hieuluat
Chia sẻ email

Tham gia giao thông có bắt buộc phải mua bảo hiểm xe máy không?

Khi tham gia giao thông có bắt buộc phải mua bảo hiểm xe máy không? Chủ phương tiện không mua bảo hiểm xe máy bị phạt bao nhiêu tiền? Đây là những câu hỏi rất phổ biến mà không phải người tham gia giao thông nào cũng biết để chủ động thực hiện, tránh bị xử phạt hành chính.

 

Câu hỏi: Chào Luật sư, tôi vừa mua một chiếc xe máy để đi làm. Tôi đọc thông tin trên mạng thấy phải mua bảo hiểm xe máy và đây là bảo hiểm bắt buộc. Xin Luật sư cho tôi biết, thông tin tôi đọc được có đúng không? Nếu không mua bảo hiểm xe máy thì tôi có bị công an giao thông xử phạt không? Mức phạt nếu có là bao nhiêu?

Chào bạn, với câu hỏi về có bắt buộc phải mua bảo hiểm xe máy không mà bạn đang quan tâm, chúng tôi giải đáp cho bạn như sau:

Khi tham gia giao thông có bắt buộc phải mua bảo hiểm xe máy không?

Căn cứ khoản 2 Điều 58 Luật Giao thông đường bộ 2008:

Điều 58. Điều kiện của người lái xe tham gia giao thông

2. Người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo các giấy tờ sau:

a) Đăng ký xe;

b) Giấy phép lái xe đối với người điều khiển xe cơ giới quy định tại Điều 59 của Luật này;

c) Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới quy định tại Điều 55 của Luật này;

d) Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

=> Do vậy, khi tham gia giao thông, người lái xe phải mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới

Mặt khác, bảo hiểm xe máy là tên thường gọi của bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới là loại bảo hiểm bắt buộc mà chủ xe cơ giới (ô tô, xe máy…) phải có khi tham gia giao thông (Điều 6 Nghị định 03/2021/NĐ-CP).

=> Từ các căn cứ trên, suy ra, bảo hiểm xe máy là loại bảo hiểm mà chủ xe cơ giới bắt buộc phải mua, phải mang theo khi tham gia giao thông.

Ngoài ra, bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới có một số đặc điểm mà chủ xe cơ giới cần lưu ý khi mua/tham gia như sau:

- Đây là loại bảo hiểm có thời hạn tối thiểu là 1 năm và tối đa là 3 năm đối với xe cơ giới là xe mô tô, xe gắn máy;

- Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới được thể hiện thông qua Giấy chứng nhận bảo hiểm. Mẫu giấy chứng nhận bảo hiểm do doanh nghiệp tự thiết kế và phải đảm bảo có các nội dung được quy định tại khoản 3 Điều 6 Nghị định 03/2021/NĐ-CP, gồm:

a) Tên, địa chỉ, số điện thoại (nếu có) của chủ xe cơ giới.

b) Số biển kiểm soát hoặc số khung, số máy.

c) Loại xe, trọng tải, số chỗ ngồi, mục đích sử dụng đối với xe ô tô.

d) Tên, địa chỉ, số điện thoại đường dây nóng của doanh nghiệp bảo hiểm.

đ) Mức trách nhiệm bảo hiểm dân sự đối với bên thứ ba và hành khách.

e) Trách nhiệm của chủ xe cơ giới, người lái xe khi xảy ra tai nạn.

g) Thời hạn bảo hiểm, phí bảo hiểm, thời hạn thanh toán phí bảo hiểm.

h) Ngày, tháng, năm cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm.

i) Mã số, mã vạch được đăng ký, quản lý và sử dụng theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ để lưu trữ, chuyển tải và truy xuất thông tin định danh doanh nghiệp Bảo hiểm và nội dung cơ bản của Giấy chứng nhận Bảo hiểm.

- Mức trách nhiệm bảo hiểm (mức tiền tối đa mà doanh nghiệp bảo hiểm có thể phải trả đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng, tài sản của bên thứ 3 và hành khách do xe cơ giới gây ra ở mỗi vụ tai nạn trong phạm vi được bồi thường thiệt hại) được thực hiện theo quy định tại Điều 8 Nghị định 03/2021/NĐ-CP và Điều 4 Thông tư 04/2021/TT-BTC, cụ thể các mức như sau:

Mức bảo hiểm trách nhiệm đối với thiệt hại về sức khỏe, tính mạng

Mức bảo hiểm trách nhiệm đối với thiệt hại về tài sản

150 triệu đồng/1 người/1 vụ tai nạn do xe cơ giới gây ra

  • 50 triệu đồng/1 vụ tai nạn do xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe có kết cấu tương tự theo quy định của Luật Giao thông đường bộ 2008 gây ra;

  • 100 triệu đồng/1 vụ tai nạn do xe ô tô, máy kéo, rơ moóc hoặc sơ mi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng theo quy định của Luật Giao thông đường bộ 2008 gây ra.

