Những người tham gia bảo hiểm thất nghiệp sẽ được hỗ trợ thu nhập khi người lao động không có việc làm. Vậy có bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp không? Mức xử phạt nếu không tham gia bảo hiểm thất nghiệp là bao nhiêu?
Có bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp không?
Căn cứ quy định tại khoản 4 Điều 3 Luật Việc làm 2013 thì bảo hiểm thất nghiệp được định nghĩa là chế độ nhằm bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi bị mất việc làm, hỗ trợ người lao động học nghề, duy trì việc làm, tìm việc làm trên cơ sở đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp.
Theo đó, Điều 43 Luật Việc làm 2013 quy định về các đối tượng bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp bao gồm:
Thứ nhất là người lao động phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp khi làm việc theo hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc như sau:
- Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc không xác định thời hạn;
- Hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc xác định thời hạn;
- Hợp đồng lao động theo mùa vụ hoặc theo một công việc nhất định có thời hạn từ đủ 03 tháng đến dưới 12 tháng.
Lưu ý: Trường hợp người lao động giao kết ba loại hợp đồng lao động trên mà đang hưởng lương hưu hoặc giúp việc gia đình thì không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Hiện, tại dự thảo Luật Việc làm sửa đổi đã đề xuất bổ sung thêm nhóm không phải tham gia bảo hiểm thất nghiệp, gồm: Người lao động đang làm việc theo hợp đồng thử việc; người đã nghỉ hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hằng tháng; người đủ điều kiện hưởng lương hưu nhưng chưa hưởng; người giúp việc gia đình.
Thứ hai là người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp, bao gồm:
- Cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, đơn vị vũ trang nhân dân;
- Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp; cơ quan, tổ chức nước ngoài, tổ chức quốc tế hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam;
- Doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình, hộ kinh doanh, tổ hợp tác, tổ chức khác và cá nhân có thuê mướn, sử dụng lao động theo các hợp đồng làm việc hoặc hợp đồng lao động đã được liệt kê ở phần trên.
Như vậy, không phải tất cả người lao động và người sử dụng lao động đều bị bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp, mà chỉ những đối tượng được quy định như trên mới phải thực hiện.
Bảo hiểm thất nghiệp có mấy chế độ?
Căn cứ quy định tại Điều 42 Luật Việc làm 2013 thì có bốn chế độ dành cho người lao động và người sử dụng lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp theo đúng quy định. Trong đó, có ba chế độ dành cho người lao động, một chế độ dành cho người sử dụng lao động. Cụ thể như sau:
Đối tượng | Chế độ | Căn cứ pháp lý |
Người lao động | Trợ cấp thất nghiệp hằng tháng bằng 60% bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp. | Điều 49, 50 Luật Việc làm 2013 |
Tư vấn, giới thiệu việc làm miễn phí khi người lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động mà có nhu cầu tìm kiếm việc làm thông qua trung tâm dịch vụ việc làm. | - Điều 54 Luật Việc làm 2013 - Điều 14 Nghị định 28/2015/NĐ-CP | |
Hỗ trợ học nghề không quá 06 tháng khi nghỉ việc: - Đối với khóa đào tạo nghề đến 03 tháng: tối đa 4.500.000 đồng/người/khóa đào tạo. - Đối với khóa đào tạo nghề trên 03 tháng: tối đa 1.500.000 đồng/người/tháng. | - Điều 55 Luật Việc làm 2013 - Điều 3 Quyết định 17/2021/QĐ-TTg | |
Người sử dụng lao động | Hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề của người lao động tối đa 01 triệu đồng/người/tháng. | - Điều 47 Luật Việc làm 2013 - Điều 4 Nghị định 28/2015/NĐ-CP |
Lấy ý kiến tại dự thảo Luật Việc làm sửa đổi Công đoàn Việt Nam đề nghị nâng mức trợ cấp thất nghiệp lên 75% thay vì 60% như hiện nay. Bên cạnh đó, không quy định hưởng tối đa 12 tháng mà tương ứng thời gian đóng. Ngoài ra, còn đề xuất quyền lợi khi đóng bảo hiểm thất nghiệp trên 12 năm cho người lao động
Mức đóng bảo hiểm thất nghiệp là bao nhiêu?
Hàng tháng, người lao động và người sử dụng lao động phải trích trong tiền lương của người lao động một khoản để đóng bảo hiểm thất nghiệp. Mức đóng bảo hiểm thất nghiệp được quy định tại khoản 1 Điều 57 Luật Việc làm năm 2013 như sau:
Người lao động | Người sử dụng lao động | |
Mức đóng | 01% | 01% |
Tổng | 02% |
Mức xử phạt nếu không tham gia bảo hiểm thất nghiệp
Mức xử phạt đối với người lao động và người sử dụng lao động không tham gia bảo hiểm thất nghiệp được quy định tại Điều 39 Nghị định 12/2022/NĐ-CP như sau:
Đối tượng | Hành vi | Hình thức xử phạt | |
Phạt tiền (VNĐ) | Phạt bổ sung | ||
Người lao động | Thỏa thuận với người sử dụng lao động không tham gia bảo hiểm thất nghiệp | 500.000 - 1.000.000 | |
Người sử dụng lao động | - Chậm đóng bảo hiểm thất nghiệp; - Đóng bảo hiểm thất nghiệp không đúng mức quy định mà không phải là trốn đóng; - Đóng bảo hiểm thất nghiệp không đủ số người thuộc diện tham mà không phải là trốn đóng; - Chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động. | 12% - 15% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm thất nghiệp (tối đa 75.000.000) | - Buộc đóng đủ số tiền bảo hiểm thất nghiệp - Nộp thêm khoản tiền lãi |
Không đóng bảo hiểm thất nghiệp cho toàn bộ người lao động thuộc diện tham gia nhưng chưa đến mức truy cứu hình sự | 18% - 20% tổng số tiền phải đóng bảo hiểm thất nghiệp (tối đa 75.000.000) | ||
- Trốn đóng bảo hiểm thất nghiệp nhưng chưa đến mức truy cứu hình sự; - Sửa chữa, làm sai lệch văn bản, tài liệu trong hồ sơ đề xuất được áp dụng mức đóng thấp hơn nhưng chưa đến mức truy cứu hình sự. | 50.000.000 - 70.000.000 |
Trên đây là nội dung giải đáp cụ thể cho câu hỏi Có bắt buộc tham gia bảo hiểm thất nghiệp không?
Bài viết vẫn chưa giải quyết hết thắc mắc của bạn? Đừng ngần ngại, hãy gọi ngay cho chúng tôi theo số 19006192 để hỗ trợ, giải đáp