Do dịch Covid-19 đã qua "đỉnh dịch", người dân từ chối tiêm vắc xin mũi 3, mũi 4 nên tại các địa phương, tình trạng tồn đọng nhiều vắc xin Covid-19 đang tiếp diễn.
Bộ Y tế "giục" địa phương nhanh chóng tiêm vắc xin Covid-19
Ngày 26/5/2022, Bộ Y tế có Công văn 708/CĐ-BYT gửi Tỉnh ủy, Thành uỷ trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc chỉ đạo Sở Y tế và các đơn vị liên quan khẩn trương tiếp nhận, triển khai tiêm vắc xin Covid-19 do Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương phân bổ đợt 146, 147 (vắc xin có hạn sử dụng 30/6/2022).
Ngay sau đó, ngày 10/6/2022, Bộ Y tế đã ban hành Công điện 771/CĐ-BYT về việc tăng cường tiếp nhận và triển khai tiêm vắc xin phòng Covid-19.
Tuy nhiên theo báo cáo của Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, một số địa phương vẫn chưa tiếp nhận hết số vắc xin được phân bổ hoặc có văn bản đề nghị không nhận vắc xin hoặc điều chuyển vắc xin đã được phân bổ, mặc dù số vắc xin này chỉ đáp ứng 30% nhu cầu tiêm mũi nhắc lại của các địa phương.
Để công tác tiêm chủng đạt các mục tiêu theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đề nghị lãnh đạo các tỉnh, thành phố tiếp tục quan tâm chỉ đạo Sở Y tế và các đơn vị liên quan khẩn trương tiếp nhận và triển khai tiêm vắc xin đợt 146 và 147 nhằm đảm bảo sử dụng vắc xin hiệu quả, tránh lãng phí.
Tiếp tục rà soát đối tượng, tăng cường truyền thông, giao chỉ tiêu tiêm chủng cho từng đơn vị. Thực hiện các biện pháp đẩy mạnh tiêm mũi 3 cho người dân từ 18 tuổi trở lên, mũi 4 cho đối tượng cần tiêm chủng.
Địa phương nào không tiếp nhận đủ vắc xin tiêm mũi 3, mũi 4 cho người từ 18 tuổi trở lên, cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi và không rà soát đủ đối tượng thuộc diện phải tiêm, để xảy ra dịch tại địa phương thì phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Có bắt buộc phải tiêm vắc xin Covid-19 mũi 3 và mũi 4 không?
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho rằng, theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm thì, người có nguy cơ mắc bệnh truyền nhiễm tại vùng có dịch và đến vùng có dịch bắt buộc phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế đối với các bệnh có vắc xin, sinh phẩm y tế phòng bệnh.
Trẻ em, phụ nữ có thai phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc đối với các bệnh truyền nhiễm thuộc Chương trình tiêm chủng mở rộng; Cha, mẹ hoặc người giám hộ của trẻ em và mọi người dân có trách nhiệm thực hiện yêu cầu của cơ sở y tế có thẩm quyền trong việc sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc.
Tuy nhiên, để bắt buộc tiêm vắc xin, Bộ trưởng Bộ Y tế có trách nhiệm ban hành danh mục bệnh truyền nhiễm phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc.
Ngày 01/4/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 447 về việc công bố dịch Covid-19 và là dịch bệnh truyền nhiễm nhóm A có nguy cơ đại dịch toàn cầu trên phạm vi toàn quốc.
Tuy nhiên, hiện nay Covid-19 chưa được cập nhật vào danh mục bệnh truyền nhiễm phải sử dụng vắc xin, sinh phẩm y tế bắt buộc cũng như độ tuổi trẻ em thuộc đối tượng của chương trình tiêm chủng mở rộng chưa có quy định phạm vi và đối tượng phải sử dụng vắc xin và sinh phẩm y tế bắt buộc theo tình hình dịch với một số lý do sau:
- Tổ chức Y tế Thế giới WHO khuyến cáo nên triển khai tiêm vắc xin tự nguyện, hơn là bắt buộc.
- Việc sử dụng vắc xin phòng chống dịch Covid-19 trên thế giới hầu như là tự nguyện, chỉ có một số quốc gia bắt buộc tiêm vắc xin với một số đối tượng như công nhân, cảnh sát, quân đội… và chưa bắt buộc tiêm vắc xin với trẻ em 5-12 tuổi.
- Các vắc xin phòng Covid-19 vẫn đang trong quá trình tổng hợp theo dõi về hiệu quả của sử dụng vắc xin.
Như vậy, căn cứ vào quy định hiện hành và các lý do nêu trên, hiện nay, không bắt buộc tiêm vắc xin Covid-19. Vì thế, bạn có thể không tiêm nếu không có nhu cầu. Bạn cũng không có trách nhiệm phải làm cam kết chịu trách nhiệm nếu làm lây lan dịch bệnh do không tiêm vắc xin Covid-19.
Trên đây là giải đáp có bắt buộc tiêm vắc xin phòng Covid-19 mũi 3, mũi 4? Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.