Quốc hội đã thông qua Nghị quyết Nghị quyết 198/2025/QH15 về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân. Đáng chú ý là nội dung bỏ hình thức thuế khoán với hộ kinh doanh từ 01/01/2026.

Bỏ hình thức thuế khoán đối với hộ kinh doanh từ 01/01/2026?
Với việc Nghị quyết 198/2025/QH15về cơ chế, chính sách phát triển kinh tế tư nhân được thông qua sẽ chính thức bỏ đi hình thức thuế khoán đối với hộ kinh doanh từ 1/1/2026.
Trước đó tại Nghị quyết 68-NQ/TW ngày 04/5/2025 về phát triển kinh tế tư nhân có đề cập như sau:
7. Hỗ trợ thực chất, hiệu quả doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ và hộ kinh doanh
- Rà soát, hoàn thiện khung khổ pháp lý về kinh doanh cá thể; thu hẹp tối đa sự chênh lệch, tạo mọi điều kiện thuận lợi về tổ chức quản trị và chế độ tài chính, kế toán để khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp. Đẩy mạnh số hoá, minh bạch hoá, đơn giản hoá, dễ tuân thủ, dễ thực hiện đối với chế độ kế toán, thuế, bảo hiểm... để khuyến khích chuyển đổi hộ kinh doanh sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp. Xoá bỏ hình thức thuế khoán đối với hộ kinh doanh chậm nhất trong năm 2026.
Ngoài ra một số chính sách hỗ trợ thuế, phí, lệ phí được nêu tại Điều 10 Nghị quyết 198/2025/QH15 về có nêu cụ thể như sau:
(1) Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời hạn 02 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 04 năm tiếp theo đối với thu nhập từ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
(2) Miễn thuế thu nhập cá nhân, thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản thu nhập từ chuyển nhượng cổ phần, phần vốn góp, quyền góp vốn, quyền mua cổ phần, quyền mua phần vốn góp vào doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
(3) Miễn thuế thu nhập cá nhân trong thời hạn 02 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 04 năm tiếp theo đối với thu nhập từ tiền lương, tiền công của chuyên gia, nhà khoa học nhận được từ doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, trung tâm nghiên cứu phát triển, trung tâm đổi mới sáng tạo, tổ chức trung gian hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
(4) Miễn thuế thu nhập doanh nghiệp cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trong 03 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp lần đầu.
(5) Chấm dứt việc thu, nộp lệ phí môn bài từ ngày 01/01/2026...
Bỏ hình thức thuế khoán đối với hộ kinh doanh từ 01/01/2026? (Ảnh minh họa)
2 phương pháp tính thuế đối với hộ kinh doanh hiện nay
Căn cứ theo quy định tại Điều 5 và 7 Thông tư 40/2021/TT-BTC sửa đổi tại Thông tư 100/2021/TT-BTC hiện nay có 2 phương pháp tính thuế đối với hộ kinh doanh như sau
(1) Phương pháp tính thuế đối với hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai
- Phương pháp kê khai áp dụng đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh quy mô lớn; và hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh chưa đáp ứng quy mô lớn nhưng lựa chọn nộp thuế theo phương pháp kê khai.
- Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai thực hiện khai thuế theo tháng trừ trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh mới ra kinh doanh và hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh đáp ứng các tiêu chí khai thuế theo quý và lựa chọn khai thuế theo quý theo quy định.
- Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai nếu xác định doanh thu tính thuế không phù hợp thực tế thì cơ quan thuế thực hiện ấn định doanh thu tính thuế theo quy định.
- Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai phải thực hiện chế độ kế toán, hóa đơn, chứng từ. Trường hợp hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực, ngành nghề có căn cứ xác định được doanh thu theo xác nhận của cơ quan chức năng thì không phải thực hiện chế độ kế toán.
- Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp kê khai không phải quyết toán thuế.
(2) Phương pháp tính thuế đối với hộ kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán
- Phương pháp khoán được áp dụng đối với hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh không thuộc trường hợp nộp thuế theo phương pháp kê khai và không thuộc trường hợp nộp thuế theo từng lần phát sinh.
- Hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh nộp thuế theo phương pháp khoán (Hộ khoán) không phải thực hiện chế độ kế toán.
Hộ khoán sử dụng hóa đơn lẻ phải lưu trữ và xuất trình cho cơ quan thuế các hóa đơn, chứng từ, hợp đồng, hồ sơ chứng minh hàng hóa, dịch vụ hợp pháp khi đề nghị cấp, bán lẻ hóa đơn theo từng lần phát sinh.
Riêng trường hợp hộ khoán kinh doanh tại chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu trên lãnh thổ Việt Nam phải thực hiện việc lưu trữ hóa đơn, chứng từ, hợp đồng, hồ sơ chứng minh hàng hóa hợp pháp và xuất trình khi cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền yêu cầu.
- Hộ khoán đã được cơ quan thuế thông báo số thuế khoán phải nộp từ đầu năm thì hộ khoán thực hiện nộp thuế theo thông báo.
Trường hợp hộ khoán đã được thông báo số thuế từ đầu năm nhưng trong năm ngừng hoặc tạm ngừng kinh doanh thì cơ quan thuế thực hiện điều chỉnh số thuế phải nộp theo hướng dẫn tại điểm b.4, điểm b.5 khoản 4 Điều 13 Thông tư 40/2021/TT-BTC. Trường hợp hộ khoán mới ra kinh doanh trong năm (kinh doanh không đủ 12 tháng trong năm dương lịch) thì hộ khoán thuộc diện phải nộp thuế GTGT, phải nộp thuế TNCN nếu có doanh thu kinh doanh trong năm trên 100 triệu đồng; hoặc thuộc diện không phải nộp thuế GTGT, không phải nộp thuế TNCN nếu có doanh thu kinh doanh trong năm từ 100 triệu đồng trở xuống.
- Hộ khoán khai thuế theo năm quy định tại điểm c khoản 2 Điều 44 Luật Quản lý thuế 2019, nộp thuế theo thời hạn ghi trên Thông báo nộp tiền của cơ quan thuế theo quy định tại khoản 2 Điều 55 Luật Quản lý thuế 2019. Trường hợp hộ khoán sử dụng hóa đơn do cơ quan thuế cấp, bán lẻ theo từng số thì hộ khoán khai thuế, nộp thuế riêng đối với doanh thu phát sinh trên hóa đơn đó theo từng lần phát sinh.
Bài viết vẫn chưa giải quyết hết thắc mắc của bạn? Đừng ngần ngại, hãy gọi ngay cho chúng tôi theo số 19006192 để hỗ trợ, giải đáp