hieuluat
Chia sẻ email

Có đi tù thay được không? Xin phạt tiền thay phạt tù được không?

Đi tù là việc thực hiện hình phạt của người phạm tội. Nhiều người quan tâm đến việc trong khi giải quyết vụ án hình sự, có tồn tại việc đi tù thay cho người khác không? Hoặc khi nào thì được xin phạt tiền thay phạt tù?

Mục lục bài viết
  • Có đi tù thay được không?
  • Miễn chấp hành hình phạt là gì?
  • Có thể xin phạt tiền thay phạt tù được không?

Có đi tù thay được không?

Câu hỏi: Chào Luật sư, tôi có câu hỏi mong được giải đáp như sau: Pháp luật hiện nay có cho phép đi tù thay người khác được không?

Xin cảm ơn.

Chào bạn, chúng tôi đã nhận được câu hỏi của bạn. Với câu hỏi bạn đang quan tâm, chúng tôi xin được giải đáp như sau:

Theo quy định tại Điều 32 Bộ luật Hình sự 2015, hình phạt tù là một trong những hình phạt chính áp dụng đối với người phạm tội. Hình phạt tù có thể áp dụng đối với người phạm tội là tù có thời hạn hoặc tù chung thân.

Cơ sở để một cá nhân chịu trách nhiệm hình sự là họ phạm một tội đã được Bộ luật hình sự quy định (Điều 2 Bộ luật Hình sự 2015). Điều đó có nghĩa rằng, cá nhân nào không thực hiện hành vi phạm tội thì không có cơ sở để buộc họ phải chịu trách nhiệm hình sự.

Điểm e khoản 1 Điều 3 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về nguyên tắc xử lý đối với người phạm tội như sau:

...
e) Đối với người bị phạt tù thì buộc họ phải chấp hành hình phạt tại các cơ sở giam giữ, phải lao động, học tập để trở thành người có ích cho xã hội; nếu họ có đủ điều kiện do Bộ luật này quy định, thì có thể được xét giảm thời hạn chấp hành hình phạt, tha tù trước thời hạn có điều kiện;
...

Theo đó, pháp luật buộc người bị phạt tù phải chấp hành hình phạt tù tại cơ sở giam giữ và không cho phép người khác đi tù thay.

Miễn chấp hành hình phạt là gì?

Câu hỏi: Chào HieuLuat, tôi đang tìm hiểu quy định pháp luật hình sự về hình phạt. Tôi muốn HieuLuat giải đáp giúp tôi vấn đề sau: Miễn chấp hành hình phạt là gì?

Xin cảm ơn.

Chào bạn, HieuLuat đã tiếp nhận câu hỏi của bạn. Với thông tin bạn cung cấp, chúng tôi xin được giải đáp như sau:

Theo quy định tại Điều 30 Bộ luật Hình sự 2015, hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước được quy định trong Bộ luật này, do Tòa án quyết định áp dụng đối với người hoặc pháp nhân thương mại phạm tội nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của người, pháp nhân thương mại đó.

Hiện nay, chưa có quy định nào định nghĩa về miễn chấp hành hình phạt. Thông thường, miễn chấp hành hình phạt được hiểu là việc người bị kết án không phải thi hành toàn bộ hoặc một phần hình phạt theo bản án đã có hiệu lực.

Một số đối tượng có thể được miễn chấp hành hình phạt được quy định tại Điều 62 Bộ luật Hình sự như sau:

- Người bị kết án được đại xá hoặc đặc xá.

Xem thêm: Điều kiện của người đề nghị được đặc xá

-  Có thể được Tòa án xem xét quyết định miễn chấp hành hình phạt theo đề nghị của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân trong một số trường hợp:

+ Người bị kết án cải tạo không giam giữ hoặc tù có thời hạn đến 03 năm chưa chấp hành hình phạt, nhưng thuộc trường hợp: Sau khi bị kết án đã lập công, hoặc mắc bệnh hiểm nghèo hoặc chấp hành tốt pháp luật, có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và xét thấy người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa. Lúc này, Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành toàn bộ hình phạt cho họ.

+ Người bị kết án phạt tù có thời hạn trên 03 năm, chưa chấp hành hình phạt đã lập công lớn hoặc mắc bệnh hiểm nghèo và người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa. Trường hợp này Tòa án có thể xem xét miễn chấp hành toàn bộ hình phạt cho họ.

+ Người bị kết án phạt tù đến 03 năm, đã được tạm đình chỉ chấp hành hình phạt mà trong thời gian được tạm đình chỉ đã lập công hoặc chấp hành tốt pháp luật, hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và xét thấy người đó không còn nguy hiểm cho xã hội nữa. Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành hình phạt còn lại cho những người bị kết án thuộc trường hợp này.

+ Người bị kết án phạt tiền đã tích cực chấp hành được một phần hình phạt nhưng bị lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn kéo dài do thiên tai, hỏa hoạn, tai nạn hoặc ốm đau gây ra mà không thể tiếp tục chấp hành được phần hình phạt còn lại hoặc lập công lớn. Đây cũng là đối tượng được Tòa án có thể ra quyết định miễn chấp hành hình phạt còn lại.

