hieuluat
Chia sẻ email

Chuyển nhượng đất từ ông sang cháu: Thủ tục, thuế phí thế nào?

Chuyển nhượng đất từ ông sang cháu có phải đóng thuế không, thực hiện theo trình tự nào? Cùng HieuLuat tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

 

Câu hỏi: Chào Luật sư, ông bà nội của tôi có dự định sang tên cho tôi và anh trai của mình phần diện tích đất ở có nhà ở trên đất đã được cấp sổ đỏ cho ông bà từ năm 2005.

Do chưa thực hiện giao dịch đất đai lần nào nên chúng tôi chưa rõ trình tự các bước ra sao? Mong Luật sư giải đáp.

Việc chuyển nhượng đất từ ông sang cháu, từ ông bà sang cháu có phải đóng thuế không? Mức thuế là bao nhiêu?

Chào bạn, chuyển quyền sử dụng đất từ ông bà sang cho cháu được thực hiện theo các bước mà pháp luật quy định.

Các bên trong giao dịch cũng có nghĩa vụ thực hiện các nghĩa vụ tài chính với Nhà nước như các khoản phí, lệ phí, thuế,.. theo thông báo được nhận.

Cụ thể, việc chuyển nhượng đất từ ông sang cháu được tiến hành như sau:

Thủ tục chuyển nhượng đất từ ông sang cháu thế nào?

Trước hết, quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất phải được đăng ký tại cơ quan Nhà nước có thẩm quyền (ghi nhận trong sổ địa chính).

Việc chuyển nhượng/chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở phải được lập thành văn bản có công chứng, chứng thực và phải được đăng ký theo quy định.

Căn cứ quy định tại Luật Công chứng 2014, Nghị định 43/2014/NĐ-CP, Luật Đất đai 2013, các bước thực hiện sang tên được thực hiện như sau:

Bước 1: Ký hợp đồng chuyển quyền

Để nhằm mục đích được miễn thuế thu nhập cá nhân, bạn nên ký hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở là hợp đồng tặng cho.

Việc chuyển quyền sử dụng đất được ký công chứng tại tổ chức hành nghề công chứng (văn phòng công chứng, phòng công chứng) hoặc tại Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất (ký chứng thực).

Để đảm bảo việc ký kết hợp đồng được thực hiện nhanh chóng, không có sai sót, bạn nên chuẩn bị đầy đủ những giấy tờ, tài liệu như hướng dẫn dưới đây:

  • Dự thảo hợp đồng tặng cho nhà đất;

  • Giấy tờ nhân thân của ông bà nội bạn và của bên nhận tặng cho;

  • Sổ hộ khẩu/hoặc giấy tờ chứng minh nơi ở hợp pháp của bên nhận tài sản, bên tặng cho tài sản;

  • Giấy khai sinh của bên nhận tài sản và giấy khai sinh của bố bạn (nhằm chứng minh quan hệ ông bà nội, cháu nội);

  • Sổ đỏ (bản gốc): Bạn muốn nhận tặng cho cả nhà ở và đất ở thì trên sổ đỏ buộc phải có thông tin về quyền sở hữu nhà ở trên đất;

  • Phiếu yêu cầu công chứng/yêu cầu chứng thực (nếu có) theo hướng dẫn của công chứng viên/người có thẩm quyền ký chứng thực hợp đồng tặng cho;

Sau khi chuẩn bị đầy đủ hồ sơ, bạn cùng ông bà nội mình thực hiện ký kết hợp đồng tặng cho tại trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng/trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất.

Bước 2: Thực hiện thủ tục sang tên, đăng ký biến động về quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở trên đất

Sau khi đã ký kết hợp đồng có công chứng/chứng thực, bạn thực hiện đăng ký biến động về đất đai tại cơ quan có thẩm quyền (văn phòng đăng ký đất đai - chi nhánh cấp huyện nơi có đất).

Bạn chuẩn bị sẵn một bộ hồ sơ gồm các tài liệu, giấy tờ như sau để đăng ký sang tên quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà theo khoản 1 Điều 2 Thông tư 09/2021/TT-BTNMT gồm:

  • Đơn đăng ký biến động đất đai và tài sản khác gắn liền với đất (mẫu 09/ĐK);

  • Bản gốc giấy chứng nhận đã cấp cho nhà đất mang tên ông bà bạn;

  • Hợp đồng chuyển quyền sử dụng đất nhà/hợp đồng tặng cho nhà đất (2 bản chính);

  • Tờ khai lệ phí trước bạ (mẫu 01/LPTB ban hành tại Thông tư 80/2021/TT-BTC);

  • Tờ khai thuế thu nhập cá nhân (mẫu 03/BĐS-TNCN ban hành tại Thông tư 80/2021/TT-BTC);

