Khi Tết đến gần, điều người lao động luôn mong mỏi đó là vấn đề lương thưởng. Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp "hẹn" trả lương, thưởng sau Tết để "ép" người lao động quay lại làm việc.
Lương thưởng của người lao động, trả sau Tết được không?
Theo Công văn số 245/VPCP-KGVX, Tết Nguyên đán Nhâm Dần năm nay sẽ được nghỉ từ ngày 31/01 đến hết ngày 04/02/2022. Đối với những người lao động được nghỉ thứ 7, chủ nhật hàng tuần thì kỳ nghỉ Tết kéo dài 9 ngày, từ 29/01 đến hết ngày 06/02/2022.Do bạn không trình bày thỏa thuận về thời gian trả lương của doanh nghiệp nên chúng tôi xin được trả lời như sau:
Theo Điều 97 Bộ luật Lao động 2019, việc trả lương được quy định như sau:- Người lao động hưởng lương theo giờ, ngày, tuần thì được trả lương sau giờ, ngày, tuần làm việc hoặc được trả gộp do hai bên thỏa thuận nhưng không quá 15 ngày phải được trả gộp một lần.
- Người lao động hưởng lương theo tháng được trả một tháng một lần hoặc nửa tháng một lần. Thời điểm trả lương do hai bên thỏa thuận và phải được ấn định vào một thời điểm có tính chu kỳ.
- Người lao động hưởng lương theo sản phẩm, theo khoán được trả lương theo thỏa thuận của hai bên; nếu công việc phải làm trong nhiều tháng thì hằng tháng được tạm ứng tiền lương theo khối lượng công việc đã làm trong tháng.Bộ luật này cũng cho phép doanh nghiệp chậm trả lương cho người lao động nhưng không được chậm quá 30 ngày. Tuy nhiên, việc chậm trả này phải vì lý do bất khả kháng mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng không thể trả lương đúng hạn.
Nếu trả lương chậm từ 15 ngày trở lên thì doanh nghiệp phải đền bù cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng số tiền lãi của số tiền trả chậm tính theo lãi suất huy động tiền gửi có kỳ hạn 01 tháng do ngân hàng nơi doanh nghiệp mở tài khoản trả lương cho người lao động công bố tại thời điểm trả lương.Như vậy, nếu thông thường công ty thỏa thuận với bạn trả lương vào ngày nào thì phải trả đúng hạn. Chẳng hạn, nếu thỏa thuận trả lương tháng này vào ngày 15 tháng sau thì lương tháng 01 bạn sẽ nhận được sau Tết. Tuy nhiên, nếu thỏa thuận trả lương vào ngày cuối tháng, nếu cuối tháng trùng ngày lễ, Tết thì phải trả lương vào trước kì nghỉ lễ, Tết thì công ty phải trả lương cho bạn vào ngày cuối bạn đi làm trước kỳ nghỉ Tết.
Nếu công ty muốn chậm trả lương phải có lý do chính đáng.Về thời gian trả thưởng cũng do 02 bên thỏa thuận hoặc do quy chế của từng công ty.
Công ty chậm trả lương bị phạt bao nhiêu?
Theo Điều 16 Nghị định 28/2020/NĐ-CP việc doanh nghiệp trả lương không đúng hạn; không trả hoặc trả không đủ tiền lương cho người lao động theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động bị phạt như sau:
STT | SỐ LAO ĐỘNG BỊ CHẬM TRẢ LƯƠNG | MỨC PHẠT |
1 | 01 - 10 người | 05 - 10 triệu đồng |
2 | 11 - 50 người | 10 - 20 triệu đồng |
3 | 51 - 100 người | 20 - 30 triệu đồng |
4 | 101 - 300 người | 30 - 40 triệu đồng |
5 | 310 người trở lên | 40 - 50 triệu đồng |
Mức phạt này áp dụng đối với người sử dụng lao động là cá nhân. Đối với người sử dụng lao động là tổ chức, mức phạt gấp đôi mức phạt đối với cá nhân. Như vậy, người sử dụng lao động là tổ chức sẽ bị phạt tối đa 100 triệu đồng nếu chậm trả lương cho người lao động.
Căn cứ vào thỏa thuận, quy chế lương thưởng của doanh nghiệp, nếu bạn thấy việc trả lương, thưởng sau Tết của công ty trái quy định, bạn có thể gửi yêu cầu trực tiếp đến ban lãnh đạo công ty yêu cầu giải quyết tiền lương hoặc khiếu nại tới Chánh Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để được bảo vệ quyền lợi.
Nếu khiếu nại không được giải quyết đúng thời hạn hoặc không đồng ý với quyết định giải quyết đó thì người lao động có quyền khởi kiện vụ án tại Tòa án theo thủ tục tố tụng hành chính (theo điểm b khoản 2 Điều 10 Nghị định 24)...
>> Người lao động có thể không được thưởng Tết năm 2022, đúng không?