hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Năm, 23/12/2021
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Có được bán tài sản khi đang thế chấp ngân hàng?

Thế chấp tài sản là biện pháp bảo đảm được sử dụng rất phổ biến bởi nhiều ưu điểm. Tài sản đang thế chấp ngân hàng có được bán không hiện là thắc mắc của nhiều người.

Mục lục bài viết
  • Thế chấp tài sản là gì?
  • Có được bán tài sản thế chấp ngân hàng không?
  • Khi nào thì tài sản thế chấp bị xử lý?
Câu hỏi: Gia đình em có vay ngân hàng một số tiền giờ chưa đến hạn trả nợ, nhưng gia đình em muốn bán tài sản đang thế chấp cho ngân hàng để lấy tiền trả nợ. Cho em hỏi có được bán tài sản đang thế chấp này được không? Xin cảm ơn!

Chào bạn, hiện nay việc thế chấp tài sản ngân hàng để vay vốn khá phổ biến. Và vấn đề được nhiều người quan tâm đó chính là có được bán tài sản thế chấp hay không giống với trường hợp của bạn. Chúng tôi xin được thông tin về vướng mắc này như sau:

Thế chấp tài sản là gì?

Theo quy định tại Điều 317  Bộ luật Dân sự 2015 về thế chấp tài sản như sau:

1. Thế chấp tài sản là việc một bên (sau đây gọi là bên thế chấp) dùng tài sản thuộc sở hữu của mình để bảo đảm thực hiện nghĩa vụ và không giao tài sản cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận thế chấp).

Cũng theo khoản 2 Điều này thì tài sản thế chấp do bên thế chấp giữ và các bên cũng có thể thỏa thuận giao cho người thứ ba giữ tài sản thế chấp.

Có được bán tài sản thế chấp ngân hàng không?

Theo quy định về nghĩa vụ của bên thế chấp tại Khoản 8 Điều 320 Bộ luật Dân sự thì:

“Không được bán, thay thế, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 và khoản 5 Điều 321 của Bộ luật này.”

Khoản 4 và khoản 5 Điều 321 Bộ luật Dân sự năm 2015 về quyền của bên thế chấp quy định cụ thể như sau:

- Nếu tài sản là hàng hoá luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh thì được bán, thay thế, trao đổi tài sản thế chấp.

Trong trường hợp này, quyền yêu cầu bên mua thanh toán tiền, số tiền thu được, tài sản hình thành từ số tiền thu được, tài sản được thay thế hoặc được trao đổi trở thành tài sản thế chấp.

Nếu tài sản thế chấp là kho hàng thì bên thế chấp được quyền thay thế hàng hóa trong kho, nhưng phải bảo đảm giá trị của hàng hóa trong kho đúng như thỏa thuận.

- Nếu tài sản không phải là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất, kinh doanh chỉ được bán, trao đổi, tặng cho tài sản thế chấp khi được bên nhận thế chấp đồng ý hoặc theo quy định của luật.

Như vậy, trong trường hợp bạn muốn bán tài sản thế chấp mà tài sản đó không phải là hàng hóa luân chuyển trong quá trình sản xuất – kinh doanh bạn phải được ngân hàng đồng ý.

Nếu được ngân hàng đồng ý, bạn có thể thanh toán toàn bộ tiền nợ gốc, lãi của khoản vay, thực hiện thủ tục giải chấp lấy giấy tờ thế chấp tài sản từ ngân hàng. Ngân hàng sẽ trả lại Giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản cho bên bán để bên bán giao cho bên mua.

co duoc ban tai san the chap ngan hang khong
Tùy vào loại tài sản đang thế chấp mà người thế chấp được bán hay không? Ảnh minh họa.

Khi nào thì tài sản thế chấp bị xử lý?

Theo quy định tại Điều 299 Bộ luật dân sự 2015, các trường hợp xử lý tài sản bảo đảm được quy định tại như sau:

“1. Đến hạn thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm mà bên có nghĩa vụ không thực hiện hoặc thực hiện không đúng nghĩa vụ.

2. Bên có nghĩa vụ phải thực hiện nghĩa vụ được bảo đảm trước thời hạn do vi phạm nghĩa vụ theo thỏa thuận hoặc theo quy định của luật.

3. Trường hợp khác do các bên thỏa thuận hoặc luật có quy định.”

Như vây, khi người thế chấp tài sản không thực hiện nghĩa vụ, vi phạm nghĩa vụ quy định tại hợp đồng thế chấp thì tài sản thế chấp có thể bị xử lý bằng phương thức theo quy định tại Điều 303 Bộ luật Dân sự 2015:

- Bán đấu giá tài sản

- Bên nhận bảo đảm tự bán tài sản

- Bên nhận bảo đảm nhận chính tài sản để thay thế cho việc thực hiện nghĩa vụ của bên bảo đảm

- Phương thức khác

Vừa rồi là những thông tin giải đáp vấn đề có được bán tài sản thế chấp ngân hàng không? Nếu có thêm vướng mắc, bạn đọc thể liên hệ với chúng tôi qua hotline  19006199 để được các chuyên gia pháp lý hỗ trợ.

Có thể bạn quan tâm

X