hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Tư, 01/11/2023
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Có được giảm lương nhân viên không? Thông báo thế nào?

Bài viết dưới đây sẽ cung cấp quy định pháp luật xoay quanh vấn đề có được giảm lương nhân viên không? Thông báo giảm lương nhân viên thế nào? Hãy cùng theo dõi.

Mục lục bài viết
  • Có được giảm lương nhân viên không?
  • Thông báo giảm lương nhân viên thế nào?
  • Công ty giảm lương nhân viên trái luật bị xử lý ra sao?
Câu hỏi: Tôi vừa nhận được lương tháng 10/2023 từ công ty thì thấy lương thấp hơn so với thỏa thuận trong Hợp đồng lao động đã ký. Luật sư cho tôi hỏi Công ty có thể cắt giảm lương mà không có sự đồng ý của tôi không? và trình tự như thế nào? xin cảm ơn luật sư

Có được giảm lương nhân viên không?

Nhìn chung, người sử dụng lao động được giảm lương nhân viên nhưng phải đảm bảo đúng quy định của pháp luật về lao động.

Có được giảm lương nhân viên không?

Có được giảm lương nhân viên không?

Căn cứ khoản 1 Điều 94 Bộ luật Lao động 2019 quy định về nguyên tắc trả lương, cụ thể như sau:

“Người sử dụng lao động phải trả lương trực tiếp, đầy đủ, đúng hạn cho người lao động. Trường hợp người lao động không thể nhận lương trực tiếp thì người sử dụng lao động có thể trả lương cho người được người lao động ủy quyền hợp pháp.”

Như vậy về mặt nguyên tắc, việc trả lương đầy đủ và đúng hạn cho người lao động theo hợp đồng lao động là nghĩa vụ của người sử dụng lao động. Các doanh nghiệp, cá nhân sử dụng lao động không được tự ý cắt giảm lương của nhân viên.

Tuy nhiên, căn cứ Điều 33 Bộ luật lao động 2019 việc giảm lương có thể được thực hiện bằng cách sửa đổi và bổ sung hợp đồng lao động nếu đáp ứng 02 điều kiện sau đây:

- Việc giảm lương phải được người sử dụng lao động thông báo đến nhân viên ít nhất 03 ngày làm việc.

- Người lao động đồng ý với yêu cầu cắt giảm lương của người sử dụng lao động và đồng ý sửa đổi, bổ sung điều khoản lương thưởng trong hợp đồng lao động.

Lưu ý: Việc sửa đổi, bổ sung hợp đồng lao động về việc thỏa thuận lại mức lương của người lao động phải được thực hiện dưới hình thức ký kết phụ lục hợp đồng lao động để sửa đổi hợp đồng lao động hiện có giữa các bên, theo quy định tại khoản 2 Điều 22 Bộ luật Lao động 2019.

Nếu người lao động không đồng ý thì các bên tiếp tục thực hiện và chi trả mức lương theo hợp đồng lao động ban đầu.

Thông báo giảm lương nhân viên thế nào?

Thông báo giảm lương nhân viên là thông báo mà doanh nghiệp gửi đến cho một số cá nhân hoặc toàn bộ nhân viên của mình về dự định giảm lương nhân viên của doanh nghiệp.

Thông báo giảm lương nhân viên thế nào?

Thông báo giảm lương nhân viên thế nào?

Do đó, để thực hiện giảm lương nhân viên đúng quy định pháp luật, phía doanh nghiệp/công ty cần thực hiện thông báo giảm lương theo quy trình cụ thể như sau:

Bước 1: Gửi thông báo về việc giảm lương đến các cá nhân, nhân viên mà doanh nghiệp muốn giảm lương. Hoặc nếu việc giảm lương thực hiện trên toàn bộ công ty thì gửi thông báo đến từng cá nhân và niêm yết tại trụ sở chính công ty.

Thông báo cần làm rõ một số nội dung chủ yếu như sau: Lý do việc cắt giảm lương, mức lương sau cắt giảm, thời hạn cắt giảm lương, ngày giờ địa điểm thảo luận việc cắt giảm lương…

Bước 2: Thực hiện việc trao đổi, đàm phán thống nhất với người lao động về các nội dung liên quan đến việc cắt giảm lương của nhân viên.

Bước 3: Nếu hai bên đồng ý thì lập thành văn bản, và tiến hành ký kết phụ lục hợp đồng lao động về việc sửa đổi, giảm mức lương của nhân viên.

Bước 4: Thực hiện chi trả mức lương mới theo phụ lục hợp đồng lao động mới mà các bên đã ký kết.

Công ty giảm lương nhân viên trái luật bị xử lý ra sao?

Việc công ty tự ý giảm lương nhân viên trái luật sẽ bị xử phạt theo quy định tại khoản 2, khoản 5 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP. Theo đó nếu không trả hoặc trả không đủ tiền lương cho người lao động theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động sẽ bị xử phạt hành chính tùy theo số lượng lao động bị vi phạm, cụ thể như sau:

- 01 đến 10 người lao động: Mức phạt từ 5 - 10 triệu đồng

- 11 đến 50 người lao động: Mức phạt từ Từ 10 - 20 triệu đồng

- 51 đến 100 người lao động: Mức phạt từ Từ 20 - 30 triệu đồng

- 101 đến 300 người lao động: Mức phạt từ Từ 30 - 40 triệu đồng

- 301 người lao động trở lên:  Mức phạt từ Từ 40 - 50 triệu đồng

Căn cứ khoản 1 Điều 6 Nghị định 12/2022/NĐ-CP thì mức phạt tiền đối với tổ chức vi phạm gấp 02 lần so với cá nhân, do đó nếu doanh nghiệp  không trả hoặc trả không đủ tiền lương cho người lao động theo thỏa thuận trong hợp đồng lao động sẽ bị xử phạt hành chính từ 10 -100 triệu đồng.

Ngoài ra còn còn buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả theo khoản 5 Điều 17 Nghị định 12/2022/NĐ-CP là trả đủ tiền lương và kèm theo số tiền lãi của số tiền lương trả thiếu theo lãi suất ngân hàng.

Trên đây là các thông tin liên quan đến vấn đề có được giảm lương nhân viên không và thông báo cắt giảm lương. Hy vọng bài viết đã đem đến cho  bạn đọc những thông tin cần thiết.

Nếu cần giải đáp thắc mắc liên quan, vui lòng liên hệ tổng đài  19006199 để được hỗ trợ nhanh chóng nhất.

Nguyễn Văn Tuấn

Tham vấn bởi: Luật sư Nguyễn Văn Tuấn

Công ty TNHH luật TGS - Đoàn luật sư TP. Hà Nội

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X