hieuluat
Chia sẻ email
Thứ Hai, 18/07/2022
Theo dõi Hiểu Luật trên google news

Có được lập vi bằng mua bán đất hay không?

Hiện nay, khi thực hiện giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhiều người vẫn lầm tưởng rằng có thể lập vi bằng thay cho công chứng, chứng thực dẫn đến hợp đồng chuyển nhượng không có giá trị pháp lý, gây rủi ro cho các bên cũng như khó khăn khi thực hiện thủ tục chuyển nhượng. Vậy pháp luật quy định về việc lập vi bằng mua bán đất như thế nào? Bài viết dưới đây sẽ cung cấp một số các thông tin liên quan đến vấn đề này!
Mục lục bài viết
  • Định nghĩa “Vi bằng”
  • Các sự kiện, hành vi nào cần lập vi bằng?
  • Có được lập vi bằng mua bán đất hay không?
  • Chi phí lập vi bằng mua bán nhà đất là bao nhiêu?
  • Một số Văn phòng Thừa phát lại tại Đà Nẵng
Câu hỏi: Chào luật sư, sắp tới tôi có giao dịch chuyển nhượng đất đai tại Đà Nẵng, không biết tôi có thể lập vi bằng cho giao dịch này được không? Tôi rất mong nhận được giải đáp từ luật sư. Tôi cảm ơn!

Chào bạn, chúng tôi đã nhận được yêu cầu liên quan đến vấn đề lập vi bằng mua bán đất của bạn. Vấn đề này chúng tôi tư vấn như sau:

Định nghĩa “Vi bằng”

Khoản 3 Điều 2 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tổ chức và hoạt động của Thừa phát lại đưa ra định nghĩa vi bằng như sau:

“Điều 2. Giải thích từ ngữ

3. Vi bằng là văn bản ghi nhận sự kiện, hành vi có thật do Thừa phát lại trực tiếp chứng kiến, lập theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan, tổ chức theo quy định của Nghị định này.”

Theo đó, vi bằng là văn bản do Thừa phát lại lập để ghi nhận các sự kiện và hành vi có thật dưới sự chứng kiến của Thừa phát lại theo yêu cầu của cá nhân, cơ quan và tổ chức theo quy định của pháp luật.

Các sự kiện, hành vi nào cần lập vi bằng?

Nghị định số 08/2020/NĐ-CP cũng như các văn bản liên quan không có quy định cụ thể các sự kiện, hành vi bắt buộc phải lập vi bằng. Tuy nhiên, theo khuyến nghị của Bộ Tư pháp, các sự kiện, hành vi sau đây nên được lập vi bằng: Lập vi bằng ghi nhận hiện trạng tài sản, ghi nhận mức độ ô nhiễm, ghi nhận việc giao nhận tài sản, ghi nhận tình trạng thiệt hại, ghi nhận thỏa thuận góp vốn kinh doanh,…

Mắc dù pháp luật không có quy định về các sự kiện, hành vi bắt buộc phải lập vi bằng nhưng có quy định về các trường hợp không lập vi bằng tại Điều 37 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP.

lap vi bang mua ban dat

Có được lập vi bằng mua bán đất hay không?

Theo như phân tích phía trên, pháp luật không quy định trường hợp cụ thể nào bắt buộc phải lập vi bằng nhưng có một số trường hợp đặc biệt không được lập vi bằng được quy định tại Điều 37 Nghị định số 08/2020/NĐ-CP, trong đó có quy định liên quan đến mua bán đất:

“Điều 37. Các trường hợp không được lập vi bằng

4. Xác nhận nội dung, việc ký tên trong hợp đồng, giao dịch mà pháp luật quy định thuộc phạm vi hoạt động công chứng, chứng thực; xác nhận tính chính xác, hợp pháp, không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ, văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt; xác nhận chữ ký, bản sao đúng với bản chính.

5. Ghi nhận sự kiện, hành vi để chuyển quyền sử dụng, quyền sở hữu đất đai, tài sản không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng, quyền sở hữu theo quy định của pháp luật.

…”

Như vậy, bạn không được yêu cầu lập vi bằng cũng như Thừa phát lại không được lập vi bằng để ghi nhận sự kiện, hành vi chuyển quyền sử dụng, quyền sở hữu đất đai không có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng và quyền sở hữu và không được lập vi bằng để xác nhận nội dung, việc ký tên trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Trường hợp bạn không có Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nhưng có giấy tờ chứng minh quyền sử dụng, quyền sở hữu theo quy định của pháp luật thì vẫn có thể yêu cầu lập vi bằng.

Các giấy tờ chứng minh quyền sử dụng, quyền sở hữu nhà đất được quy định cụ thể tại Điều 100 Luật Đất đai 2013: Điều 18, Điều 31 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP.

Ngoài ra, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất theo quy định tại khoản 3 Điều 167 Luật Đất đai 2013 quy định bắt buộc phải được công chứng hoặc chứng thực bằng văn bản. Do đó, khi lập hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, bạn phải thực hiện công chứng, chứng thực tại Văn phòng công chứng thì mới có giá trị pháp lý, vi bằng không thể thay thế văn bản công chứng, chứng thực.

Một số sự kiện, hành vi liên quan đến nhà đất được lập vi bằng như: ghi nhận việc đặt cọc, xác nhận tình trạng nhà đất hoặc ghi nhận việc giao, nhận tiền khi chuyển nhượng nhà đất hợp pháp sau khi hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất đã được công chứng hoặc chứng thực theo đúng quy định của pháp luật.

lap vi bang mua ban dat

Chi phí lập vi bằng mua bán nhà đất là bao nhiêu?

Nghị định số 08/2020/NĐ-CP không có quy định cụ thể về chi phí lập vi bằng mà chỉ khái quát tại Điều 64 rằng chi phí lập vi bằng do người yêu cầu và Văn phòng Thừa phát lại thỏa thuận theo công việc thực hiện hoặc theo giờ làm việc.

Do đó, mức phí lập vi bằng đối với từng trường hợp cụ thể sẽ có sự khác nhau và mức phí này cũng được niêm yết công khai tại Văn phòng Thừa phát lại.

Một số Văn phòng Thừa phát lại tại Đà Nẵng

Nếu bạn muốn lập vi bằng liên quan đến nhà đất tại Đà Nẵng, bạn có thể đến hai Văn phòng Thừa phát lại dưới đây:

1. Văn phòng Thừa phát lại Trọng Tín có địa chỉ trụ sở tại số 425 đường Núi Thành, phường Hòa Cường Bắc, quận Hải Châu, thành phố Đà Nẵng.

2. Văn phòng Thừa phát lại Phạm Hoàng có địa chỉ trụ sở tại số 29 đường Phần Lăng 15, phường Hòa Khê, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng.

Trên đây là những thông tin liên quan đến vấn đề có được lập vi bằng mua bán đất hay không? Trường hợp bạn muốn tư vấn những vấn đề liên quan đến lập vi bằng mua bán đất hay các vấn đề pháp lý khác, hãy liên hệ trực tiếp đến tổng đài  19006199 để được hỗ trợ kịp thời.

Tin cùng chủ đề

Có thể bạn quan tâm

X