hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Sáu, 01/04/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Có 2 vợ trước năm 1987 có được công nhận là hôn nhân hợp pháp không?

Để được công nhận là vợ chồng hợp pháp (hôn nhân hợp pháp) thì hai bên nam, nữ phải thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn theo quy định pháp luật. Tuy nhiên, có một số trường hợp, nam nữ không đăng ký kết hôn vẫn được công nhận là vợ chồng hợp pháp.

Được công nhận hôn nhân là hợp pháp khi sống chung với 2 vợ trước năm 1987 không?

Câu hỏi: Chào HieuLuat, tôi đang có vấn đề xin được tư vấn như sau: A kết hôn với B vào năm 1980. Đến năm 1983, A lấy thêm C làm vợ. Hai lần kết hôn A đều không thực hiện đăng ký kết hôn theo quy định pháp luật. Tuy không đăng ký nhưng cả hai lần lấy vợ A đều thực hiện cưới hỏi theo đúng phong tục. Cả 3 người cùng chung sống kể từ thời điểm tổ chức xong đám cưới.

Vậy, xin hỏi pháp luật có công nhận quan hệ vợ chồng giữa A với hai bà B, C là hợp pháp không?

Xin chân thành cảm ơn.

Chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi về cho chúng tôi. Căn cứ quy định pháp luật, chúng tôi giải đáp cho bạn như sau:

Trước hết, Luật Hôn nhân và Gia đình lần đầu tiên được xây dựng là năm 1959, sau đó, lần lượt được thay thế bằng Luật Hôn nhân và Gia đình 1986, 2000, 2014. Tuy rằng, trải qua các lần sửa đổi, thay thế nhưng nguyên tắc chế độ hôn nhân một vợ, một chồng là quy định không thay đổi.

Căn cứ Điều 131 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014:

Điều 131. Điều khoản chuyển tiếp

1. Quan hệ hôn nhân và gia đình được xác lập trước ngày Luật này có hiệu lực thì áp dụng pháp luật về hôn nhân và gia đình tại thời điểm xác lập để giải quyết.

Theo đó, trong tình huống mà bạn đang cần giải đáp, áp dụng quy định tại điểm a Mục 3 Nghị quyết 35/2000/QH10, trường hợp quan hệ vợ chồng được xác lập trước ngày 03 tháng 1 năm 1987 (ngày có hiệu lực của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1986) mà chưa đăng ký kết hôn thì được khuyến khích đăng ký kết hôn; trong trường hợp có yêu cầu ly hôn thì được Tòa án thụ lý giải quyết theo quy định về ly hôn của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000. Quan hệ hôn nhân hợp pháp được công nhận kể từ thời điểm các bên có xác lập quan hệ sống chung với nhau như vợ chồng (khoản 2 Điều 44 Nghị định 123/2015/NĐ-CP).

- Việc đăng ký kết hôn đối với trường hợp nam nữ sống chung với nhau như vợ chồng/xác lập quan hệ vợ chồng trước 03/01/1987 là không bắt buộc;

- Nam nữ sống chung với nhau như vợ chồng trước 03/01/2987 được pháp luật công nhận là quan hệ hôn nhân hợp pháp;

- Quan hệ hôn nhân hợp pháp được công nhận kể từ thời điểm các bên xác lập quan hệ sống chung với nhau như vợ chồng.

Do vậy, trong trường hợp của bạn, A có điều kiện để được pháp luật công nhận có hôn nhân hợp pháp với B, C. Cụ thể, theo nguyên tắc chế độ hôn nhân một vợ một chồng mà Luật Hôn nhân và Gia đình qua các thời kỳ đã quy định và các căn cứ đã nêu trên thì trường hợp bạn đang thắc mắc có thể được giải đáp như sau:

- Quan hệ hôn nhân giữa A và B là quan hệ hôn nhân thực tế được pháp luật công nhận là hợp pháp (phù hợp về thời điểm xác lập quan hệ hôn nhân, đều tổ chức cưới hỏi để thông báo về việc xác lập quan hệ hôn nhân);

- Quan hệ hôn nhân giữa A và C là quan hệ hôn nhân thực tế nhưng không được công nhận là hợp pháp. Lý do:

+ Tại thời điểm A tổ chức đám cưới với C, A đang là người có vợ. Nói cách khác, nếu công nhận quan hệ hôn nhân giữa A và C thì không tuân thủ chế độ hôn nhân một vợ một chồng được pháp luật hôn nhân và gia đình bảo hộ.

+ Nghị quyết 35/2000/NQ-QH10 đang nêu vấn đề về cách xử lý khi nam nữ xác lập quan hệ vợ chồng nhưng vi phạm về hình thức để được công nhận là hôn nhân hợp pháp (không đăng ký kết hôn) mà không phủ nhận, loại trừ điều kiện, hình thức và nguyên tắc để hôn nhân được pháp luật công nhận là hợp pháp.

