Tăng lương định kỳ là một trong những quyền lợi của người lao động khi đi làm. Vậy doanh nghiệp có bắt buộc phải tăng lương định kỳ cho người lao động không?
Có bắt buộc tăng lương cho người lao động hằng năm không?
Chào bạn, Bộ luật Lao động hiện hành không có quy định nào về việc bắt buộc người sử dụng lao động phải thực hiện tăng lương định kỳ hằng năm cho người lao động.
Tuy nhiên, theo Điều 103 Bộ luật Lao động năm 2019 thì chế độ nâng lương, nâng bậc, phụ cấp, trợ cấp và các chế độ khuyến khích đối với người lao động được thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể hoặc quy định của người sử dụng lao động.
Điều đó có nghĩa, nâng lương là một trong những chế độ được thỏa thuận trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể…
Vì vậy, bạn có thể xem lại nội dung trong hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể (nếu có) hoặc công ty có quy định nào về việc tăng lương cho người lao động để biết chính xác việc không tăng lương của công ty bạn là đúng hay sai.
Nếu có thỏa thuận về việc tăng lương định kỳ hằng năm, bạn cũng cần xem kĩ điều kiện tăng lương thế nào, bản thân mình đã đáp ứng đủ các điều kiện đó hay chưa?
Qua đó, nếu có thỏa thuận về việc tăng lương và nhận thấy mình thỏa mãn những điều kiện tăng lương bạn cần có ý kiến lên ban lãnh đạo để đảm bảo quyền lợi cho mình.
Việc không thực hiện tăng lương cho người lao động nếu người lao động đáp ứng đủ các điều kiện để tăng lương, công ty có bị phạt hay không, mời bạn theo dõi nội dung dưới đây.
Công ty không tăng lương như thỏa thuận trong hợp đồng, phạt bao nhiêu?
Có thể thấy nếu đã có thỏa thuận về việc tăng lương định kỳ hằng năm cho người lao động khi doanh nghiệp đạt kết quả kinh doanh tốt, người lao động hoàn thành nhiệm vụ… thì người sử dụng lao động phải có trách nhiệm tăng lương cho người lao động như đã thỏa thuận trước đó trong hợp đồng lao động
Trường hợp công ty không thực hiện việc tăng lương cho người lao động mặc dù đã có thỏa thuận trong hợp đồng sẽ bị xử phạt theo quy định của pháp luật.
Theo đó, khoản 2 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ của Chính phủ quy định về mức xử phạt đối với hành vi này như sau:
Phạt tiền theo một trong các mức:
- Từ 5 – 10 triệu đồng đối với vi phạm từ 01 - 10 người lao động
- Từ 10 – 20 triệu đồng đối với vi phạm từ 11 - 50 người lao động
- Từ 20 – 30 triệu đồng đối với vi phạm từ 51 - 100 người lao động
- Từ 30 – 40 triệu đồng đối với vi phạm từ 101 - 300 người lao động
- Từ 40 – 50 triệu đồng đối với vi phạm từ 301 người lao động trở lên.
Đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi sau:
- Trả lương không đúng hạn theo quy định của pháp luật
- Không trả hoặc trả không đủ tiền lương cho người lao động theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động-- Không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm thêm giờ
- Không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm việc vào ban đêm
- Không trả hoặc trả không đủ tiền lương ngừng việc cho người lao động theo quy định của pháp luật
- Hạn chế hoặc can thiệp vào quyền tự quyết chi tiêu lương của người lao động
Khoản 1 Điều 6 Nghị định này cũng quy định mức phạt trên áp dụng với trường hợp người sử dụng lao động là cá nhân, nếu là tổ chức thì mức phạt sẽ là gấp đôi.
Ngoài việc bị phạt tiền, người vi phạm còn buộc người sử dụng lao động trả đủ tiền lương cộng với khoản tiền lãi của số tiền lương chậm trả, trả thiếu cho người lao động tính theo mức lãi suất tiền gửi không kỳ hạn cao nhất của các ngân hàng thương mại nhà nước công bố tại thời điểm xử phạt (điểm a khoản 5 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP)
Trên đây là giải đáp thắc mắc về việc có bắt buộc tăng lương cho người lao động hằng năm, nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.