 héc ta trở lên.

3. Trường hợp chuyển đất rừng đặc dụng là rừng tự nhiên, đất rừng phòng hộ là rừng tự nhiên, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên sang mục đích khác thì hình thức và mức xử phạt được thực hiện bằng 02 lần mức phạt tương ứng với từng trường hợp chuyển mục đích quy định các khoản 1 và 2 Điều này.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm đối với trường hợp quy định tại các khoản 1, 2 và khoản 3 Điều này, trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này;

b) Buộc đăng ký đất đai theo quy định đối với trường hợp có đủ điều kiện được công nhận quyền sử dụng đất và các trường hợp người đang sử dụng đất vi phạm được tạm thời sử dụng cho đến khi Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại Điều 22 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP;

c) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm trong các trường hợp quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này; số lợi bất hợp pháp được xác định theo quy định tại khoản 1 Điều 7 của Nghị định này.

Trách nhiệm pháp lý hình sự:

Trường hợp bên chuyển nhượng có hành vi lừa đảo, sử dụng phương thức ký kết hợp đồng để nhận tiền từ bên mua thì có thể phát sinh trách nhiệm pháp lý đối với tội danh lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Hoặc trường hợp ký kết hợp đồng chuyển nhượng đất rừng trái pháp luật mới phát sinh ý định chiếm đoạt tiền của bên nhận chuyển nhượng thì có thể phát sinh trách nhiệm pháp lý đối với tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Ngoài ra, người có chức vụ quyền hạn mà lạm dụng hoặc lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thực hiện cho phép chuyển quyền sử dụng đối với đất rừng được chuyển nhượng trái pháp luật thì còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại Điều 229 Bộ luật Hình sự 2015 về tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai.

Đây là một trong những loại tội phạm thuộc nhóm tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế:

Điều 229. Tội vi phạm các quy định về quản lý đất đai

1. Người nào lợi dụng hoặc lạm dụng chức vụ, quyền hạn giao đất, thu hồi, cho thuê, cho phép chuyển quyền sử dụng, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất trái quy định của pháp luật thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đất trồng lúa có diện tích từ 5.000 mét vuông (m2) đến dưới 30.000 mét vuông (m2); đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất có diện tích từ 10.000 mét vuông (m2) đến dưới 50.000 mét vuông (m2); đất nông nghiệp khác và đất phi nông nghiệp có diện tích từ 10.000 mét vuông (m2) đến dưới 40.000 mét vuông (m2);

b) Đất có giá trị quyền dụng đất được quy thành tiền từ 500.000.000 đồng đến dưới 2.000.000.000 đồng đối với đất nông nghiệp hoặc từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng đối với đất phi nông nghiệp;

c) Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Đất trồng lúa có diện tích từ 30.000 mét vuông (m2) đến dưới 70.000 mét vuông (m2); đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất có diện tích từ 50.000 mét vuông (m2) đến dưới 100.000 mét vuông (m2); đất nông nghiệp khác và đất phi nông nghiệp có diện tích từ 40.000 mét vuông (m2) đến dưới 80.000 mét vuông (m2);

c) Đất có giá trị quyền dụng đất được quy thành tiền từ 2.000.000.000 đồng đến dưới 7.000.000.000 đồng đối với đất nông nghiệp hoặc từ 5.000.000.000 đồng đến dưới 15.000.000.000 đồng đối với đất phi nông nghiệp;

d) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:

a) Đất trồng lúa có diện tích 70.000 mét vuông (m2) trở lên; đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất có diện tích 100.000 mét vuông (m2) trở lên; đất nông nghiệp khác và đất phi nông nghiệp có diện tích 80.000 mét vuông (m2) trở lên;

b) Đất có giá trị quyền sử dụng đất được quy thành tiền 7.000.000.000 đồng trở lên đối với đất nông nghiệp hoặc 15.000.000.000 đồng trở lên đối với đất phi nông nghiệp.

4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Kết luận: Tùy thuộc vào mức độ vi phạm, hậu quả của hành vi vi phạm mà các bên có liên quan đến giao dịch chuyển nhượng đất rừng trái phép có thể phải chịu một trong ba loại trách nhiệm pháp lý là trách nhiệm pháp lý dân sự, hành chính hoặc hình sự.

Do chưa được tiếp cận hồ sơ vụ việc cụ thể nên chúng tôi chưa thể có kết luận chính xác nhất cho trường hợp bạn đang thắc mắc.

Dựa trên những giải đáp, phân tích của chúng tôi về trách nhiệm pháp lý khi chuyển nhượng đất rừng trái phép, bạn đối chiếu với tình huống của mình để có đáp án phù hợp.

Trên đây là giải đáp thắc mắc của chúng tôi về chuyển nhượng đất rừng trái phép, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006192 để được hỗ trợ.
Nguyễn Văn Việt

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Việt

Công ty Luật TNHH I&J - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X