Bên cạnh đó, cũng có quan điểm cho rằng, việc công nhận quan hệ hôn nhân thực tế của A cùng B và C đều phải là hợp pháp. Lý do là Nghị quyết 35/2000/NQ-QH10 chỉ quy định có xác lập quan hệ vợ chồng (có sống chung, tổ chức đám cưới) trước 03/01/1987 là đủ điều kiện để được hợp pháp. Đây cũng là một cách hiểu khi chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể hơn cho trường hợp này.

Kết luận: Hiện nay chưa có văn bản hướng dẫn chi tiết về trường hợp một người có xã lập quan hệ hôn nhân/sống chung với nhau như vợ chồng với nhiều hơn 01 người trước 03/01/1987 thì có được công nhận là quan hệ hôn nhân hợp pháp hay không.

Tuy nhiên, dựa trên nguyên tắc chung của chế độ hôn nhân một vợ, một chồng được pháp luật Hôn nhân và Gia đình qua các thời kỳ bảo hộ và điều kiện kết hôn, nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình thì việc công nhận hôn nhân thực tế là hợp pháp chỉ nên được áp dụng đối với một nam và một nữ có xác lập quan hệ hôn nhân trước 03/01/1987.

co 2 vo truoc nam 1987

Để được công nhận là hôn nhân hợp pháp thì phải đăng ký kết hôn (Ảnh minh họa)

Trường hợp nào không đăng ký kết hôn mà vẫn được công nhận là vợ chồng?

Câu hỏi: Xin chào Luật sư, tôi có câu hỏi mong được giải đáp như sau: Tôi tìm hiểu thì được biết để được pháp luật công nhận là vợ chồng thì hai bên nam, nữ phải thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn. Vậy có trường hợp nào mà không đăng ký kết hôn vẫn được công nhận là vợ chồng không?

Chào bạn, chúng tôi đã tiếp nhận câu hỏi của bạn. Dựa theo quy định pháp luật hiện hành, chúng tôi giải đáp cho bạn như sau:

Căn cứ Điều 3 Luật Hôn nhân và Gia đình 2014, hôn nhân là quan hệ giữa vợ và chồng sau khi kết hôn. Kết hôn là việc nam và nữ xác lập quan hệ vợ chồng với nhau theo quy định của Luật này về điều kiện kết hôn và đăng ký kết hôn. Theo đó, để được công nhận là vợ chồng hợp pháp thì hai bên nam, nữ buộc phải thực hiện thủ tục đăng ký kết hôn theo trình tự luật định và phải đảm bảo các điều kiện để được đăng ký kết hôn.

Ngoại lệ, hiện nay vẫn còn trường hợp không thực hiện đăng ký kết hôn nhưng vẫn được công nhận là hôn nhân hợp pháp. Quy định cụ thể tại khoản 2 Điều 44 Nghị định 123/2015/NĐ-CP như sau:

2. Đối với trường hợp nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng trước ngày 03 tháng 01 năm 1987 mà chưa đăng ký kết hôn thì được khuyến khích và tạo điều kiện để đăng ký kết hôn. Quan hệ hôn nhân được công nhận kể từ ngày các bên xác lập quan hệ chung sống với nhau như vợ chồng. Thẩm quyền, thủ tục đăng ký kết hôn được thực hiện theo quy định tại Điều 17 và Điều 18 của Luật Hộ tịch.

Từ quy định trên, pháp luật cho phép nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn (có quan hệ hôn nhân thực tế) trước ngày 03/01/1987 (ngày có hiệu lực của Luật Hôn nhân và Gia đình 1986) là quan hệ hôn nhân hợp pháp.

Thực tế cho thấy, khi quan hệ hôn nhân được pháp luật công nhận là hợp pháp là căn cứ để thực hiện các thủ tục hành chính như: Thủ tục khai nhận di sản thừa kế, nhận cha, mẹ con,…hoặc để giải quyết các yêu cầu liên quan đến chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, xác định tài sản chung/tài sản riêng của vợ/chồng…

Kết luận: Pháp luật chỉ công nhận hôn nhân là hợp pháp mà không cần đăng ký kết hôn trong trường hợp nam, nữ sống chung với nhau như vợ chồng trước thời ngày 03/01/1987. Ngoài trường hợp này, để được pháp luật công nhận là hôn nhân hợp pháp thì hai bên nam, nữ phải thực hiện đăng ký kết hôn khi đáp ứng đầy đủ các điều kiện luật định.

Trên đây là giải đáp thắc mắc về có 2 vợ trước năm 1987, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.

>> Đăng ký kết hôn khi đã ly hôn cần đảm bảo điều kiện gì?

>> Đăng ký kết hôn không đúng thẩm quyền bị xử lý thế nào?

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X