  • Tờ khai thuế sử dụng đất phi nông nghiệp (mẫu 04/TK-SDDPNN ban hành tại Thông tư 80/2021/TT-BTC);

Bước 3: Đóng nộp thuế, phí lệ phí theo thông báo

Các bên trong giao dịch chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở có nghĩa vụ đóng nộp các khoản thuế phí, lệ phí theo thông báo của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trước khi nhận sổ đỏ đã được xác nhận biến động

Bước 4: Nhận sổ đỏ đã được xác nhận biến động

  • Bạn nộp lại biên lai xác nhận đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính tới văn phòng đăng ký đất đai chi nhánh cấp huyện nơi có đất theo phiếu hẹn trả kết quả để nhận sổ đỏ đã được xác nhận biến động;

  • Nếu bạn có nhu cầu cấp mới sổ đỏ thì nhận sổ mới đã được cấp sau khi đã hoàn thành nghĩa vụ tài chính;

  • Các nghĩa vụ tài chính trong trường hợp chuyển quyền này bao gồm: Lệ phí trước bạ, phí thẩm định hồ sơ, lệ phí cấp giấy chứng nhận, thuế thu nhập cá nhân, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp;

Kết luận: Thủ tục chuyển nhượng đất từ ông sang cháu được thực hiện theo các bước mà chúng tôi đã nêu trên.

Bạn nên chủ động liên hệ với các tổ chức hành nghề công chứng, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất để được hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn cho việc ký kết hợp đồng tặng cho hoặc sang tên sổ đỏ.

chuyen nhuong dat tu ong sang chau


Ông bà chuyển nhượng đất cho cháu có phải đóng thuế không?

Thuế phải đóng trong trường hợp chuyển nhượng đất từ ông sang cháu cũng là vấn đề pháp lý mà người sử dụng đất đặc biệt quan tâm khi nhận tặng cho tài sản nhà đất này.

Các loại thuế có liên quan đến giao dịch chuyển quyền bất động sản là thuế thu nhập cá nhân, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.

Một là, thuế thu nhập cá nhân

Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 3 Thông tư 111/2013/TT-BTC, khoản thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản của ông bà cho cháu là khoản thu nhập được miễn thuế:

Điều 3. Các khoản thu nhập được miễn thuế

1. Căn cứ quy định tại Điều 4 của Luật Thuế thu nhập cá nhân, Điều 4 của Nghị định số 65/2013/NĐ-CP, các khoản thu nhập được miễn thuế bao gồm:

a) Thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản (bao gồm cả nhà ở hình thành trong tương lai, công trình xây dựng hình thành trong tương lai theo quy định pháp luật về kinh doanh bất động sản) giữa: vợ với chồng; cha đẻ, mẹ đẻ với con đẻ; cha nuôi, mẹ nuôi với con nuôi; cha chồng, mẹ chồng với con dâu; bố vợ, mẹ vợ với con rể; ông nội, bà nội với cháu nội; ông ngoại, bà ngoại với cháu ngoại; anh chị em ruột với nhau.

Trường hợp bất động sản (bao gồm cả nhà ở hình thành trong tương lai, công trình xây dựng hình thành trong tương lai theo quy định pháp luật về kinh doanh bất động sản) do vợ hoặc chồng tạo lập trong thời kỳ hôn nhân được xác định là tài sản chung của vợ chồng, khi ly hôn được phân chia theo thỏa thuận hoặc do tòa án phán quyết thì việc phân chia tài sản này thuộc diện được miễn thuế.

Theo đó, bạn nhận tặng cho tài sản nhà đất từ ông bà nội của mình được miễn thuế thu nhập cá nhân.

Hai là, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp

Điều 9 Luật Thuế sử dụng đất phi nông nghiệp 2010 không quy định trường hợp chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở từ ông bà nội sang cho cháu là trường hợp được miễn thuế.

Do vậy, bạn có trách nhiệm kê khai, đóng nộp khoản thuế sử dụng đất phi nông nghiệp kể từ thời điểm tiếp nhận quyền sử dụng đất ở, quyền sở hữu nhà ở từ ông bà nội mình.

Kết luận: Việc chuyển nhượng đất từ ông sang cháu phát sinh 2 loại thuế là thuế thu nhập cá nhân và thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.

Theo đó, người nhận chuyển nhượng được miễn thuế thu nhập cá nhân (nhưng kèm điều kiện là phải có giấy tờ chứng minh thuộc trường hợp được miễn) và phải chịu thuế sử dụng đất phi nông nghiệp kể từ thời điểm nhận chuyển quyền.

Trên đây là giải đáp thắc mắc của chúng tôi về chuyển nhượng đất từ ông sang cháu, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006192 để được hỗ trợ.
Nguyễn Văn Việt

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Việt

Công ty Luật TNHH I&J - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Có thể bạn quan tâm

X