+ Tòa án có thể quyết định miễn chấp hành phần hình phạt còn lại theo đề nghị của cơ quan thi hành án hình sự cấp huyện nếu đối tượng là người bị phạt cấm cư trú hoặc quản chế và họ chấp hành được một phần hai thời hạn hình phạt và cải tạo tốt.

Lưu ý: Người bị kết án tuy có thể được miễn chấp hành một phần hoặc toàn bộ hình phạt nhưng vẫn phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ dân sự được tuyên trong bản án. Nghĩa vụ dân sự có thể là: Bồi thường thiệt hại,…(khoản 7 Điều 62 Bộ luật Hình sự 2015).

Như vậy, miễn chấp hành hình phạt được hiểu là việc người bị kết án không phải thi hành một phần hoặc toàn bộ các hình phạt theo bản án đã có hiệu lực. Việc miễn chấp hành hình phạt chỉ áp dụng đối với một số đối tượng nhất định.

co di tu thay duoc khong

Phạt tiền có thể là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung (Ảnh minh họa)

Có thể xin phạt tiền thay phạt tù được không?

Câu hỏi: Chào HieuLuat, tôi có câu hỏi mong được tư vấn như sau: Người phạm tội có thể xin phạt tiền thay phạt tù được không?

Xin cảm ơn.

Chào bạn, chúng tôi cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi. Với câu hỏi của bạn, chúng tôi xin giải đáp như sau:

Phạt tù là một trong số các hình phạt chính được quy định tại Điều 32 Bộ luật Hình sự 2015. Phạt tiền có thể là hình phạt chính hoặc hình phạt bổ sung áp theo quy định tại Điều 32, Điều 33 Bộ luật Hình sự 2015.

Việc áp dụng hình phạt của Tòa án nhân dân phải dựa trên các căn cứ được Bộ luật Hình sự 2015 quy định tại Điều 50 như sau:

- Tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội;

- Thân phận người phạm tội: Như họ là ai? Công tác, học tập làm việc ở đâu? Có thành tích gì được khen thưởng không?...

- Các tình tiết giảm nhẹ và tăng nặng trách nhiệm hình sự: Quy định cụ thể tại Điều 51 và Điều 52 của Bộ luật Hình sự 2015;

- Trường hợp áp dụng hình phạt tiền thì Tòa án còn căn cứ thêm vào tình hình tài sản, khả năng thi hành án của người phạm tội;

- Quy định cụ thể của Bộ luật Hình sự về tội phạm đó.

Từ căn cứ trên suy ra, bạn có thể đề nghị xin áp dụng hình phạt tiền thay cho hình phạt tù nếu:

- Hình phạt tiền cũng phải là hình phạt chính của tội phạm;

- Thỏa mãn các điều kiện được quy định tại Điều 50 của Bộ luật Hình sự;

- Thuộc trường hợp được Tòa án nhân dân quyết định hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt được áp dụng (Điều 54 Bộ luật Hình sự 2015).

Ví dụ 1: A bị truy cứu trách nhiệm hình sự vì phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo khoản 2 Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015. A đã thành niên, không có vấn đề về sức khỏe, hoàn toàn tự chủ khi thực hiện hành vi phạm tội.

Điều 174. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Chiếm đoạt tài sản trị giá từ 50.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng;

d) Tái phạm nguy hiểm;

đ) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;

e) Dùng thủ đoạn xảo quyệt;

Hình phạt chính áp dụng cho tội danh này là phạt tù dù người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự ở khung hình phạt nào của Điều 174. Điều này có nghĩa là, anh A không thể được áp dụng hình phạt tiền thay cho phạt tù.

Ví dụ 2: B đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự tại khoản 2 Điều 165 Bộ luật Hình sự 2015 về tội xâm phạm quyền bình đẳng giới.

Điều 165. Tội xâm phạm quyền bình đẳng giới

1. Người nào vì lý do giới mà thực hiện hành vi dưới bất kỳ hình thức nào cản trở người khác tham gia hoạt động trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế, lao động, giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, văn hóa, thông tin, thể dục, thể thao, y tế, đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này mà còn vi phạm, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm:

a) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Đối với 02 người trở lên.
...

Theo quy định trên, hình phạt chính cho tội phạm này là phạt tiền hoặc phạt tù. Lúc này, người phạm tội có thể đề nghị được áp dụng hình phạt tiền thay phạt tù. Lý do là trong khoản 2 có hai hình phạt chính được áp dụng là phạt tù hoặc phạt tiền.

Tuy nhiên, cần lưu ý việc đề nghị thay thế hình phạt áp dụng là quyền của người phạm tội nhưng quyết định cuối cùng là của Tòa án. Khi ra quyết định áp dụng hình phạt, Tòa án cũng sẽ căn cứ vào các quy định của Bộ luật Hình sự 2015.

Kết luận, người phạm tội có thể xin đề nghị phạt tiền thay phạt tù nếu đáp ứng các điều kiện do pháp luật quy định.

Trên đây là giải đáp thắc mắc về có đi tù thay được không? Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ  19006192 để được hỗ trợ.

>> Phạm tội khi mang thai có phải đi tù không?

>> Đi tù có phải bồi thường thiệt hại không?

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X