hieuluat
Chia sẻ email

Có bị mất việc làm khi đi nghĩa vụ quân sự không?

Theo quy định thì nghĩa vụ quân sự là một trong những nghĩa vụ bắt buộc đối với công dân trong độ tuổi quy định. Nếu công dân đang có việc làm mà đi nghĩa vụ quân sự, liệu có bị mất việc hay không?

Mục lục bài viết
  • Có bị mất việc làm khi đi nghĩa vụ quân sự không?
  • Có hợp đồng lao động có phải đi nghĩa vụ không?
  • Không tiếp nhận người lao động xuất ngũ, bị phạt thế nào?
  • Đi nghĩa vụ quân sự có bị xóa thường trú?
Câu hỏi: Tôi năm nay 23 tuổi, tôi ra trường và xin được việc làm ổn định thì được gọi đi nghĩa vụ quân sự. Cho tôi hỏi, thời gian đi nghĩa vụ quân sự liệu tôi có bị mất việc làm không?

Có bị mất việc làm khi đi nghĩa vụ quân sự không?

Thông tin đến bạn như sau:

Tại Điều 4 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015 quy định việc thực hiện nghĩa vụ quân sự bao gồm phục vụ tại ngũ và phục vụ trong ngạch dự bị của Quân đội nhân dân.

Công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ quân sự, không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ học vấn, nghề nghiệp, nơi cư trú đều phải thực hiện nghĩa vụ quân sự theo quy định.

Căn cứ nội dung tại điểm a khoản 1 Điều 30 Bộ luật Lao động 2019 thì người lao động (NLĐ) thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ thuộc trường hợp tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động.

Điều 31 Bộ luật này cũng quy định:

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, NLĐ phải có mặt tại nơi làm việc và người sử dụng lao động phải nhận NLĐ trở lại làm công việc theo hợp đồng lao động đã giao kết nếu hợp đồng lao động còn thời hạn, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.

Khoản 3 Điều 8 Nghị định 27/2016 của Chính phủ cũng quy định về chế độ đào tạo, học nghề, giải quyết việc làm khi xuất ngũ như sau: Hạ sĩ quan, binh sĩ trước khi nhập ngũ đang làm việc tại tổ chức kinh tế thì khi xuất ngũ tổ chức đó có trách nhiệm tiếp nhận lại, bố trí việc làm và bảo đảm tiền lương, tiền công tương xứng với vị trí việc làm và tiền lương, tiền công trước khi nhập ngũ.

Nếu tổ chức kinh tế đã chấm dứt hoạt động, giải thể hoặc phá sản thì việc giải quyết chế độ, chính sách đối với hạ sĩ quan, binh sĩ xuất ngũ được thực hiện như đối với người lao động của tổ chức kinh tế đó theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội hiện hành.

Cơ quan bảo hiểm xã hội địa phương nơi tổ chức kinh tế nói trên đóng bảo hiểm xã hội chịu trách nhiệm thanh toán chế độ bảo hiểm xã hội theo quy định hiện hành.

Như vậy, bạn đang có công việc ổn định tại doanh nghiệp tư nhân thì khi tham gia nghĩa vụ quân sự sẽ được tạm hoãn hợp đồng lao động mà không phải chấm dứt hợp đồng lao động, có nghĩa bạn không bị mất việc làm trong thời gian thực hiện nghĩa vụ này.

Khi bạn hoàn thành nghĩa vụ quân sự xong, công ty của bạn có trách nhiệm tiếp nhận lại bạn.

Đối với người làm trong cơ quan nhà nước, khi xuất ngũ cơ quan, tổ chức đó phải có trách nhiệm tiếp nhận lại, bố trí việc làm và bảo đảm thu nhập không thấp hơn trước khi nhập ngũ đối với hạ sĩ quan, bĩnh sĩ đã làm việc tại cơ quan trước đó (khoản 2 Điều 8 Nghị định 27/2016)

Nếu cơ quan, tổ chức đó đã giải thể thì cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp có trách nhiệm bố trí việc làm phù hợp. Nếu cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp đó đã giải thể hoặc không có cơ quan, tổ chức cấp trên trực tiếp thì Sở Lao động - Thương binh và Xã hội có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan nhà nước có liên quan cùng cấp để giải quyết việc làm.

Có hợp đồng lao động có phải đi nghĩa vụ không?