- Hồ sơ yêu cầu bồi thường thiệt hại về sức khỏe, tính mạng, tài sản mà chủ xe cơ giới cần chuẩn bị để được doanh nghiệp bảo hiểm chi trả gồm các giấy tờ được quy định tại Điều 15 Nghị định 03/2021/NĐ-CP. Cụ thể như sau:

Hồ sơ yêu cầu bồi thường khi có thiệt hại về tài sản

Hồ sơ yêu cầu bồi thường khi có thiệt hại về sức khỏe, tính mạng

Giấy tờ của chủ xe

  • Giấy đăng ký xe (hoặc bản sao chứng thực Giấy đăng ký xe kèm bản gốc Giấy biên nhận của tổ chức tín dụng còn hiệu lực, thay thế cho bản chính Giấy đăng ký xe trong thời gian tổ chức tín dụng giữ bản chính Giấy đăng ký xe, ví dụ xe đang thế chấp tại ngân hàng);

  • Hoặc chứng từ chuyển quyền sở hữu xe và chứng từ chứng minh nguồn gốc xe (trường hợp không có giấy đăng ký xe).

  • Giấy phép lái xe (còn thời hạn) tại thời điểm xảy ra tai nạn;

  • Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/Hộ chiếu hoặc các giấy tờ tùy thân khác của người lái xe;

  • Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm bắt buộc dân sự của chủ xe cơ giới

Giấy tờ chứng minh thiệt hại

  • Hóa đơn, chứng từ hợp lệ về việc sửa chữa/thay mới tài sản bị thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra (nếu doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện sửa chữa, khắc phục thiệt hại thì doanh nghiệp bảo hiểm có trách nhiệm thu thập tài liệu này);

  • Các giấy tờ, tài liệu, hóa đơn, chứng từ liên quan đến các chi phí phát sinh mà chủ xe cơ giới đã chi ra để giảm thiểu tổn thất hay để thực hiện theo chỉ dẫn của doanh nghiệp bảo hiểm.

  • Giấy chứng nhận thương tích: Thường do cơ quan có chức năng giám định thương tật, thương tích cấp theo quy định pháp luật;

  • Hồ sơ bệnh án: Thường chỉ cần bản sao;

  • Trích lục khai tử/Giấy báo tử hoặc văn bản xác nhận của cơ quan công an hoặc kết quả giám định của Cơ quan giám định pháp y đối với trường hợp nạn nhân chết trên phương tiện giao thông/hoặc chết do tai nạn;

Giấy tờ khác

  • Thông báo kết quả điều tra/văn bản xác minh, giải quyết vụ tai nạn giao thông hoặc Thông báo kết luận điều tra giải quyết vụ tai nạn giao thông của cơ quan công an do doanh nghiệp bảo hiểm thu thập được;

  • Biên bản giám định xác định nguyên nhân và mức độ tổn thất do doanh nghiệp bảo hiểm lập dựa trên sự thống nhất 3 bên là doanh nghiệp bảo hiểm, bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm.

Như vậy, bảo hiểm xe máy hay bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới là loại bảo hiểm mà chủ xe cơ giới buộc phải có khi tham gia giao thông.

co bat buoc phai mua bao hiem xe may khong

Không có bảo hiểm xe máy thì bị phạt bao nhiêu?

Như đã phân tích ở trên, việc mua bảo hiểm xe máy là bắt buộc, nếu chủ xe cơ giới không có khi tham gia giao thông thì bị xử phạt theo quy định tại khoản 11 Điều 2 Nghị định 123/2021/NĐ-CP:

Điều 21. Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về điều kiện của người điều khiển xe cơ giới

...

2. Phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực;

b) Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không mang theo Giấy đăng ký xe;

c) Người điều khiển xe mô tô và các loại xe tương tự xe mô tô không mang theo Giấy phép lái xe, trừ hành vi vi phạm quy định tại điểm b khoản 5, điểm c khoản 7 Điều này.

=> Người tham gia giao thông mà không xuất trình được bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới thì bị phạt tối đa là 200.000 đồng.

Như vậy, khi tham gia giao thông mà bạn không có hoặc không xuất trình được, không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực tại thời điểm kiểm tra thì có thể bị phạt hành chính với mức tối đa là 200.000 đồng.

Trên đây là giải đáp về có bắt buộc phải mua bảo hiểm xe máy không? Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.

Có thể bạn quan tâm

X