Có được lấy ngày âm lịch để đăng ký khai sinh cho con không là băn khoăn của nhiều người bởi trên thực tế, không ít người có thông tin trên giấy khai sinh, giấy tờ tùy thân. Vậy pháp luật quy định điều này thế nào?
Có được lấy ngày âm lịch để đăng ký khai sinh không?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 4 Nghị định số 123/2015/NĐ-CP, nội dung khai sinh được xác định theo quy định tại Khoản 1 Điều 14 của Luật Hộ tịch và quy định sau đây:
- Họ, chữ đệm, tên và dân tộc của trẻ em được xác định theo thỏa thuận của cha, mẹ và được thể hiện trong tờ khai đăng ký khai sinh. Nếu cha, mẹ không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được thì xác định theo tập quán;
- Quốc tịch của trẻ em xác định theo quy định của pháp luật về quốc tịch;
- Số định danh cá nhân của người được đăng ký khai sinh được cấp khi đăng ký khai sinh.
- Ngày, tháng, năm sinh được xác định theo dương lịch. Nơi sinh, giới tính của trẻ em được xác định theo giấy chứng sinh do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp.
Nếu không có giấy chứng sinh thì xác định theo giấy tờ thay giấy chứng sinh theo quy định.
Đối với trẻ em sinh tại cơ sở y tế thì nơi sinh phải ghi rõ tên của cơ sở y tế và tên đơn vị hành chính cấp xã, huyện, tỉnh nơi có cơ sở y tế đó; trẻ em sinh ngoài cơ sở y tế thì ghi rõ tên đơn vị hành chính cấp xã, huyện, tỉnh nơi trẻ em sinh ra.
- Quê quán của người được đăng ký khai sinh được xác định theo quy định tại Luật Hộ tịch.
Như vậy, căn cứ theo quy định trên có thể thấy khi đăng ký khai sinh thì ngày, tháng, năm sinh phải được xác định theo dương lịch. Do đó, bạn không thể lấy ngày tháng năm sinh âm lịch để làm giấy khai sinh cho con.
Có được đổi ngày sinh trên giấy khai sinh?
Chào bạn, thay đổi hộ tịch theo khoản 10 Điều 4 Luật Hộ tịch là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền đăng ký thay đổi những thông tin hộ tịch của cá nhân khi có lý do chính đáng theo quy định của pháp luật dân sự hoặc thay đổi thông tin về cha, mẹ trong nội dung khai sinh đã đăng ký theo quy định của pháp luật.
Điều 26 Luật hộ tịch 2014 được hướng dẫn bởi khoản 1 Điều 7 Nghị định 123/2015 có quy định phạm vi thay đổi hộ tịch bao gồm:
Thứ nhất là thay đổi họ, chữ đệm và tên của cá nhân trong nội dung khai sinh đã đăng ký (khi có căn cứ theo quy định của pháp luật dân sự)
Theo đó, việc thay đổi họ, chữ đệm, tên cho người dưới 18 tuổi phải có sự đồng ý của cha, mẹ người đó và được thể hiện rõ trong Tờ khai. Với người từ đủ 9 tuổi trở lên thì còn phải có sự đồng ý của người đó.
Thứ hai là thay đổi thông tin về cha, mẹ trong nội dung khai sinh đã đăng ký sau khi được nhận làm con nuôi theo quy định của Luật nuôi con nuôi.
Như vậy, theo quy định trên thì ngày tháng năm sinh trong Giấy khai sinh không thuộc phạm vi thay đổi hộ tịch.
Theo khoản 12 Điều 4 Luật Hộ tịch thì:
Cải chính hộ tịch là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi những thông tin hộ tịch của cá nhân trong trường hợp có sai sót khi đăng ký hộ tịch.
Có thể hiểu cải chính hộ tịch là việc chỉnh sửa thông tin cá nhân trong Sổ hộ tịch hoặc trong bản chính giấy tờ hộ tịch và chỉ được thực hiện khi có đủ căn cứ xác định có sai sót do lỗi của công chức làm công tác hộ tịch hay của người yêu cầu đăng ký hộ tịch.
Như vậy, ngày tháng năm sinh của một người chỉ được thay đổi khi có đủ căn cứ xác định sai sót do lỗi của công chức làm công tác hộ tịch hoặc của người yêu cầu đăng ký hộ tịch. Và việc chứng minh sai sót có thể dùng giấy chứng sinh hoặc các giấy tờ khác hợp lệ.
Vừa rồi là những thông tin về việc Có được lấy ngày âm lịch để đăng ký khai sinh không? Nếu còn thắc mắc, vui lòng liên hệ 19006192 để được hỗ trợ.