Căn cứ theo quy định tại Điều 30 Bộ luật Lao động 2019 thì người lao động thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ thuộc trường hợp được tạm hoãn thực hiện hợp đồng.

Theo đó, thời gian tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động để thực hiện nghĩa vụ quân sự, người lao động không được hưởng lương và quyền, lợi ích đã giao kết trong hợp đồng lao động, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận khác.

Điều 31 Bộ luật Lao động 2019 quy định về việc nhận lại người lao động khi hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động cũng giống với trường hợp trên. Cụ thể:

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, người lao động phải có mặt tại nơi làm việc và người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm công việc theo hợp đồng lao động đã giao kết nếu hợp đồng lao động còn thời hạn, trừ trường hợp hai bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.

Đồng nghĩa với việc, trong vòng 15 ngày, kể từ ngày thực hiện xong nghĩa vụ quân sự người lao động phải quay trở lại làm việc và người sử dụng lao động phải nhận người lao động trở lại làm việc.

co bi mat viec lam khi di nghia vu quan su khong

Không tiếp nhận người lao động xuất ngũ, bị phạt thế nào?

Theo nội dung trên có thể thấy, việc tiếp nhận lại hạ sĩ quan, binh sĩ sau khi tiếp nhận là trách nhiệm của người sử dụng lao động. Nếu không thực hiện đúng sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định 12/2022, cụ tể tại khoản 2 Điều 11 như dưới đây.

Phạt tiền từ 3 –7 triệu đối với người sử dụng lao động có một trong các hành vi:

Không nhận lại người lao động trở lại làm việc sau khi hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động nếu hợp đồng lao động còn thời hạn, trừ trường hợp người sử dụng lao động và người lao động có thỏa thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

Với người sử dụng lao động là tổ chức, mức phạt trên được áp dụng gấp đôi, có nghĩa là từ 6 - 14 triệu đồng (khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022).

Bên cạnh đó, người sử dụng lao động buộc phải:

- Nhận NLĐ trở lại làm việc

- Trả lương trong những ngày không nhận người lao động trở lại làm việc sau khi hết thời hạn tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động (điểm b khoản 5 Điều 11 Nghị định 12/2022).

Đi nghĩa vụ quân sự có bị xóa thường trú?

Câu hỏi: Con tôi sắp lên đường nhập ngũ. Cho tôi hỏi, trong thời gian cháu thực hiện nghĩa vụ quân sự, cháu có bị xóa tên thường trú tại địa phương không? 

Chào bạn, căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 24 Luật Cư trú 2020:

Người thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị xoá đăng ký thường trú:

1. Chết; có quyết định của Tòa án tuyên bố mất tích hoặc đã chết;

2. Ra nước ngoài để định cư;

3. Đã có quyết định hủy bỏ đăng ký thường trú quy định tại Điều 35 của Luật này;

4. Vắng mặt liên tục tại nơi thường trú từ 12 tháng trở lên mà không đăng ký tạm trú tại chỗ ở khác hoặc không khai báo tạm vắng (trừ trường hợp xuất cảnh ra nước ngoài nhưng không phải để định cư, trường hợp đang chấp hành án phạt tù…)

5. Đã được cơ quan có thẩm quyền cho thôi quốc tịch Việt Nam, tước quốc tịch Việt Nam…

6. Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ nhưng đã chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ sau 12 tháng chưa đăng ký thường trú tại chỗ ở mới, trừ trường hợp quy định…

7. Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở hợp pháp nhưng sau đó chuyển quyền sở hữu chỗ ở đó cho người khác sau 12 tháng chưa đăng ký thường trú tại chỗ ở mới…

8. Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở do thuê, mượn, ở nhờ nhưng đã chấm dứt việc thuê, mượn, ở nhờ và không được chủ chỗ ở hợp pháp cho giữ đăng ký thường trú tại chỗ ở đó…

9. Người đã đăng ký thường trú tại chỗ ở đã bị phá dỡ, tịch thu theo quyết định của cơ quan nhà nước…

Như vậy, căn cứ theo quy định trên, có thể thấy người thực hiện nghĩa vụ quân sự không thuộc trường hợp bị xóa thường trú tại địa phương. Do đó, đi nghĩa vụ quân sự sẽ không bị xóa thường trú.

Trên đây là thông tin về vấn đề có bị mất việc làm khi đi nghĩa vụ quân sự không? Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006199 để được hỗ trợ.
 

Nguyễn Đức Hùng

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Đức Hùng

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X