hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Năm, 09/02/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Được chuyển nhượng đất sử dụng chung không? Điều kiện là gì?

Chuyển nhượng đất sử dụng chung cần đáp ứng những điều kiện gì? Thủ tục chuyển nhượng loại đất này có gì khác so với những loại đất khác? Chúng tôi giải đáp chi tiết trong bài viết sau đây.

 
Câu hỏi: Chào Luật sư, tôi đang có dự định mua thửa đất của huyện bên cạnh.

Mục đích là để ở và cũng để kinh doanh (bán hàng tạp hóa).

Tuy nhiên, tôi có nghe nói, đó là thửa đất và nhà này là thuộc quyền sử dụng chung và có thể không bán được vì pháp luật không cho phép bán.

Xin hỏi Luật sư một số vấn đề sau đây:

1, Đất sử dụng chung là loại đất như thế nào? Loại đất này có được phép chuyển nhượng không?

2, Nếu được mua bán/chuyển nhượng thì thủ tục thực hiện ra sao?

Chào bạn, chúng tôi giải đáp vướng mắc về điều kiện, thủ tục chuyển nhượng đất sử dụng chung mà bạn đang quan tâm như sau:

Được phép chuyển nhượng đất sử dụng chung không? Điều kiện thế nào?

Trước hết đất sử dụng chung được hiểu đơn giản là thửa đất có nhiều người cùng chung quyền sử dụng.

Về cơ bản, khi đáp ứng các điều kiện chuyển nhượng như đã có sổ, không tranh chấp...thì người sử dụng đất vẫn được quyền chuyển nhượng loại đất này như các loại đất thông thường khác.

Ví dụ những trường hợp thông thường của trường hợp chung quyền sử dụng đất như sau:

  • Vợ chồng chung quyền sử dụng đất (tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân);

  • Các thành viên trong hộ gia đình chung quyền sử dụng đất được giao, cho thuê, nhận chuyển quyền (đất của hộ gia đình);

  • Các chủ sở hữu căn hộ chung cư chung quyền sử dụng đất xây dựng tòa nhà chung cư nơi có căn hộ của mình;

  • Các chủ sử dụng đất chung quyền sử dụng đất đối với lối đi chung;

  • Nhiều người cùng nhận chuyển quyền chung đối với một thửa đất;

  • Quyền sử dụng đất chung của những đồng thừa kế sử dụng đất;

  • Các trường hợp khác;

Đây là các trường hợp chung quyền sử dụng đất phổ biến hiện nay.

Việc chuyển nhượng đất có chung quyền sử dụng trong từng trường hợp có sự khác biệt rõ ràng.

Trong đó, hầu hết các trường hợp chung quyền sử dụng đất được phép chuyển nhượng nếu những người chung quyền đồng ý. Tuy nhiên, có một vài trường hợp cá biệt, dù những người chuyển nhượng đồng ý thì vẫn không chuyển nhượng được.

Cụ thể như sau:

  • Quyền sử dụng đất chung của các chủ sở hữu căn hộ chung cư đối với phần diện tích đất xây dựng tòa nhà chung cư của mình;

  • Quyền sử dụng chung đối với lối đi;

  • Thửa đất không đảm bảo các điều kiện chuyển nhượng;

Nói cách khác, điều kiện để được chuyển nhượng đất sử dụng chung sẽ phải bao gồm:

  • Đã có sổ đỏ, không có tranh chấp, không bị khiếu nại/khiếu kiện, không bị kê biên để đảm bảo thi hành án và trong thời hạn sử dụng (Điều 188 Luật Đất đai 2013);

  • Bên nhận chuyển nhượng không thuộc trường hợp bị cấm nhận chuyển nhượng/hạn chế nhận chuyển nhượng/không thỏa mãn điều kiện được nhận chuyển nhượng theo Điều 191, Điều 192, Điều 193, Điều 194 Luật Đất đai;

  • Toàn bộ các chủ sử dụng đất đều phải đồng ý chuyển nhượng;

  • Phải thực hiện đăng ký biến động đất đai, hoàn thành nghĩa vụ tài chính theo quy định pháp luật;

Kết luận: Hầu hết các loại đất có chung quyền sử dụng đều có thể được chuyển nhượng nếu đủ điều kiện theo quy định của pháp luật.

Điều kiện chuyển nhượng đất sử dụng chung bao gồm điều kiện đối với thửa đất và điều kiện của các bên tham gia giao dịch như phải có sổ đỏ, không có tranh chấp…

Thủ tục mua bán đất chung quyền sử dụng được chúng tôi trình bày chi tiết ở phần dưới.

Điều kiện, thủ tục chuyển nhượng đất sử dụng chung mới nhất 2023Điều kiện, thủ tục chuyển nhượng đất sử dụng chung mới nhất 2023


Thủ tục chuyển nhượng đất sử dụng chung ra sao?

Nhìn chung, trình tự các bước chuyển nhượng đất sử dụng chung đủ điều kiện chuyển nhượng không khác so với các loại đất khác.

Và cũng bao gồm các bước như ký kết hợp đồng, đăng ký sang tên, hoàn thành nghĩa vụ tài chính và nhận kết quả sau khi đã đăng ký biến động.

Chi tiết các bước thực hiện như sau:

Bước 1: Ký kết hợp đồng chuyển nhượng

Việc chuyển nhượng đất phải được lập thành hợp đồng có công chứng hoặc chứng thực (khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai).

Theo đó, toàn bộ những người là chủ sử dụng đất (hoặc người đại diện hợp pháp của họ) cùng bên mua đều phải đồng ý, ký tên trên hợp đồng.

Bước 2: Đăng ký biến động/sang tên sổ đỏ

Bên có trách nhiệm đăng ký biến động/sang tên quyền sử dụng đất chuẩn bị hồ sơ sang tên, nộp cho văn phòng đăng ký đất đai/hoặc các chi nhánh trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ký hợp đồng.

Bước 3: Hoàn thành nghĩa vụ tài chính

Theo thông báo từ cơ quan thuế, các bên có nghĩa vụ đóng nộp thuế, phí hoàn thành nghĩa vụ tài chính;

Các khoản thuế phí thường bao gồm: Thuế thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ, lệ phí cấp giấy chứng nhận, phí thẩm định hồ sơ…;

Bước 4: Nhận kết quả đã đăng ký biến động

Biên lai, hóa đơn xác nhận đã đóng nộp thuế phí đầy đủ tại bước 3 phải được nộp cho cơ quan tiếp nhận hồ sơ sang tên trước khi nhận được kết quả là sổ đỏ đã được xác nhận biến động tại trang 4 hoặc sổ đỏ mới.

Kết luận: Các bước tiến hành chuyển nhượng đất sử dụng chung cũng giống với các trường hợp chuyển nhượng thông thường khác.

Theo trình tự thì các bên đều phải ký kết hợp đồng, sau đó mới tiến hành đăng ký biến động tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền và cuối cùng là nhận kết quả sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính.

Trên đây giải đáp về chuyển nhượng đất sử dụng chung, nếu còn thắc mắc, bạn đọc vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ, giải đáp sớm nhất.

Nguyễn Văn Việt

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Việt

Công ty Luật TNHH I&J - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X